Khám phá biển Tây - Kỳ 1: Những người đi mở đảo

23/10/2008 15:02 GMT+7

Phú Quốc, hay còn gọi là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Vị trí và lịch sử của quần đảo và vùng biển phía tây Tổ quốc đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện về những con người đầu tiên tình nguyện ra đi để mang lại sức sống mới cho đảo, dấn thân góp phần để đến bây giờ đảo đã phát triển về mọi mặt.

Họ ở lại, sống trọn đời với đảo, làm chứng nhân của những câu chuyện khai thiên lập địa vùng đất này.

Quần đảo An Thới có tất cả 18 đảo, dân số khoảng 3.000 người, sinh sống tập trung tại hòn Thơm, cũng là hòn lớn nhất (rộng khoảng 5,7km2). Theo mùa gió, bãi biển mặt Nam và mặt chướng hòn Thơm đều sầm uất với hàng trăm ghe tàu đánh bắt, thu mua hải sản tề tựu mỗi ngày. Trong nhịp sống đang diễn ra sôi động bây giờ, ít ai biết có hai ông lão là những người đầu tiên đi khơi nguồn sống cho đảo, nay vẫn nặng tình với biển.

60 tuổi ra đảo lập nghiệp

Tại hòn Thơm, vào năm 1904, có một người đã 60 tuổi ra đây lập nghiệp. Ông là Khưu Văn Hạp, sinh năm 1844. Hồi đầu ông chọn mặt biển phía Nam đảo cất một căn chòi rồi ngày ngày cần mẫn phát rừng trồng dừa, trồng khoai mì tích cốc phòng cơ. Suốt mấy chục năm trời ông một mình thui thủi trên đảo. Mãi đến đầu năm 1943, vợ ông là bà Võ Thị Đức và vợ chồng hai người con gái của ông cũng dẫn theo hai đứa cháu ngoại, một gái, một trai tìm ra đảo với ông.

 
 Ông Năm Diễn là một pho từ điển sống về Phú Quốc - Ảnh: T.Đức

Người cháu trai duy nhất ấy là Huỳnh Quốc Dương (Hai Tuấn), sinh năm 1935, bây giờ vẫn còn sống ở nơi ngày xưa ông ngoại đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo. Ông Hai Tuấn nhớ lại: “Năm 1943, trên hòn Thơm này chỉ có hai căn nhà. Căn của ngoại tôi ở mặt nam đảo, căn kia ở mặt chướng. Hằng ngày ngoại tôi lên rừng xẻ ván, chặt dây mây, tìm trầm hương, hậu phác..., mang về nhà cất chờ tàu từ Vĩnh Long, Sa Đéc, Sài Gòn xuống bán”. Thấm thoắt ngoại ông Hai Tuấn đã lên tuổi trăm. Ông Hạp mất ngày 26.6.1947, hưởng thọ 104 tuổi.

Ngoại mất, cha đi làm cách mạng, gia đình ông Hai Tuấn rơi vào cảnh khó khăn, trong khi tại đảo Phú Quốc quân Pháp tăng cường bố ráp, tàu buôn từ các nơi không ghé lại hòn Thơm nữa. Hết gạo ăn, người dì ruột ông Hai Tuấn là Sáu Thủ mới tìm đường vô Cửa Cạn, gửi người sang Campuchia mua được hơn giạ lúa rẫy hạt tròn, gạo đỏ. Đầu mùa mưa năm 1947, cả nhà mang ra gieo phía sau vườn nhà.

Vụ đầu tiên ông Tuấn trồng 1 mẫu, 6 tháng sau lúa chín cắt mang vô dùng chày giã liên tục bốn ngày đêm thu được hơn 50 giạ lúa. Cả nhà sáu người ăn nhín nhịn đến mùa mưa năm sau lại phát rừng được hơn 1,2 mẫu cấy tiếp. Đến vụ thứ ba (1949), diện tích lúa tăng lên đến 1,7 mẫu. Chuyện một gia đình ở đảo xa trồng được lúa đến tai quân Pháp, chúng vu gián là tiếp tế cho Mặt trận Việt Minh nên xua mã tà ra nhổ sạch và ngăn cấm không cho trồng nữa.

Hai Tuấn dẫn tôi ra thăm mộ ngoại ông. Căn nhà bao lấy ngôi mộ ngày nào giờ đã sụp mất. Cả tấm mộ bia bằng gỗ trai - loại gỗ chỉ bị mưa nắng bào mòn chứ không thể mục - cũng đã sụp xuống. Dấu ấn thời gian trùm lên vạn vật. Duy có lòng người là thêm keo sơn với biển. “Bốn đứa con tôi giờ đều sống, làm việc ở thị trấn Dương Đông. Tụi nó định rước tôi về để tiện bề phụng dưỡng, nhưng tôi không thể đi xa vùng biển này quá ba ngày được”, ông Hai Tuấn nói.

Không nghe tiếng sóng không ngủ được 

Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, có tổng cộng 37 đảo lớn nhỏ (chưa kể 10 đảo ngầm, còn gọi là hòn khô), tổng diện tích tự nhiên khoảng 60.000ha, dân số hơn 85.000 người. Trong số này có ba đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc (diện tích 56.500ha, cách thành phố Rạch Giá khoảng 120km), đảo Thổ Châu (thuộc quần đảo Thổ Châu, diện tích 1.300ha, cách đảo Phú Quốc khoảng 100km) và đảo hòn Thơm (thuộc quần đảo An Thới, diện tích 570ha, cách đảo Phú Quốc khoảng 10km).  

Đã bước qua tuổi 88 nhưng ông Ngô Văn Diễn (Năm Diễn) vẫn còn “gân guốc” lắm. Khách đến chơi nhà ông có thể làm tù tì hơn 10 cốc rượu đế bự tổ chảng. Là dân Phú Quốc chính gốc, mới hơn 10 tuổi Năm Diễn đã theo cha dọc ngang khắp vùng biển Kiên Giang và ra tận miền Trung. Rồi Năm Diễn trở thành một chèo dọc (thuyền trưởng) nổi tiếng khắp vùng. “Gọi là chèo dọc vì hồi xưa mỗi chuyến ra khơi người thuyền trưởng đều phải ngồi chót vót trên cái cọc dựng phía trước mũi tàu quan sát để ra hiệu lệnh cho tài công điều khiển con tàu đi tìm luồng cá và tránh các bãi đá ngầm trên biển”, ông Năm Diễn nói.

Nhiều cụ cao niên ở Phú Quốc phục lăn cái tài “bói cá” của ông Năm Diễn. Chỉ cần coi bóng biển, luồng nước và nhìn hướng chim cắc ca bay là ông biết ở đâu có cá. Sau năm 1954, Năm Diễn là một trong hai chèo dọc ở vùng biển Kiên Giang “bị bắt” đưa đi học “tầm ngư” tận bên Singapore, do một người Pháp trực tiếp hướng dẫn. Năng khiếu trời cho cộng với những kiến thức khoa học hiện đại thu được trong hơn tháng trời lênh đênh trên biển cùng các chuyên gia người Pháp càng làm Năm Diễn nổi như cồn.

Càng về sau, nguồn cá kiệt dần, nhiều người ôm con thuyền 30-40 tấn ra khơi, mỗi chuyến đi mất 4-5 phuy dầu mới đánh đầy, còn Năm Diễn chỉ đi một ngày, mới dùng hết một phuy 220 lít là tàu đã đầy ắp. Thế nên các chủ tàu, chủ nhà thùng nước mắm luôn tranh nhau mời cho được Năm Diễn về làm chèo dọc. Bây giờ, trong số bảy người con của ông chỉ có người thứ sáu Ngô Hoàng Nam là kế tục được kinh nghiệm của cha và trở thành một chèo dọc lừng lẫy ở Phú Quốc. Sang thế hệ thứ ba cũng chỉ có một đứa cháu ngoại kế tục được nghề của ông.

Cuộc đời Năm Diễn cũng lắm thăng trầm. Có giai đoạn bốn năm ông được Việt Minh cài vào làm thư ký xã Lộc Hòa (Dương Tơ ngày nay) để thu thập tình hình. Sang những năm đầu thập niên 1970, chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và chính sách bình định, Năm Diễn lại phải dẫn bảy người con chạy ra hòn Thơm lánh nạn. Dạo đó trên hòn Thơm mới có chừng 4-5 hộ gia đình. Nhiều người coi Năm Diễn - người cao tuổi nhất ở hòn Thơm - là một pho từ điển sống về Phú Quốc. Bây giờ ở tuổi 88, ngày ngày ông vẫn đi bộ từ nhà ra tới bãi biển để được nghe tiếng sóng vỗ ì oạp. Ông bảo: “Ở miết quen rồi, hôm nào không nghe tiếng sóng không ngủ được”.

Theo Tấn Đức / Tuổi Trẻ

___________________________

Ông là người hành nghề vá ép xe, nhưng bàn chân ông đã đi khắp 99 ngọn núi từ bắc đảo đến nam đảo, từ hòn Chảo qua hòn Hàm Rồng, từ đỉnh núi chúa cao nhất đảo đến khu vực lũng vực sâu ở sông Rạch Tràm, sông Dương Đông.

Kỳ tới: Người dẫn đường ở đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.