Ông già nhân hậu

23/10/2010 19:32 GMT+7

Không chức quyền nhưng ông được rất nhiều người yêu thương và quý trọng. Chẳng bao giờ thấy ai ghét bỏ ông điều gì. Sự bao dung tràn ngập nơi ông như một bảo chứng của niềm tin...

Tuổi thơ cơ hàn

Ông là bác sĩ, trung tá về hưu Trang Xuân Chi, nay đã 75 tuổi. 13 năm qua, ông làm tình nguyện viên đặc biệt của Hội Chữ thập đỏ Bình Định. Đặc biệt là vì ông đã miệt mài làm chừng ấy thời gian nhưng không thuộc biên chế của hội, không nằm trong danh sách nhận lương, hằng tháng chỉ được phụ cấp vài trăm ngàn đồng gọi là tiền xăng xe để đi lại. Không vì thế mà ông than phiền, lơ là những phần việc mình đảm trách, dù chỉ một ngày.

Năm 1992, ông về hưu sau nhiều năm làm chủ nhiệm khoa Nội - Viện Quân y 13 (thuộc Quân khu 5, trụ sở đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Khi ấy, nhiều cơ sở y tế, phòng khám tư nhân nhiệt thành mời tiếp tục hợp đồng làm việc với mức lương hậu hĩnh nhưng ông đều một mực từ chối. Biết điều kiện kinh tế gia đình ông chẳng khấm khá gì, có người kiên trì thuyết phục mãi vẫn không lay chuyển được ý định của ông. Ông bảo đời ông đã trực tiếp gắn bó với nghiệp bác sĩ chính quy hàng chục năm rồi, bây giờ phải ưu tiên làm một công việc khác - công việc từ thiện nhân đạo.

Không lâu sau, Hội Chữ thập đỏ Bình Định tin tưởng mời ông ra phụ trách Phòng khám nhân đạo của hội và giúp mảng nạn nhân da cam/diôxin. Ông vui vẻ nhận lời ngay, không kèm bất kỳ điều kiện nào. Tuổi đã già nhưng sức làm việc của ông thật đáng nể. Cùng với cán bộ hội, ông đã đặt chân đến hơn 150 xã, phường khắp tỉnh Bình Định để tặng quà, trao tiền, tìm hiểu giúp đỡ những gia cảnh ngặt nghèo, trẻ em mồ côi… Địa chỉ nhân đạo của ông nhiều thêm qua mỗi chuyến đi, có lẽ rất khó kể ra hết.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động Quỹ bảo trợ nạn nhân da cam tổ chức tại Hà Nội năm 2009, ông là tình nguyện viên duy nhất ở miền Trung được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mời báo cáo điển hình. Năm 2010, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, và được tỉnh Bình Định cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII sắp diễn ra tại Hà Nội.

Ông lớn lên với thân phận mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ký ức tuổi thơ lắm nỗi cơ hàn, rày đây mai đó đã hun đúc trong ông một tấm lòng nhân hậu hiếm có với tâm nguyện luôn phải cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ, cưu mang những cảnh đời vượt qua bất hạnh, dẫu bây giờ tuổi ông đã già, tóc đã bạc trắng. Khi lên 10 tuổi, bố mẹ ông đều đã qua đời. Năm 1947, ông theo bà nội từ quê Hội An tản cư vào Bình Định. Đói ăn, đói thuốc khiến những người thân thuộc của ông cũng dần qua đời hết. Kiếm sống qua ngày, thuở nhỏ ông đi chăn bò thuê rồi gia nhập bộ đội khi mới 14 tuổi, sau học y tá, tập kết ra Bắc… Ông bảo trời thương đời ông. Cực khổ thời ấy giờ nhớ lại vẫn cứ rùng mình, sống đến giờ đã là một sự may mắn, một niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao. Những năm đói kém, có một bữa cơm no mừng hơn “lượm” được vàng, ngay cả sắn khoai cũng lúc có lúc không.

Kết nối và sẻ chia yêu thương

Tôi có thời gian dài ở trọ gần nhà ông. Công việc giúp tôi thường xuyên phải liên lạc, gặp ông trao đổi, nhờ đỡ nhiều chuyện liên quan đến từ thiện, cứu người. Bao lần tôi dạm hỏi: “Bác có nhớ hết những trường hợp đã giúp trong hơn 10 năm qua?”. ông cười, bảo: “Nếu cháu hỏi còn bao nhiêu trường hợp ngặt nghèo chưa được giúp, bác sẽ kể cho cháu biết”. Dạ dày ông đã bị cắt hai phần ba vì bệnh, mỗi bữa ăn chừng một hai chén cơm. Đi nhiều nhưng ít khi ông dùng thức ăn, thức uống lạ. Túi xách ông lúc nào cũng có một chai nước chè và tập đơn xin cứu giúp mà người nghèo kỳ vọng gửi gắm cho ông.


BS Trang Xuân Chi gặp nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại hội nghị ủng hộ nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: nhân vật cung cấp

Không có nhiều tiền, nhưng hễ gặp hoàn cảnh thương tâm, ông sẵn lòng giúp bước đầu năm bảy chục ngàn. Những bệnh nhân nan y cần có tiền chữa trị kéo dài sự sống, trẻ mồ côi không nơi nương tựa cần có điều kiện vơi bớt cơ hàn, ông thu thập thông tin, chụp hình về cặm cụi viết bài gửi các báo. Bài viết ông chân phương, vậy mà báo nào cũng đăng, sau đó bạn đọc quyên góp ủng hộ, có trường hợp được giúp lên đến hàng trăm triệu đồng. Tiếng nói của ông là tiếng nói của lòng nhân hậu nguyên sơ, dường như đã trở thành sợi chỉ đỏ kết nối và sẻ chia yêu thương trong tất cả mỗi người.

Ngoài nguồn kinh phí từ thiện nhân đạo của hội, kêu gọi qua “kênh” báo chí, ông bảo còn một “kênh” khác mà sự trợ giúp cũng không kém phần hiệu quả, đó là những đồng nghiệp, những người bạn của ông ở khắp nơi. “Một mình bác, dù nỗ lực bao nhiêu cũng không thể nào làm được nếu không có báo chí, không có những anh em tâm huyết với việc thiện, hoặc thiếu môi trường làm việc của Hội Chữ thập đỏ”, ông khiêm tốn nói.

Bây giờ, 5 chị em Phạm Thị Minh Phương, mồ côi cha mẹ, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn đã ổn định trong ngôi nhà tình thương khang trang với một phần kinh phí do bạn đọc Báo Thanh Niên quyên góp ủng hộ. Hai năm trước, chị em Minh Phương tá túc trong một túp lều tạm bợ chừng 10 m2, nằm trên một vỉa hè, lúc mưa không có chỗ nằm. Một hôm tình cờ biết chuyện, ông đôn đáo khắp nơi kêu gọi sự cứu giúp. Chỉ trong vòng mấy tháng, 5 chị em Minh Phương được thành phố tạo điều kiện về đất ở, rồi có nhà mới, vật dụng sinh hoạt “xịn” hơn cả nhà ông. Lên huyện miền núi Vĩnh Thạnh, gặp cháu Đinh Thị HYến, dân tộc Bana, nhà nghèo lại bị tim bẩm sinh; về, ông viết bài đăng báo và cháu nhận được tài trợ kinh phí phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sức khỏe cháu HYến nay bình phục hoàn toàn và đang học tiểu học… Những nạn nhân da cam/diôxin cũng được ông tìm hiểu, kêu gọi giúp đỡ rất nhiều.

Tôi nói với ông: “Bác làm từ thiện mà có thương hiệu như thế, có thể nói là một kỳ tích. Có lẽ giờ bác đã hết trăn trở với công việc của mình…”. Ông ưu tư: “Chưa hết đâu cháu ơi, vẫn còn nhiều trẻ em bị tim bẩm sinh, nạn nhân da cam chưa có kinh phí phẫu thuật. Hồ sơ bác đang giữ nhiều lắm. Ngày nào bác cũng mong có nhà hảo tâm nào đó quan tâm cứu giúp, chứ tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ không thể nào bù đắp nổi, điển hình như trường hợp cháu Nguyễn Thị Tuyết Nhi, 23 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn. Cháu Nhi bị u máu bẩm sinh, bác xin được hơn 30 triệu rồi, nhưng vẫn phải ở nhà vì chi phí phẫu thuật lên đến cả trăm triệu đồng. Điều mà bác chưa bao giờ trăn trở, đó là hạnh phúc gia đình. Vợ bác cũng từng là lính, luôn lo lắng, chu toàn mọi chuyện trong nhà; hai con giờ đã trưởng thành, công việc ổn định. Nhờ đó bác mới yên tâm… vác tù và hàng tổng”.

Có lần ông bị… chẩn đoán nhầm mắc bệnh lạ và hiểm nghèo. Anh em báo chí ở Bình Định tự nguyện quyên góp mỗi người một ít giúp ông đi vào Sài Gòn chữa trị. Ông nhận nhưng toàn bộ số tiền mấy triệu đồng sau đó ông giúp lại các trường hợp thương tâm nêu trên báo.

Với bất kỳ ai, ông cũng dành trọn tình thương yêu. Với những gia cảnh ngặt nghèo, ông lo nỗi lo túng thiếu của họ và không ngại bỏ công sức đi vận động quyên góp tiền lo chạy chữa… Lòng ông không yên khi tiếp xúc với những bệnh nhân nan y từng ngày từng giờ thoi thóp đối diện với cái chết mà chưa giúp được gì. Từ đó, dẫu chẳng phải họ hàng thân thuộc, nhiều người vẫn trìu mến gọi ông bằng bố - “bố Chi”!

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.