>> NGUYỄN PHÚC

Sống ở nơi thâm sâu cùng cốc một xã vùng cao của H.Đakrông (Quảng Trị), lại bị Giàng “tước” đi đôi chân lành lặn, tưởng như xã hội bên ngoài đã đóng cửa với cậu bé tội nghiệp. Ấy thế mà cơ duyên một ngày đã đến và cậu có cơ hội được đứng thẳng lên bằng chính đôi chân của mình, dù chỉ là chân giả.


Bản Ngược, nơi Hồ Văn Đào sinh sống, chỉ cần nghe tên cũng phần nào mường tượng ra sự xa xôi cách trở. Từ trung tâm xã Pa Nang (H.Đakrông), muốn vào Ngược chúng tôi phải đi thêm 20 km đường rừng, qua chừng 4 - 5 con suối. Mới đầu mùa mưa, nhưng con đường vốn chỉ rộng chừng 3 m với lau lách hai bên đã ngập ngụa trong mớ bùn lầy nhão nhoẹt và những con dốc dựng đứng. Trong chuyến “viếng thăm” Đào vào giữa tháng 10 ấy, chúng tôi đi bằng ô tô 2 cầu nhưng mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Suốt dọc đường, ai cũng tự hỏi, làm thế nào để cậu bé với đôi chân què quặt có thể dăm ba ngày lại bò trên con đường này ra trung tâm xã tìm con chữ?

Đào năm nay đã bước qua tuổi 17. Cậu bé tật nguyền này từng là nhân vật của Báo Thanh Niên từ năm 2014 trong bài Vết chân dài trên non, khi ấy chỉ mới là cậu học trò lớp 7B Trường tiểu học và THCS Pa Nang. Năm chưa đầy 2 tuổi, một cơn sốt quái ác đã làm cho đôi chân Đào bỗng co quắp rồi teo dần. Không có tiền, gia đình cứ để Đào ở nhà... chờ tử thần “gõ cửa”. Vậy mà Đào lại sống.

Cha của Đào, ông Hồ Văn Năm, mất sau một lần cuốc phải quả bom bi ở trong vườn hồi năm 2003. Theo tập tục của người Vân Kiều, bà Hồ Thị Mọ phải dắt đàn con rời quê chồng ở xã Tà Long trở về quê cũ ở bản Ngược, nhờ các cậu bảo bọc. “Lúc đó thằng Đào mới 2 tuổi, lại không có chân, đi đâu làm gì nó cũng được bồng được bế”, ông Hồ Văn Moi, cậu ruột của Đào, nhớ lại.

Cảnh nhà như thế, nhưng Đào lại thích đến trường, mặc chúng bạn thi thoảng vẫn ngứa mồm chọc “thằng què”, “thằng cụt”, mặc cho không ít buổi đến lớp với cái bụng rỗng và đầu gối tứa máu vì vấp đá sỏi dọc đường. Hết tiểu học, Đào thậm chí vẫn vượt mấy chục cây số để theo học cấp THCS ở trung tâm xã.

Ý chí của cậu bé tật nguyền vùng cao đã làm rung động những thầy cô giáo ở Pa Nang, thôi thúc họ làm điều thiện tâm: nhận nuôi luôn học trò. Đặc biệt, thầy giáo Lê Thanh Tùng, khi ấy là Hiệu phó Trường tiểu học và THCS Pa Nang, thậm chí cho Đào ở cùng phòng, ngủ cùng giường, ăn cùng mâm. Nhờ hơi ấm của thầy, cái lạnh mùa đông trên núi cao đã bớt làm đau nhức đôi chân cụt lủn của Đào...

Hồ Văn Đào khi đang học lớp 7 trường TH và THCS Pa Nang (H.Đakrông, Quảng Trị)

Tốt nghiệp THCS, Đào lần đầu tiên “vượt núi” khi “đi” ra tận TP.Đồng Hới (Quảng Bình) để theo học Trường trung cấp Luật Đồng Hới. Khi ấy, cậu vẫn chưa có chân, vẫn phải lê lết.

Trải qua 17 mùa lúa rẫy chín, Đào nhận ra có 2 người tốt mà em may mắn được gặp trên đời. Đầu tiên phải kể đến thầy hiệu trưởng Tùng. Ân nhân thứ 2 là anh Đặng Quang Toàn, một cán bộ trong chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn, người trực tiếp mang cho em món quà còn hơn cả giấc mơ: đôi chân giả!

Hồ Văn Đào tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng

Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản bởi Đào phải trải qua 2 ca mổ cùng rất nhiều đau đớn về thể xác. Ngày 14.4.2018, Đào lần đầu tiên theo anh Toàn vào TP.Đà Nẵng, điểm đến là Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng (thuộc Bộ LĐ-TB-XH). Gần 4 tháng sau đó, Đào tạm trú ở đây để các bác sĩ lần lượt phẫu thuật cắt bỏ phần thừa của từng chân một, hồi phục sức khỏe, gắn chân giả, tập đi... Chính Đào đã đề nghị các bác sĩ can thiệp sao cho đôi chân bên ngắn bên dài của mình phải... cụt bằng nhau. Về sau, nhiều người mới biết lời đề nghị đau đớn này (theo đúng nghĩa đen) là để... khi làm chân giả sẽ dễ dàng hơn trong việc nâng chiều cao. “Giờ đây, sau khi lắp chân, Đào cao 1,68 m, ăn đứt chiều cao khá nhiều trai bản”, anh Toàn nói.

Thêm cả tuần tập tành, Đào mới đi được chân giả. Ngày 1.8.2018, Đào trong hình hài của chàng trai cao ráo bước những bước đi vững vàng trở về nhà, trước ánh mắt trầm trồ của cư dân bản Ngược. Hai tháng sau, khi được hỏi về sự thay đổi ra sao kể từ dạo... có chân, mấy người cậu của Đào pha trò: “Hỏi nó về chuyện đi sim ấy!”. Phong tục trai gái hò hẹn nhau vào ban đêm của người vùng cao (đi sim), trước đây Đào tự ti không bao giờ dám nhắc. Nhưng bây giờ thì lại... không phủ nhận. “Nó lên trên bản Bù và bản Tà Mên đấy, trên đó có nhiều con gái đẹp và chưa chồng”, “Đào đẹp trai, có học chữ mà giờ lại có chân, đi lại như người khác rồi thì khối gái theo”, “Ăn cơm thì phải nhắc nhưng đi sim thì không cần nhắc nó đâu”... Mấy người cậu liên tiếp trêu chọc đứa cháu. Riêng Đào thì có chút bẽn lẽn và né sang chuyện khác, “mô tả” cảm giác sướng nhất từ ngày có chân là được... ngang hàng với bạn bè, nói chuyện chả cần phải ngước lên như trước đây, mỏi hết cả cổ!

Có chân, Đào tìm được niềm vui sống và tự chăm lo cho mình

Bỏ ngang chuyện học chỉ sau 1 năm học ở Trung cấp Luật Đồng Hới vào cuối năm 2017, nên Đào không do dự khi nói về ước mơ lớn nhất lúc này của mình: Muốn đi học lại. Đào muốn mình cũng như số đông người dân ở bản, ưng có cái chữ, có bằng cấp, có công việc và giúp ích cho người khác. Kể từ ngày lắp thêm chân, Đào ra dáng đàn anh khi dẫn đám em nhỏ đi quanh bản, lại phụ giúp mẹ làm việc nhà, thậm chí leo đồi thăm rẫy lúa. “Từ dạo có chân, em thấy mình giống mọi người hơn!”, Đào nói.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Nguyễn Phúc - Thanh Lộc

Báo Thanh Niên
18.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.