Làm giàu nhờ nuôi thú lạ: Nuôi rắn ri voi

22/05/2009 23:42 GMT+7

Trên diện tích 1.370m2, mỗi năm ông Lê Hùng Minh thu hoạch bình quân hơn nửa tỉ đồng nhờ nuôi rắn ri voi. Giá rắn ri voi thịt hiện là 380.000 đồng/kg, còn rắn nái đã phối giống thì lên đến 600.000 đồng/kg...

Năm 1992, Lê Hùng Minh (thường gọi là Năm Minh) xuất ngũ về quê khi mới 39 tuổi. Ông được chính quyền địa phương cấp cho 2 công đất ở ấp Khu 3, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để ổn định cuộc sống. Có đất, ông đào ao nuôi cá, rồi nuôi tôm, cua. Nuôi con gì cũng có lời, nhưng do ít đất, số tiền tích cóp chẳng được bao nhiêu. 4 năm sau, Năm Minh vét hết số tiền dành dụm, mượn thêm của cha mẹ hai bên, của anh em, bạn bè để đầu tư nuôi trăn. Ông mua cả thảy 62 con trăn nái, 7 con trăn đực, với giá bình quân khoảng 130.000 đ/kg. Chừng trăn sắp đẻ thì giá trăn bố mẹ tụt xuống chỉ còn 20.000 đ/kg, trăn con thì cho không chẳng ai thèm lấy!

Buồn tình, ông lân la đến các chủ vựa mua bán tôm cá và các loài động vật khác để nghiên cứu. Sau vài tháng, ông nghiệm ra rằng chẳng có con nào bằng rắn ri voi vì giá rắn trên thị trường chưa bao giờ xuống dưới 150.000 đ/kg trong khi số lượng đánh bắt trong tự nhiên ngày càng sụt giảm. Thế là ông chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền xây dựng chuồng trại nuôi rắn. Để rắn khỏi thoát ra ngoài và cũng nhằm tránh bị con nít trộm phá, ông mướn thợ đào bờ ao sâu xuống 1m rồi xây tường cao lên 3m. Bức tường bao kín toàn bộ 1.370m2, gồm cái ao lớn và một phần bờ lạng để rắn có thể lên đó tắm nắng. Xong, ông mua 1.200 kg rắn ri voi (loại từ 3 - 5 con/kg, giá 70.000 đ/kg) về thả nuôi.

Ông Lê Hùng Minh ở ấp Khu 3, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Điện thoại: 079. 3853884 - 0916340014.

Từ khi bắt đầu thả rắn, hầu như ngày nào ông cũng phải vớt từ 10 - 20 con rắn chết, tính ra hao hụt đến 80% tổng đàn. Tức mình, Năm Minh tiến hành “khám nghiệm tử thi” những con rắn chết và đi đến kết luận: rắn chết là do trước khi được nuôi đã bị xiệc điện, bị đánh đập, cạo răng, mắc lưỡi câu và thậm chí bị... nhét chì vào bụng cho nặng ký. Ông nói: “Vụ đó, tôi thu hoạch được 350 kg rắn định bán đi trả bớt nợ. Nhưng nghĩ tới cảnh phải chầu chực mua rắn giống trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên bấm bụng để lại gầy giống. Kẹt tiền, tôi chạy đi moi đầu này, lắp đầu kia. Nhờ vậy, năm sau (1998) tôi lời được 80 triệu đồng, lại còn dư hơn 500 kg rắn làm giống”. Cũng từ đó, Năm Minh bắt đầu đổi đời. Rắn đẻ tự nhiên ngày càng nhiều, ông phải chia bớt cho bà con làm giống.

Cũng theo lời Năm Minh, nuôi rắn hầu như chẳng tốn công sức gì. Mỗi ngày 2 lần ông dạo quanh ao xem rắn có gì khác lạ không. Nếu thấy biểu hiện lạ thì chắt nước ao rồi bơm nước sạch vào, toàn làm bằng máy móc cả. Việc cho rắn ăn cũng hết sức đơn giản: chỉ cần đổ cá còn sống xuống ao, rắn sẽ tự bắt cá ăn, không cần băm vằm gì cả. Năm Minh nói: “Rắn ri voi thuộc loại háu ăn. Nó ăn tất cả những loài cá không vẩy, lươn, ếch nhái... Nhưng rẻ nhất là cho ăn cá trê lai. Bình quân 6 kg cá trê (giá 12.000 đ/kg) cho 1 kg rắn thịt. Mà giá rắn thường dao động từ 250.000 -  300.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng không đủ bán vì thị trường Trung Quốc “ăn” rất mạnh. Hiện giá rắn ri voi tiêu thụ nội địa đã lên đến 380.000 đồng/kg; riêng rắn nái đã phối giống thì lên đến 600.000 đồng/kg”. Năm Minh tiết lộ, từ năm 2000 đến 2004, bình quân mỗi năm ông lời trên 300 triệu đồng. Trong 2 năm 2005-2006, mỗi năm ngoài 4 tấn rắn thịt, ông còn bán được trên 2 tấn rắn giống.

Đang nuôi rắn ngon trớn như vậy thì Nhà nước triển khai dự án xây dựng cầu Nhu Gia mới, thay cho cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trại rắn của Năm Minh nằm ngay chân cầu mới, phải di dời toàn bộ. Ông được ngành chức năng kêu bắt hết rắn để giao mặt bằng xây cầu, họ sẽ hỗ trợ riêng tiền rắn hơn 626 triệu đồng. Năm Minh bắt hết rắn lên bán, chỉ chừa lại 800 con rắn nái làm giống, rồi tức tốc chạy đi mua 1,7 ha đất ở ấp Sóc Bưng gần bên, đầu tư đào ao, đắp bờ để lập trang trại nuôi rắn ri voi quy mô lớn. Thế nhưng khi ông đến nhận tiền hỗ trợ để đầu tư hoàn chỉnh trang trại thì được cơ quan chức năng trả lời là số tiền hỗ trợ đó "sẽ phải tính lại”.

Hiện Năm Minh đang mong sớm được nhận tiền hỗ trợ, bồi hoàn để sớm hoàn chỉnh trang trại, chuyển hướng nuôi rắn ri voi quy mô lớn.

Trường Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.