Nỗi đau mẹ núi

23/04/2011 16:29 GMT+7

1. Thanh Hóa là vùng đất phát tích của nhiều vương triều nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Thanh Hóa còn là cái nôi của người Việt cổ với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, xứ Thanh còn là nơi tồn tại nhiều di chỉ khảo cổ cũng như di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nói không ngoa, ở Thanh Hóa, đi đến đâu cũng gặp di tích. Địa phương này có đến 1.535 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 137 di tích cấp quốc gia. Có 2 di tích là thành nhà Hồ và hang Con Moong đang đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và Khu di tích Lam Kinh được xếp vào loại đặc biệt của quốc gia… Nói như vậy để bạn đọc có thể hình dung ra, miền di tích ấy vẫn còn ẩn chứa những “bí mật” mà đôi khi chỉ vì tình cờ người ta phát hiện ra.

Nghe kể rằng có một người “phát hiện” ra dãy núi hình dáng giống người mẹ rất linh thiêng ngay gần 2 di tích cấp quốc gia là chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tôi thu xếp một chuyến về lại vùng đất này. Không phải đi cho vui, vì tôi đã không biết bao nhiêu lần tìm về Vĩnh Lộc. Bởi, cái rẻo đất bán sơn địa ấy là nơi phát tích và khởi nghiệp của 11 đời chúa Trịnh kéo dài gần 250 năm. Và cũng chính vùng đất ấy còn là nơi kết thúc vương triều Trần, từ Thái Tông Trần Cảnh (1225) đến vị vua 3 tuổi Trần Thiếu Đế (1400) kéo dài 175 năm.

 
Di tích đang bị xâm hại bởi nạn khai thác đá - Ảnh: C.N

2. Đi trên quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Thanh Hóa, khi cách cầu Đò Lèn chừng 1,5 km rẽ phải, theo quốc lộ 17 chừng 12 km (đường lên khu di tích phủ Trịnh) ta bắt gặp một thắng cảnh kỳ bí: Tiên sơn linh mẫu, hay còn gọi là Linh sơn mẫu có hình dáng giống hệt một bà mẹ mang thai. Đây là dãy núi đá vôi dài khoảng 300m, cao hơn 500m, tọa lạc trên địa bàn 3 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An và Vĩnh Minh. Vùng núi này có đến 29 ngọn cao thấp khác nhau, rất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Biện Sơn, nơi phát tích của dòng họ Trịnh.

Mặc dù là khu vực núi non trùng điệp đã có tên trong lịch sử từ lâu, nhưng Linh mẫu sơn gần đây mới thu hút sự chú ý của mọi người do sự “phát hiện” của một cư dân ở xã Vĩnh Thịnh là ông Phạm Văn Viêm, người làng Sanh. Bởi, ông là người đầu tiên được cho là “nhìn thấy” và mô tả một cách chân thực, sinh động hình tượng “mẹ núi”. Đồng thời, ngay tại ngôi nhà của ông cũng xảy ra nhiều chuyện nhuốm màu huyền thoại. Tôi tìm đến nhà ông Viêm vào buổi sáng đẹp trời và ngỏ ý muốn ông dẫn tôi lên tầng 2 ngôi nhà của ông để tận mắt nhìn ngắm “mẹ núi”. Quả thật, sao dãy núi giống người đàn bà đang nằm đến thế. Từ chiếc mũ tua rua điệu đà trên đầu đến vầng trán cao, đôi mắt tròn to sắc nét, chiếc mũi cao thẳng, đôi môi chúm chím hình quả tim đến chiếc cổ thon dài. Đặc biệt là đôi gò bồng đảo căng tròn với chiếc bụng bầu cân đối với cái rốn lồi đặc trưng…

Đã có nhiều câu chuyện mang màu sắc kỳ bí được cư dân trong vùng truyền khẩu, khiến cho Tiên sơn linh mẫu càng nhuốm màu huyền thoại. Ví như, chỉ cần quan sát mây mù trên đỉnh núi có thể đoán định được mưa nắng trong ngày. Rồi mỗi khi mẹ núi không được bình yên thì dứt khoát cư dân sống trong vùng gặp tai bay vạ gió…

Ông Viêm cho rằng đã có nhiều điều ly kỳ xảy ra trong gia đình mình, kể từ khi ông và vợ tình cờ nhìn thấy “mẹ núi” trong một đêm trăng sáng trên tầng 2 của nhà mình. Ông Viêm kể, hôm phát hiện ra dáng vẻ của dãy núi, ban đầu vợ chồng ông định giữ kín không nói ra việc này. Nhưng ngay sau đó những đàn kiến đen không rõ từ đâu kéo đến, leo bám trên trần tầng 2 của ngôi nhà, đồng loạt thả mình xuống sàn nhà… tự tử! Chúng giãy giụa hàng tiếng đồng hồ rồi mới chết hẳn. “Vợ tôi phải quét nhà gom xác kiến đầy cả một xẻng. Sự việc này kéo dài hơn một tháng, cho đến khi vợ tôi sợ quá phải thắp hương xin mới hết… Rồi chuyện xảy ra với cái chống sét bằng sứ, bên trong có lõi thép, được gắn vữa xi măng rất cẩn thận và chắc chắn nơi nóc nhà, ngay phía trên bàn thờ gia tiên. Một hôm trời không có mưa gió, sấm sét, thế mà tự nhiên nó rơi xuống đất vỡ tan. Nhưng sợ nhất là một lần tôi sửa điện, do sơ ý tôi để chiếc bóng điện 500W đang sáng, va vào song cửa sổ, nổ tung ngay sát mặt, mảnh thủy tinh vung vãi khắp nhà, thế mà tôi không mảy may bị xây xát gì. Sau đó vợ chồng tôi lập ngay bàn thờ để ghi nhớ và báo ơn mẹ núi…”,  ông Viêm kể lại những câu chuyện hư hư thực thực.


Cận cảnh “khuôn mặt” và “bầu ngực” của mẹ núi - Ảnh: C.N 

3. Cả ngày, tôi vác máy ảnh theo ông Viêm lượn lờ khắp vùng Tiên sơn linh mẫu (gần nhà ông Viêm, chùa Hoa Long và đền thờ Trần Khát Chân), quần áo nhuộm một màu trắng đục bởi bột đá, do hàng trăm tổ hợp, xí nghiệp, công ty khai thác đá xẻ “rắc” lên người. Một đại công trường đang “ăn thịt” núi suốt ngày đêm hoạt động với đủ các loại xe chuyên chở đá làm cho cả một vùng quê vốn yên bình trở nên sôi động và mù mịt bụi. Chưa có thống kê chính xác, nhưng mỗi ngày ở Linh sơn mẫu cũng như vùng phụ cận mất đi hàng ngàn m3 đá. Theo đó, các vụ tai nạn cũng từ đó tăng lên cướp đi nhiều sinh mạng và hàng trăm người khác mang thương tích. Đến độ gần như cả làng Bền (xã Vĩnh Minh) người dân không dám làm nghề khai thác đá ở Linh sơn mẫu.

Điều nguy hại nhất chính là cảnh quan môi trường vùng di tích bị tàn phá. Cái thế đất nơi phát tích dòng họ Trịnh sẽ ngày một bị bào mòn, nham nhở, ô nhiễm môi trường ngày một tăng lên. Nói như Giáo sư Trần Lâm Biền trong một lần đến thăm: “Chúng ta nhìn thấy Tiên sơn linh mẫu mang gương mặt một bà mẹ với bầu sữa vũ trụ thiêng liêng, nuôi dưỡng tất cả muôn loài vạn vật. Nó tượng trưng cho ước vọng cầu hạnh phúc và chúng tôi ngờ rằng đây chính là hình tượng “bà mẹ đất”, “mẹ núi” được nói đến trong các điển tích xưa… Vì thế việc đánh mìn phá đá là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, nếu phá dãy núi này thì thế phong thủy của cả cụm di tích cũng bị mất đi”.

Còn chúng tôi, trước cảnh mìn nổ ầm ầm, bụi tung mù mịt, chợt nhớ đến lời đồng dao sởn gai ốc, không biết từ đời nào truyền lại nhằm cảnh báo về một thảm họa môi trường ở đây:

“Núi mất nhà cũng chẳng còn
Công đường, bệnh viện, chùa chiền tan hoang
Người đi hành khất đầy đàng (đường)
Quê hương đâu nữa mà sang với giàu…”.

Cao Ngọ
Phủ Trịnh tháng 4.2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.