Hung thần của bọn cướp giật

25/03/2009 10:49 GMT+7

Lừng lẫy một thời trong giới giang hồ Cà Mau bởi tài xỉa xu, bạc bịp, Huỳnh Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) nhiều lần xộ khám. Đến khi bị bắt lần thứ sáu, ở tù rồi ra trại, Sáu Nghĩa quyết tâm hoàn lương

Ngồi cùng tôi trong ngôi nhà xập xệ hướng mặt ra dòng sông Tắc Vân êm đềm, trước khi vào chuyện, Sáu Nghĩa trút bỏ chiếc áo quện đầy mồ hôi và bùn đất, để lộ những hình xăm chằng chịt - dấu tích của một thời ngang dọc...

Quá khứ tội lỗi

Tuổi thơ của Sáu Nghĩa rất bất hạnh. Mẹ lâm bệnh mất sớm, cha đi thêm bước nữa. Đói và thất học, năm 15 tuổi, Sáu Nghĩa gia nhập nhóm trẻ bụi đời ở thị xã Cà Mau. Để có cái ăn, Sáu Nghĩa tập tành bạc bịp, dần thạo nghề rồi theo các chuyến xe khách để kiếm tiền về nuôi đồng bọn, nhờ đó được nhóm trẻ bụi đời phong “đại ca”.

Hồi ấy, Sáu Nghĩa có thể xỉa được một lúc 4 xu, điều mà không một tay xỉa xu nào trên các chuyến xe Bắc - Nam làm được nên giới xỉa xu tôn Nghĩa là “sư phụ”. Giới bạc bịp miền Tây khi ấy kháo nhau rằng hễ Sáu Nghĩa ra tay là chắc chắn mang “chiến lợi phẩm” về.

Có ngày trúng mánh, Sáu Nghĩa bịp được hàng chục triệu đồng. Không ít nạn nhân của Sáu Nghĩa đã trở thành hành khất bất đắc dĩ, phải hạ mình xin tiền bá tánh để về quê. Sáu Nghĩa kể, hồi năm 1992, có lần anh cùng đồng bọn chơi bạc bịp, lừa hết tiền và 5 cây vàng của một hành khách Việt kiều quê ở Kiên Giang trên chuyến xe Cà Mau - TPHCM khiến người này phải xin tiền những người đồng hành để trả tiền xe.

Có một vụ mà có lẽ cả đời Sáu Nghĩa cũng không thể nào quên được, đó là một chuyến “làm ăn” trên chuyến đò từ TP Cà Mau về Rạch Tàu, một đôi vợ chồng trên đường đi làm tóc về chuẩn bị cho đám cưới đã sập bẫy bạc của Sáu Nghĩa. Toàn bộ của hồi môn của cô dâu và bên chồng cho (tiền và trang sức) bị “lột” sạch. Thấy cô dâu bật khóc, Sáu Nghĩa thương tình, trả lại đôi bông tai.

Do đồng tiền kiếm được quá dễ dàng nên Sáu Nghĩa cứ lao vào những cuộc ăn chơi trác táng. Hết tiền, Sáu Nghĩa lại xuất chiêu bạc bịp để kiếm tiền chơi tiếp. Rồi vào nhà giam lột lịch, khi trở ra vẫn ngựa quen đường cũ.

Làm lại cuộc đời

Ngày 3-1-2001, Sáu Nghĩa bị bắt lần thứ sáu về hành vi “cướp giật tài sản”, thụ án 2 năm tù giam. Ngày ra trại, Sáu Nghĩa mang giấy đặc xá đến gặp một người quen đặc biệt, đó là trung tá Võ Minh Tần, Phó trưởng Công an xã Tắc Vân (TP Cà Mau), người mà khi còn là cảnh sát hình sự của TP Cà Mau đã ba lần trực tiếp bắt Nghĩa vì các tội cờ bạc, lừa đảo, cướp giật.

Sáu Nghĩa nói với trung tá Tần: “Trước đây, tôi thề không đội trời chung với anh nhưng từ nay trở đi anh sẽ không còn cơ hội để bắt tôi nữa đâu vì tôi đã hạ quyết tâm làm lại cuộc đời!”. Trung tá Võ Minh Tần hứa sẽ tạo điều kiện cho Sáu Nghĩa tu chí làm ăn.

Khu vực nơi Sáu Nghĩa sinh sống vốn rất phức tạp vì là vùng giáp ranh giữa hai xã Tắc Vân và Tân Thành (TP Cà Mau). Nơi đây một thời được ví như mảnh đất riêng của giang hồ tứ chiếng. Trung tá Tần bảo rằng từ khi Sáu Nghĩa về “trấn giữ” thì khu vực này trở nên bình yên.

Nhờ số má giang hồ một thời cùng với khí phách “kiến ngãi bất vi vô dõng dã/lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” mà cựu giang hồ này đã thu phục được lòng người. Ở đâu có đánh nhau, có Sáu Nghĩa xuất hiện là im phăng phắc, rồi ngồi nghe “đại ca” Sáu Nghĩa phân xử phải trái, xong bắt tay làm hòa.

Ngôi nhà của Sáu Nghĩa luôn sáng đèn suốt đêm, đó là chiếc bóng đèn do trung tá Tần trực tiếp gắn và trả tiền điện hằng tháng để giao nhiệm vụ cho Sáu Nghĩa giữ gìn an ninh trật tự khu vực này. Đáp lại điều đó, Sáu Nghĩa đã không ít lần lập công giúp Công an xã Tắc Vân phá những vụ án trộm cắp, giật dọc, xin đểu xảy ra trên địa bàn, được chính quyền ngợi khen...

Điển hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc

Chưa đầy một năm từ khi Sáu Nghĩa tuyên bố “gác kiếm”, đến ngày 17-8-2004, trung tá Võ Minh Tần trao tận tay Sáu Nghĩa giấy khen của UBND xã Tắc Vân về thành tích truy tìm đối tượng trộm cắp tài sản. Cùng ngày, Sáu Nghĩa nhận tiếp một giấy khen nữa của UBND TP Cà Mau về thành tích đột xuất trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Và cho đến hôm nay, Sáu Nghĩa vẫn tiếp tục thể hiện là một gương sáng hoàn lương điển hình bằng lối sống thanh đạm và hết mình cống hiến vì trật tự trị an nơi cư trú.

Bài và ảnh: Phùng Duy Nhân / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.