Khám phá biển Tây - Kỳ 4: Dấn thân ra đảo cứu người

27/10/2008 11:16 GMT+7

Ông Mười ngồi thiền miên man hàng giờ trên phiến đá chóp núi, lơ phơ chòm râu tuổi 87 đã ngả màu mấy chục năm rồi.

Chùa không mõ chuông, không thí chủ, không thùng công đức, chỉ có người bệnh đến gõ cửa gọi ông: “Ông Mười có nhà không ông Mười ơi?”. Ông Mười Chuông Am - Nguyễn Văn Mười, ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) rời phiến đá bàn thiền.

Kỳ 1: Những người đi mở đảo
Kỳ 2: Người dẫn đường ở đảo
Kỳ 3: “Nữ chúa” hòn Mây Rút

50 năm thăng trầm cùng biển đảo

Phòng khám của chùa ông Mười Chuông Am thoáng đãng nằm dưới chân chóp núi Chùa lúc nào cũng ngào ngạt thảo dược. Ngón tay run run, đôi mắt líu nhíu, ông bắt mạch, hỏi bệnh và nói những câu đúc kết làm người bệnh tỉnh người, răm rắp nghe theo. 50 năm làm thầy bốc thuốc là 50 năm cuộc đời ông thăng trầm cùng biển đảo Phú Quốc, cứu người, góp sức cùng người dân xứ này đi lên.

Ông nói từ nhỏ ông đã hứa với cha sẽ đi tu và dấn thân học nghề thuốc trị bệnh cho mọi người, không màng danh lợi, phú quý, dục vọng. Cha đồng ý, ông dốc sức đến trường theo thầy giỏi học nghề thuốc trui rèn đến tinh thông. Ngày mãn khóa, thầy khoác vào vai ông túi vải chứa đầy sách quý và bảo: “Con hãy đến nơi khó khăn nhất lo tu thân hành đạo trị bệnh cứu người”.

Theo lời thầy, chín năm kháng Pháp, ông đến Sài Gòn tá túc cửa Phật và hoạt động cách mạng. Nhưng được một thời gian bị bọn chiêu hồi tố giác, ông xin ra đảo Phú Quốc dựng chùa tiếp tục hành đạo cứu người. Ông đã đến chùa Phước Thiện làm thầy thuốc. Lúc đó trên đảo hoang sơ chỉ có khoảng 700 dân rải rác chứ không phải 80.000 dân tập trung đô hội như bây giờ. Tại núi Chùa, ông đã “tương kế tựu kế” liên hệ với cơ sở để quận trưởng Phú Quốc cấp giấy cho phép trồng thuốc nam chữa trị bệnh cho dân và được tín nhiệm. Đó cũng là điều kiện tốt cho ông làm đầu mối cơ sở hoạt động cách mạng trong thời gian dài.

 
Ngày ngày hai buổi sớm chiều người ta thường thấy trên mỏm đá ông Mười ngồi xếp bằng thiền niệm hàng giờ - Ảnh: Q.Vinh

Ông kể năm 1967, lực lượng Hắc báo biệt kích càn quét dân lành truy tìm cơ sở cách mạng. Lúc đó chúng tràn vào ấp Cây Kè trên đảo đốt nhà, hãm hiếp, giết chóc. Ông Mười đã lập bằng chứng tội ác và nhờ bà con ký tên thưa lên phủ tổng thống lúc đó. Không ngờ lá đơn do ông Mười, lúc đó là trụ trì chùa Tịnh Độ cư sĩ, gửi đã có tác dụng. Ngay sau đó, lực lượng quân cảnh xuống ốp hết trung đội Hắc báo đưa lên trực thăng, lùa xuống tàu biển về đất liền. Nhưng sau vụ cứu dân đợt đó, ông Mười bị theo dõi làm khó.

Ông nói: “Tui làm phước mua lòng vậy mà cũng bị theo dõi khó coi”, nhưng mỗi lúc khó khăn, ông lại chiêm nghiệm lời hứa với cha “làm thầy cứu nhân khó mấy cũng vững lòng”. Sau Mậu Thân 1968, bị bố ráp, ông Mười phải trôi dạt xuống Nam Đảo để tiếp tục hành nghề thầy thuốc, nhưng theo ông “là để tránh tai mắt bọn chiêu hồi”. Rồi một lần do sơ suất khi quên tắt Đài Tiếng nói Việt Nam phát từ vùng giải phóng và ngủ thiếp đi, ông đã bị bọn thám báo phát giác gán tội. Ông Mười lại buộc theo ghe ngư dân ra tận đảo Thổ Châu gầy dựng lại từ đầu.

Vườn thuốc nam trên núi Thổ Châu lại xum xuê xanh màu tánh dược. Tại đảo, ông đã chữa trị và được trưởng thôn là một người giỏi tiếng Campuchia lúc đó tín nhiệm. Năm 1975, khi Phú Quốc, Rạch Giá giải phóng cũng là lúc ông cùng bà con khuyên binh lính trên đảo Thổ Châu buông súng, theo tàu vào đất liền để được khoan hồng, sum họp gia đình. Khi ông dự định trở về đất liền thì bất ngờ đảo Thổ Châu bị lực lượng vũ trang từ Campuchia chiếm đóng.

Chúng lùa hết dân lành xuống tàu để kéo về Hòn Ông, Hòn Bà bên đất Campuchia. Lúc đó ông trưởng thôn đã xin cho ông ở lại đảo để chữa trị bệnh, nhờ vậy ông có cơ hội trinh sát vẽ sơ đồ tác chiến giúp bộ đội tiếp cận đảo hiệu quả, đánh úp giải phóng đảo. Sau đợt đó, ông được Bộ Quốc phòng đưa trực thăng ra Hà Tiên báo cáo thành tích “tay không góp phần cùng quân dân giải phóng đảo Thổ Châu”.

Gieo nhân đức

Sau năm 1975, ông Mười lo xây dựng phòng thuốc nam và tập huấn đội ngũ thầy thuốc ở đảo Phú Quốc. Nhiều dịch bệnh hoành hành ở đảo đã bị dập tắt. Anh Văn Hùng, một cán bộ ngành thuế, có con bị sốt xuất huyết năm 1989 được cứu sống, cho biết nhờ có ông Mười mà hàng chục đứa trẻ ở đảo thoát chết. Năm đó sốt xuất huyết bùng phát, trẻ sốt cao nằm la liệt, bác sĩ trên đảo đã khuyên nên đưa các cháu đến thầy Mười hốt thuốc nam. Rất nhiều người bệnh nặng khác ở đảo cũng đã được ông mang lại cuộc sống.

Bây giờ, ở tuổi 87, ông Mười vẫn thường xuyên tổ chức anh em thiện nguyện đi khai thác thuốc núi cho các phòng thuốc nam Thiện Đức ở nhiều tỉnh thành. Ông Mười nói: “Chùa tui không đặt thùng công đức, tui làm thuốc có người cho bao gạo, chai nước tương là mãn nguyện. Làm nhân đạo không phải để khuếch trương hay quảng cáo. Tui không cần chùa cao Phật lớn, chỉ cần tấm thân thanh tịnh, vừa làm thuốc vừa chân tu là được rồi”.

Những người thường lui tới cùng ông Mười trồng tỉa thuốc nam và lo nhang đèn công quả là những người dân đã một thời đồng cam cộng khổ cùng ông. Bà Nguyễn Thị Ba - từng làm giao liên bị tra tấn - đúc kết: “Thời xưa nhờ ông Mười mà nhiều lần bọn ác ôn không hà hiếp dân, bây giờ cũng nhờ ông mà dân nghèo có nơi thuốc thang chữa trị”. Đến bây giờ ông Mười vẫn giữ lời hứa với người cha là sẽ tu hành và làm thầy thuốc mà không màng đến danh vọng hay quyền lợi gia đình, cá nhân. Ông muốn dành cả phần đời còn lại chăm chút cho phòng thuốc nam mà ông đã cất công gầy dựng, đúc kết kinh nghiệm từ hơn 50 năm qua mà ông muốn được lưu truyền và phát huy.

Một cuộc đời sống động, đến tuổi 87 vẫn leo núi tầm thuốc, khỏe mạnh như người bình thường. Anh Văn Hùng, một đệ tử của ông Mười, cho biết mới đây ông Mười đã tự đưa tay chân cho anh em đệ tử trói lại và thả xuống bãi biển Vũng Bầu (Phú Quốc). Ông Mười ngồi trong tư thế thiền nhưng vẫn nổi trên mặt nước khoảng 10 phút. Ông bảo làm vậy chỉ muốn chứng minh cho mọi người biết người tu hành đắc đạo khi xuống nước vẫn không chìm, hay như lửa đốt vẫn không cháy.

Ngày ngày hai buổi sớm chiều khi đi ngang qua chùa ông Mười Chuông Am ở khu phố 10, người ta vẫn thường thấy trên mỏm đá một ông già ngồi xếp bằng thiền niệm hàng giờ. Dáng ông ngồi như một đạo sĩ, dáng của một người cả đời dấn thân phục vụ y học mà ông thường nói là “gieo gì gặt nấy”. Ông nói: “Tui gieo nhân đức để rồi hôm nay đất nước độc lập, được tự do hành nghề, tu hành là điều mãn nguyện rồi”.

Theo Quang Vinh/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.