Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 3: Lẩn khuất những hạt sạn

18/08/2009 23:45 GMT+7

Trong làn sóng người Hàn Quốc (HQ) đến VN mưu sinh, ngoài số đông làm ăn chân chính còn có một số cá nhân thuộc thế giới “ngầm” lẩn khuất những tệ nạn như nhiều cộng đồng khác...

Theo lệnh truy nã của Interpol...

Vào tối 2.7, tại một tiệm internet ở P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14B - Bộ Công an) bắt giữ Pyeon O Man (SN 1959, quốc tịch HQ) theo lệnh truy nã của Interpol HQ do có hành vi dùng dao đe dọa chủ tiệm vàng tại thủ đô Seoul (HQ), cướp số nữ trang với tổng trị giá 300.000 USD. Sau khi gây án, Pyeon nhập cảnh vào VN ngày 6.5 và thuê chỗ trọ tại một khu dân cư thuộc ấp 4B, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (TP.HCM). Quá trình điều tra vụ cướp tiệm vàng, Interpol HQ phát lệnh truy nã quốc tế đối tượng này. Nhận thấy khả năng Pyoen đến VN nên Tổng lãnh sự quán HQ tại TP.HCM có công hàm đề nghị Công an VN phối hợp bắt giữ. Sau khi bắt, Bộ Công an đã giao Pyeon O Man cho phía HQ.

Trước đó, vào tháng 3.2008, công an cũng bắt giữ Lee Peum (54 tuổi) theo lệnh truy nã quốc tế tại một khách sạn ở TP.HCM do có liên quan đến một băng nhóm tội phạm. Qua điều tra, do mâu thuẫn trong việc chuyển nhượng quyền kinh doanh sòng bạc tại khách sạn lớn ở Hà Nội và Vũng Tàu, một nhóm thương gia người HQ đã thuê Lee đến VN để “xử” đối tác. Trong lúc chưa kịp ra tay, Lee Peum bị công an bắt giữ và giao cho phía cảnh sát HQ xử lý. Vào năm 2007, Park Jong Jun (45 tuổi, ngụ HQ) cũng bị phạt 1 năm tù do qua Campuchia mua một khẩu súng ngắn với giá 300 USD đem về VN sử dụng.

Tình hình người HQ gây án tại VN cũng đã xảy ra. Vào năm 2008 TAND TP.HCM xử phạt Song Yong Il (SN 1972, quốc tịch HQ) về tội giết người. Tức giận vì bị Eo Soo Jin đánh gãy sống mũi vào khuya 17.1.2007, Song Yong Il về nhà lấy ba con dao nhọn nhét vào người quay lại trả thù. Khi bị Eo Soo Jin và Eo Seok Cheon (SN 1955, cha của Eo Soo Jin, tạm trú quận 7) dùng gậy chơi golf đánh vào đầu, Song Young Il cầm dao đâm vào bụng Eo Soo Jin làm nạn nhân chết.

Ông Joen S.S, một tay “anh chị” ở HQ nay đã “gác kiếm” đến VN mở quán ăn trên đường Hậu Giang (P.12, Q.Tân Bình), nhìn nhận: “Nói về nạn “xã hội đen” HQ đến VN hoạt động thì đã xảy ra một vài trường hợp, nhưng công an đã kịp thời ngăn chặn, giao trả cho phía HQ xử lý. Sau vụ việc này, tình hình được cải thiện rất nhiều. Trong kinh doanh thì đôi lúc cũng xảy ra mâu thuẫn, do chưa am hiểu hết luật pháp nên người ta mới xử sự như thế”.

“Chú rể” HQ trong một buổi xem mắt cô dâu Việt trái phép - Ảnh: Đ.H

Mua vợ, mua “tình”...

Có thể nói hiện tượng xã hội khiến dư luận bức xúc nhất thời gian qua là “môi giới hôn nhân trái phép”. Qua giới thiệu, chúng tôi tiếp cận được Th., “chân rết” cho một công ty môi giới hôn nhân của HQ tại nhà riêng trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận), để nhờ tìm vợ cho ông “sếp” người HQ. Th. bảo gần đây công an phá nhiều đường dây “xem mắt” cô dâu VN nên tạm thời tắt hết điện thoại, “ẩn dật một thời gian cho qua giai đoạn khó khăn”, nên dặn chúng tôi phải chờ. Qua nhiều lần thăm dò “đối tác”, cũng như kiểm tra “sếp” HQ (nơi làm việc, tên tuổi, quê quán, có bị khuyết tật gì không...), Th. đồng ý gửi qua e-mail hình của 10 cô gái để “xem mắt” trước, nếu thấy được thì tiến hành gặp mặt, với điều kiện: “Chỉ gặp từng em một, không tập trung đông người để tránh sự dòm ngó của công an”. Th. nói: “Em cũng là con lai HQ, biết được đôi chút ngôn ngữ nên đứng ra giúp đỡ các cô gái kiếm được tấm chồng. Nói thiệt em làm nghề này cũng đã gần 10 năm nay, giúp cho gần cả 100 cô lấy được chồng HQ rồi đó. Tụi nó vẫn thường xuyên gọi điện về cám ơn em. Ở bên đó, khi có người muốn lấy vợ VN thì họ gửi tên tuổi, thời gian bay qua VN... để bên này em chuẩn bị. Khi qua VN, tụi em huy động các cô gái đến khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... cho họ xem mắt. Nếu đồng ý, thì phía tụi em đứng ra lo thủ tục kết hôn, dạy tiếng Hàn, lo xin visa. Trước đây rất “thoáng”, anh muốn “xem mắt” 50, 100 kể cả 300 cô gái em cũng đủ. Nhưng gần đây, công an bắt bớ dữ quá nên các “đường dây” không dám giữ các em ở lại thành phố mà cho về quê. Khi nào cần thì điện thoại lên, gặp mặt”...

Giống như môi giới hôn nhân trái phép, tệ nạn mại dâm cũng trở nên kín kẽ hơn sau khi vụ việc xảy ra tại nhà hàng vũ trường Sài Gòn Super Bowl. Vào lúc 23 giờ 50 ngày 24.11.2007, Công an TP.HCM đồng loạt kiểm tra 2 khách sạn N.P (đường Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) và P.L (đường Phan Đình Giót, P.12, Q.Bình Thạnh) phát hiện 9 cặp nam nữ đang “mây mưa”, khách mua dâm đều là người HQ. Qua lời khai, công an bắt giữ Kim Seok Joo quản lý vũ trường nhà hàng karaoke Sài Gòn Super Bowl cùng với Huỳnh Thị Huyền và Nguyễn Thị Bảo Trân (quản lý tiếp viên) về tội môi giới mại dâm. Theo điều tra, sau khi hát karaoke xong, nếu có “nhu cầu” thì Nguyệt và Trân sẽ thỏa thuận với khách thông qua Joo phiên dịch đưa “em út” đến khách sạn để bán dâm (giá từ 60 đến 90 USD/lượt). Tháng 4.2009, TAND TP.HCM tuyên phạt Kim Seok Joo mức án 2 năm tù, Huỳnh Thị Nguyệt mức án 4 năm tù và Nguyễn Thị Bảo Trân mức án 3 năm tù...

(Còn tiếp)

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.