Làm vệ sĩ dễ hơn... chơi!

03/02/2009 22:56 GMT+7

Vụ anh Nguyễn Phi Hùng bị vệ sĩ bảo vệ khu giải trí An Nguyên Gia (Buôn Hồ, Krong Buk, Đắk Lắk) đâm chết hôm 31.1.2009 như giọt nước làm tràn sự bức xúc của dư luận về vấn nạn vệ sĩ gây án. Tuy nhiên, đến thời điểm này người dân vẫn chưa thấy giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn trên.

Tuyển vệ sĩ “tá lả”

Theo những số liệu chúng tôi có được thì: hiện cả nước có khoảng 500 công ty vệ sĩ, trong đó riêng TP.HCM có 156 công ty với hơn 18.000 vệ sĩ đang hoạt động. Thật ra, 2 từ "vệ sĩ" do nhiều công ty tự nghĩ ra và tự gán cho mình, chứ về bản chất cũng như trong các văn bản pháp luật thì chỉ tồn tại 2 từ "bảo vệ".

Ông Quang Hữu Dũng, Giám đốc Công ty bảo vệ Trung Dũng cho rằng trong những năm gần đây, do nhu cầu của xã hội tăng nhanh, nghề bảo vệ bước đầu có dấu hiệu ăn nên làm ra nên nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ bảo vệ ồ ạt ra đời. Có nhiều người mới hôm trước còn làm nhân viên bảo vệ nhưng hôm sau đã làm giám đốc công ty, rồi họ ào ạt tuyển người vào làm "vệ sĩ". Những công ty ra đời sau vì muốn nhanh có tiếng, muốn vệ sĩ của mình có mặt ở khắp nơi nên chấp nhận ký hợp đồng giá thấp, ngóc ngách nào cũng nhận bảo vệ. Điều đó dẫn đến một hệ lụy là: doanh thu thấp, trả lương thấp, tuyển người dễ dãi, bộ máy quản lý không có...

 
Phạm Ngọc Dinh và Danh Thị Ngọc Diệu, hai vệ sĩ đã bắt cóc cháu T. để đòi 100.000 USD tiền chuộc - Ảnh: L.A.Đ

Chủ một công ty dịch vụ bảo vệ khác cũng cho rằng khi có nhiều DN cùng ngành nghề ra đời mới phát sinh chuyện "cỡ nào cũng tuyển". Ban đầu nhiều DN đặt ra yêu cầu tuyển dụng là cần người có trình độ lớp 12, nhưng sau đó phải hạ xuống còn lớp 9, thậm chí thấp hơn nhưng cũng không tuyển được. Có DN lúc đầu đưa ra quy định ai muốn vào làm vệ sĩ phải có người thân đứng ra bảo lãnh, nhưng sau phải bỏ vì như vậy chẳng tuyển được ai.

Ông Phạm Sinh, giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ cho biết bình quân mỗi công ty bảo vệ có từ 300-500 nhân viên. Con số này không đơn giản chút nào. Nếu không siết chặt đầu vào và lãnh đạo công ty không có trình độ nghiệp vụ, không có cách quản lý thì "hậu quả" là "nhãn tiền". Bản thân ông nguyên là phó phòng cảnh sát hình sự, công ty của ông lâu nay chỉ tuyển toàn bộ đội xuất ngũ (người ngoài thì phải có bảo lãnh), trụ sở tại nhà và quản lý theo cách của lực lượng vũ trang nhưng ông cũng chưa dám chủ quan lơ là. Trong khi đó có không ít DN đi thuê giám đốc, trụ sở nay chỗ này mai chỗ khác, nhân viên tuyển vào thì "tá lả".

Trung tá Đoàn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội đặc doanh Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) Công an TP.HCM cho biết, trong quá trình kiểm tra, PC13 phát hiện những vi phạm phổ biến trong các DN bảo vệ như không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, tuyển người không hợp đồng lao động, sử dụng và mua bán công cụ hỗ trợ trái quy định... Cá biệt, có công ty đã bị rút giấy phép vẫn ký hợp đồng bảo vệ cho nhiều DN khác, có người đang bị truy nã vẫn được làm tổ trưởng bảo vệ.

Bao giờ chấn chỉnh?

Thượng tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng PC13 Công an TP.HCM xác nhận ngoài một số DN "lôm côm" thì vẫn có nhiều đơn vị làm ăn đàng hoàng, thật sự là "cánh tay nối dài của công an".

Đơn cử như Công ty cổ phần bảo vệ Quang Trung, trong đợt bảo vệ đường hoa Tết Nguyên đán vừa qua nhân viên bảo vệ đã bắt quả tang 4 đối tượng cướp giật, móc túi, phát hiện và tìm kiếm 80 trẻ em bị lạc, sơ cứu 2 trường hợp bị ngất, nhặt và trả lại 11 chiếc ví cùng 2 điện thoại di động...

Từ tháng 4.2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ thay thế Nghị định số 14 năm 2001. Đây là một nghị định rất hay, đủ cơ sở để chấn chỉnh một cách căn bản hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ hiện nay. Theo đó, những DN không đủ tiêu chuẩn sẽ tự động bị đào thải, những nhân viên bảo vệ không đạt yêu cầu sẽ phải tìm việc khác, dịch vụ bảo vệ chắc chắn chuyên nghiệp và chất lượng hơn. Thế nhưng, theo nhiều DN bảo vệ, đến thời điểm này Nghị định 52 vẫn chưa đi vào cuộc sống vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Nếu theo Nghị định 52, một DN muốn thành lập, đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có vốn pháp định là 2 tỉ đồng và phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định nêu trên trong suốt quá trình hoạt động. Nếu vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác. Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện phải ổn định ít nhất từ một năm trở lên...

 Nghị định 52 cũng quy định người đứng đầu DN, chi nhánh, văn phòng đại diện và những người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc và các sáng lập viên tham gia thành lập DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, luật. Còn nhân viên dịch vụ bảo vệ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe (giấy khám sức khỏe của trung tâm y tế, bệnh viện từ cấp huyện trở lên), có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng (có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú), có trình độ học vấn từ phổ thông trung học hoặc bổ túc trung học trở lên, đồng thời phải có chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ do cơ quan công an có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Công an.

Theo trung tá Đoàn Ngọc Minh, quy định mới cũng sẽ thống nhất trang phục của nhân viên bảo vệ cùng màu, cùng kiểu, chỉ có logo của từng công ty là khác nhau. Bên cạnh việc trông chờ Nghị định 52 sớm được hướng dẫn, theo những người trong cuộc cần có hiệp hội các DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Đó sẽ là nơi cập nhật, lưu trữ, cung cấp thông tin về các nhân viên bảo vệ từng bị kỷ luật, sa thải; điều phối giá cả...

Những vụ án mang tên "vệ sĩ"

Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng qua những gì báo chí đăng tải, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, số vụ án do vệ sĩ gây ra lên đến gần cả trăm vụ, trong đó có không ít vụ gây chấn động dư luận cả nước. Sau đây là một số vụ điển hình mang tên "vệ sĩ":

- Tháng 10.2005, hai vệ sĩ của Công ty Y. là Phạm Ngọc Dinh và Danh Thị Ngọc Diệu đã thực hiện phi vụ bắt cóc cháu N.H.Q.T đang học tiểu học tại Q.Tân Bình để đòi 100.000 USD tiền chuộc.

- Tháng 8.2008, 4 vệ sĩ của Công ty Y. là Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Duy Thanh, Hoàng Văn Dũng, Đặng Ngọc Hà được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự tại một siêu thị ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), do nghi ngờ anh N.N.M trộm cắp tài sản đã yêu cầu nạn nhân cởi quần áo, rồi thay nhau đấm đá, tra hỏi. Do bị làm nhục, anh N.N.M đã vớ một cây kéo gần đó tự đâm vào ngực mình và chết trên đường đi cấp cứu.

- Đêm 12.10.2008, Trần Lê Minh Hùng là vệ sĩ của Công ty L., trong ca bảo vệ của mình tại vũ trường L. (Nha Trang), đã can thiệp một vụ cãi vã bằng cách đánh anh N.V.P chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

- Năm 2007 - 2008, nhóm 8 vệ sĩ của Công ty T. khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại một DN điện lạnh ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) đã thực hiện 15 vụ trộm tài sản có tổng giá trị gần 2 tỉ đồng.

- Tối 27.5.2008, đang trên đường đến công ty ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên (Bình Dương) để nhận ca trực, vệ sĩ Nguyễn Vũ Lâm rút dao bấm kề vào hông người lái xe ôm để khống chế cướp xe.

- Năm 2007, Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ và vệ sĩ T. bắt đầu làm quen với cá độ bóng đá rồi "nướng" hết 4 tỉ đồng. Sau khi lấy tiền của công ty để trả nợ, Trung tiếp tục cá độ và thua tiếp 3 tỉ đồng. Để có tiền tiếp tục chơi, Trung thực hiện kế hoạch làm giả giấy tờ bốn căn nhà rồi mang đi thế chấp vay tiền, thuê xe mang đi cầm.

 Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.