Hành trình tìm em - Kỳ 2: Sẽ tìm đến cùng trời cuối đất

07/04/2009 11:42 GMT+7

Tôi và Lương ở nhà. Bác ruột tôi chuyển qua ở chung để nhà đỡ vắng. Sáng hằng ngày tôi đi học, chiều đi chăn bò và lên rừng lấy củi. Tôi vốn xưa là một đứa hay khóc, bố mẹ đi đâu đó lâu quá tôi ở nhà bật khóc và rủ mấy đứa em cùng khóc theo, đến mức mọi người gọi tôi là con vọ Lell, một loài chim đen thui có tiếng kêu buồn thảm mà người ta không thích lắm.

Căn nhà sàn mới toanh dài hơn 20m quá trống để hai chị em nằm ôm nhau ngủ. Đó là những ngày tháng kinh hoàng nhất trong đời những đứa trẻ như chúng tôi. Đói, không đủ cơm ăn, mỗi buổi tối lấy củi từ trên đỉnh núi về, ngồi một mình bên cửa sổ tôi ngó bờ vai bầm tím của mình, lại khóc.

Mất em!
 
Điều ám ảnh nhất với tôi lúc đó là mỗi chiều đi học về thấy người ta vác cân đến nhà đòi nợ. Bố tôi vay tiền làm nhà, hậu sự của bố chưa xong đã có người vác cân đòi thóc. Những lần đó tôi phải nấp vào bụi cây ven đường mà tủi hổ. Người ta nói nặng lời với bác tôi nhiều lắm bởi ngoài số nợ của riêng nhà tôi thì nhà bác cũng nợ đầm đìa. Quan tài của mẹ tôi ngày ấy cũng mượn của hàng xóm kia mà.

10-5-2003

Liệu chị em mình có còn gặp nhau nữa không nhỉ? Chị rất buồn và đau lòng khi phải xa các em. Chị cũng không hiểu tại sao cuộc đời lại đưa đẩy chị em mình mỗi người một nơi như thế này. Chị cũng mong các em được ăn học tử tế là chị mừng rồi. Chính thân thị đây mới là người chị vô dụng. 12 năm trên ghế nhà trường giờ đây chị đã vứt tất cả để lao thân đi kiếm ăn. Chị đành phải thế thôi em ạ. Không có cách nào nữa.

Chị đã làm hết sức những gì mà chị có để hỏi thăm tin tức của em. Nhưng cố đến đâu cũng vô ích các em ạ. Chị buồn và nhớ khi phải xa cách các em ruột của chị, chị luôn cầu mong một ngày nào đó chị được gặp mặt các em.

7-8-2003

Bây giờ các em đang làm gì vậy? Các em có nghĩ về chị dù một chút không? Chị chỉ mong sao các em không quên nơi đã sinh ra các em và chị chỉ mong gặp các em thật nhiều...

(Trích nhật ký của KIM OANH)

Thằng Lương chăn trâu, tôi gặt, cấy, đi rừng lấy củi, hái lá dong... Tối mịt về chị em mới gặp được nhau. Thằng Lương đi học hay bị bạn bè chọc mồ côi. Nó điên lên và hay đánh người ta lắm. Lúc đó, cứ vào mùa mới được ăn no tí, còn không thì ăn khoai củ vớ. Cuộc sống cứ đơn độc như vậy nhưng chưa tệ bằng cái ngày tôi bấm bụng phải để Lương ra trung tâm Hòa Bình.

Có chị, có em thì ấm áp biết bao, nhưng nếu tiếp tục thế này thì lấy gì để ăn, lấy gì để thằng Lương còn đi học được? Nhưng ngôi nhà này tôi là người chủ sau cùng, nếu tôi cũng đi theo Lương cho yên phận mình thì lấy ai thắp nhang cho bố mẹ?

Cấp I tôi học ở Tuân Đạo, cấp II học ở xã khác cao hơn, nếu đi bộ mất khoảng hai giờ. Lên cấp III tôi xuống xã Nhân Nghĩa học, đi bộ mất 3-4 giờ. Tài sản giá trị của bố mà tôi quyết giữ là chiếc xe đạp, nhưng đến năm lớp 11 chiếc xe đạp cũng bị lấy trộm. Vậy là tôi cuốc bộ. Làng tôi nghèo, chỉ có một hai người đủ tiền đi học nội trú dưới huyện.

Tôi là con mồ côi, chỉ phải đóng tiền xây dựng trường 15.000 đồng mà bác tôi lo còn mệt. Mấy lần tôi định nghỉ học, bác tôi không cho, bảo cứ học tiếp. Thời cấp I-II tôi học khá. Lên năm cấp III khó khăn chất chồng nhưng tôi quyết chí phải học cho bố mẹ hãnh diện về mình. Trong lớp tôi chỉ đứng sau một người.

Rồi năm đó, tôi trở thành đứa đầu tiên ở làng Khào này có bằng tú tài. Tôi ra thăm mộ bố mẹ để báo cho bố mẹ tôi niềm tự hào về con gái và cũng để tâm sự với bố mẹ rằng con chưa thể thi vào ngành y dược như ý nguyện của bố mẹ.

Tôi quỳ xuống và thề trước mộ rằng con sẽ đi tìm cho bằng được những đứa em đã lưu lạc xứ người. Nói vậy nhưng tôi cũng chưa biết mình sẽ làm thế nào. Ký ức cuối cùng về Thương rất ít bởi nó đi chừng một năm thì bác tôi ra thăm, người ta bảo đã cho nó làm con nuôi một người Mỹ. Bác tôi làm dữ việc tại sao không cho gia đình biết. Chắc người ta rút kinh nghiệm nên đến phiên thằng Lương, họ cho nó về nhà chơi một tuần trước khi lên đường. Tôi lúc ấy chưa biết thế nào là đi Mỹ, ở Mỹ.

Trong ký ức non thơ, tôi nghĩ đi đâu đó ngoài Hòa Bình rồi nó cũng sẽ về khi lớn lên tí nữa. Nhưng rồi nó đi mãi. Tôi xin bác 50.000 đồng, từ 1 giờ sáng cuốc bộ ra con đường đất để bắt xe lên trung tâm Hòa Bình tìm em. Tôi, con bé Mường từ vùng sâu, chẳng trách gì người ta lạnh lùng lắc đầu: Chả biết Lương đâu. Thật ra, nó cũng là nguyên tắc: con nuôi cho đi, không được cung cấp thông tin gì. Đất trời mênh mông, làm sao tôi tìm được hai em mình về đây cho bố mẹ?

Làm thuê

 

Lương ở trung tâm trẻ em mồ côi 

19 tuổi, tôi như nổ tung trong cô đơn và những quay quắt phải đi tìm kiếm những đứa em của mình. Bác tôi gợi ý tôi nên lấy chồng khi 18 tuổi. Tôi tìm cách chối từ, khẳng định với bác là mình chưa muốn có chồng, chỉ muốn tìm một công việc ổn định mà thôi. Tôi không dám nói ra mục đích lớn nhất trong cuộc đời là đi tìm lại hai đứa em.

Có mấy chàng trai sang “bỏ rượu” nhưng tối đến họ lại mang về. Rồi tôi thưa với bác xin phép ra nhà bố mẹ nuôi ở Hòa Bình để tìm việc làm bởi tôi có muốn cách nào thì cũng không thể đi học tiếp được nữa. Hồi học cấp II tôi có quen một người bạn ở thị xã Hòa Bình. Những lần ra trung tâm Hòa Bình thăm thằng Lương, tôi hay ở nhà nó ngủ. Bố mẹ nó nhận tôi làm con nuôi. Mẹ nuôi xin cho tôi một chân phụ việc trong một quán phở gần cơ quan của mẹ.

Tôi làm việc từ 4g đến 20g. Sáng 4g thức dậy nhặt rau, bê những chồng bát cao hơn đầu mình ra sắp xếp rồi bưng bê phục vụ khách hàng. Quán phở ngày ấy nhỏ nhưng đông khách lắm, tôi chạy bàn đến rã cả chân mà không kịp. Phục vụ xong dọn dẹp quán, rửa bát đĩa đến 13g là bắt đầu làm thịt gà. Mình tôi cắt tiết, nhổ lông, làm hàng chục con gà cho ngày hôm sau. Làm quần quật đến 20g xong việc thì lê thân về nhà mẹ nuôi. Người như rã rời. Bà chủ là một người cực kỳ khó tính và hay mắng chửi người làm.

Tôi cúi đầu lặng thinh vì nghĩ mình không làm nơi này cả đời. Tôi chỉ phải làm để trả món nợ của bố mẹ và làm để kiếm một ít tiền, kiếm một cơ hội có thể đi tìm được những đứa em của mình. Nhà tôi lúc ấy còn thiếu 6-7 triệu đồng tiền nợ. Đối với xứ Mường ngày ấy thì đó là số tiền quá lớn để có thể mơ đến việc trả xong món nợ.

Cứ thế, từ ngày này qua ngày khác, công việc chồng chất làm tôi quen đi. Mỗi đêm làm về mệt mỏi nhưng ít khi tôi ngủ được vì nhớ bố mẹ và hai đứa em của mình. Tôi bắt đầu ghi những dòng nhật ký cho hai đứa em: “Lương, Thương ơi, chị thề là sẽ tìm hai em cho đến cùng trời cuối đất. Dù phải bới tung cả trái đất này lên, chị cũng quyết tâm tìm cho bằng được hai đứa em của chị”.

Rất nhiều lần tôi tìm cách tiếp cận với Trung tâm Hòa Bình để hỏi thăm nhưng không được thông tin gì. Có lần tôi định năn nỉ mấy cô chú xem có việc gì đó để mình làm hay không, nhưng đó là một đề xuất vô vọng và hết sức ngây thơ.

Những chồng bát đĩa cứ đè dần ước mơ của tôi xuống. Một ngày, tôi quyết định nghỉ làm để ra Hà Nội. Ở đó có mấy người bác ruột của tôi. Vậy là từ giã Hòa Bình.

Kỳ 1: Bi kịch từ những chiếc nấm 

Theo Bùi Thị Kim Oanh / Tuổi Trẻ
(NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG ghi)

Số báo tới bạn đọc sẽ chứng kiến con đường mới của Kim Oanh khi cô được các chị bảo bây giờ các em đi Mỹ rồi, muốn tìm thì phải học tiếng Anh, học vi tính để tìm trên mạng Internet. Thế là, Garvey, Garvey, Garvey..., đầu óc cô lúc nào cũng chỉ có mấy từ mà người ta nói là tên của Lương.

Kỳ tới: Chạm đến giấc mơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.