Người nước ngoài bất hợp pháp ở VN - Bài 3: Chuyên gia làm “chui”

18/12/2009 01:37 GMT+7

Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng ngàn lao động nước ngoài (LĐNN) không có giấy phép lao động tại một số xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện. Nghe đọc bài

Hệ quả dễ thấy nhất là vì không quản lý được người nước ngoài làm... chui nên ngân sách nhà nước thất thu hàng chục tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Gần 3.000 người nước ngoài làm “chui” 

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, qua kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại 3.733 doanh nghiệp (DN), tổ chức, văn phòng đại diện, chi nhánh công ty nước ngoài tại TP.HCM, toàn TP có tổng cộng 16.811 LĐNN đang làm việc, chưa kể số “lao động cơ bắp” phần lớn đến từ các nước châu Phi (không thuộc diện quản lý của Sở LĐ-TB-XH). Đến nay, có 12.412 người nước ngoài được Sở cấp phép lao động theo quy định. Qua kiểm tra, Sở đã phát hiện gần 3.000 người nước ngoài đang làm việc “chui”.

Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện chưa có khung lương tối thiểu đối với LĐNN theo chức danh và quốc tịch, do đó tạo cơ sở cho các văn phòng đại diện trốn thuế TNCN bằng cách kê khai thu nhập dưới mức chịu thuế gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước; đồng thời gây ra sự bất bình đẳng giữa văn phòng đại diện các khối nước khác nhau, như khối Nhật Bản, châu u hầu hết thực hiện kê khai thu nhập khá đầy đủ, trung thực, đóng thuế TNCN ở mức cao, trong khi một số khối khác thường kê khai dưới mức chịu thuế hoặc không có thu nhập tại VN.

Sáng 11.12, chúng tôi liên hệ với Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nơi có tiếng với nhiều cuộc tranh chấp lao động liên quan đến tiền lương, thưởng, chế độ đãi ngộ, tăng ca, tăng giờ làm, điều kiện làm việc... để tìm hiểu về tình hình LĐNN. Sau rất nhiều thủ tục rườm rà, chờ đợi rất lâu, bộ phận văn phòng cử một nhân viên tên Thảo tiếp chúng tôi tại phòng bảo vệ và cho biết “lãnh đạo công ty đi họp hết”. Cứ mỗi lần chúng tôi đặt câu hỏi, Thảo lại bước ra móc điện thoại di động trao đổi với ai đó, rồi mới bước vào trả lời. Từ những “chỉ đạo từ xa” này, Thảo cho biết Công ty Huê Phong có 58 LĐNN. Phần lớn họ trực tiếp điều hành sản xuất tại các phân xưởng và “tất cả đều có giấy phép lao động”.  Trong khi đó, một cán bộ Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ở công ty này có 6 trường hợp LĐNN không có giấy phép lao động.

Quản lý chưa chặt chẽ?

Theo ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, từ đầu năm 2009 đến nay, Thanh tra Sở đã phối hợp với Công an TP tiến hành 800 cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các DN. Ông Dũng cho biết, do lực lượng thanh tra viên thiếu hụt trầm trọng nên Sở chỉ chọn các doanh nghiệp hoạt động ổn định, làm ăn đàng hoàng để thanh kiểm tra đợt này”. Ông Dũng cho biết, tới đây Sở sẽ mở rộng đối tượng kiểm tra đối với các đơn vị nhà thầu, các cơ sở giáo dục, y tế và DN sử dụng lao động dạng phi kết cấu (giúp việc gia đình, đá bóng...).

Anh Nguyễn Văn T. - thanh tra viên thường xuyên có mặt trong các cuộc kiểm tra lao động người nước ngoài cho biết, vừa qua đoàn “cũng chỉ kiểm tra chủ yếu qua báo cáo của DN”. Dù vậy, cũng phát hiện 264 DN vi phạm, trong đó có 28 DN sử dụng chuyên gia lao động... chui! Điển hình sử dụng LĐNN không khai báo là các DN: Công ty TNHH Đông A Sài Gòn, Công ty TNHH Mannequins Đông Á, Công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam, Công ty Shinih, Công ty Sambu Vina, Công ty Neocaseins, Công ty TNHH Molax Vina, Công ty TNHH Tân Á, Công ty Chung Va...

Theo anh T., các DN luôn che giấu việc có sử dụng LĐNN, chỉ khi đoàn yêu cầu kiểm tra mới... lòi ra. Để đối phó, các DN thường đưa ra lý do “đang làm thủ tục” hoặc đổ lỗi thủ tục cấp phép của VN còn “nhiêu khê”. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phản ứng khá gay gắt: “Tại Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tôi cam đoan, nếu người nước ngoài có đủ các giấy tờ theo yêu cầu thì chỉ trong vòng tối đa 7 ngày họ sẽ có giấy phép lao động”. Vậy sự thật ở đâu?

Kiểm tra một phòng khám có người nước ngoài hành nghề “chui” - Ảnh: T.Tùng

Theo Sở LĐ-TB-XH, nguyên nhân là do DN chủ yếu đưa LĐNN không đủ điều kiện vào làm việc ở VN, nên khi DN đề nghị thủ tục cấp giấy phép thì không được chấp thuận nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng số lao động không phép này. Mặt khác, những DN giày da, may mặc do không cần LĐNN có trình độ chuyên môn nên đã đưa lao động không đủ điều kiện cấp phép nhưng là người quen của các ông chủ người nước ngoài sang làm việc. Cũng theo thanh tra viên T., không loại trừ một số DN còn sử dụng lao động “cơ bắp” là người châu Phi để bớt chi phí về tiền lương. Và với cơ chế kiểm tra như hiện nay, hành vi này cũng không thể phát hiện được.

Ở một góc độ khác, tiền lương của các chuyên gia có trình độ rất cao. Có người thu nhập hàng 100 triệu đồng/tháng. Rất đông trong số đó có chuyên môn cao, đủ hồ sơ để được cấp phép, nhưng vẫn chấp nhận làm “chui”. Lý do là để né đóng thuế TNCN.

Tại một cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM mới đây, đại diện Sở Công thương TP.HCM xác nhận: Việc quản lý người LĐNN tại các văn phòng đại diện còn chưa chặt chẽ. Chị Nguyễn Thị Ngọc - Phó phòng Thị trường và Thương nhân nước ngoài - Sở Công thương tỏ ra bức xúc: “Một thương nhân, chuyên gia kinh tế đến từ các nước phát triển như châu u, Hàn Quốc, vậy mà bảng lương ở VN chỉ... 400-500 USD/tháng thì có tin được không?”. “Thực tế qua kiểm tra, Sở Công thương đã phát hiện rất nhiều văn phòng đại diện không thực hiện kê khai thuế TNCN, không làm giấy phép lao động cho người nước ngoài, thậm chí không kê khai đăng ký nhân sự làm việc tại văn phòng đại diện với cơ quan có thẩm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc họ trốn thuế TNCN...”, vị đại diện Sở Công thương TP.HCM xác nhận như vậy. 

Bác sĩ đông y... “chui”

Tham gia vào lực lượng LĐNN làm chui có lực lượng “bác sĩ” Trung Quốc khám bệnh “chui” ở các phòng khám đông y trên địa bàn TP.HCM. Số cơ sở chẩn trị y học cổ truyền có người Trung Quốc được cấp phép tham gia khám chữa bệnh đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, hiện tại có rất nhiều phòng khám do người trong nước đứng tên có “bác sĩ” Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh. Nhiều nơi không quảng bá rầm rộ có “bác sĩ” Trung Quốc, nhưng mỗi khi bệnh nhân đến, nhân viên rỉ tai, giới thiệu khám “bác sĩ” Trung Quốc, nhằm thu tiền giá cao. Có nơi, lương y trong nước đứng tên, nhưng mọi hoạt động khám chữa bệnh, bán thuốc, tuyển nhân viên đều do người Trung Quốc điều hành, mà cơ quan chức năng không hề hay biết.

Mới đây, qua kiểm tra hai phòng khám đông y (tại Q.Tân Bình và Q.6), Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện, lập biên bản tại hai nơi này có người Trung Quốc hành nghề không xin phép. Còn hai phòng khám đông y ở Q.5 (một trên đường Nguyễn Trãi và một trên đường Trần Hưng Đạo), thì “bác sĩ” Trung Quốc bỏ trốn khi đoàn kiểm tra vừa đến. Trước đó, kiểm tra một phòng khám nằm trên đường Hậu Giang (Q.6), Thanh tra Sở Y tế cũng đã phát hiện có một “bác sĩ dỏm” người Trung Quốc, và ông này đã lẻn cửa sau trốn mất khi đoàn đang loay hoay kiểm tra phòng khám!

Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ có khoảng 6 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền đăng ký có người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh, và được cơ quan quản lý cấp phép. Số còn lại, họ hành nghề không phép, và thường những người này sang VN theo dạng du lịch rồi hành nghề, số này thì không thể nắm được. Hiện Sở Y tế TP.HCM đang rà soát lại tất cả các phòng khám đông y có người nước ngoài hành nghề.

Nhóm PVXH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.