Thế thân ở sòng bạc Campuchia

25/04/2010 23:54 GMT+7

Không chỉ tình trạng học sinh cấp 2 ở xã Lai Uyên và Tân Hưng bị dụ dỗ qua biên giới đánh bạc (Thanh Niên đã phản ánh), trên địa bàn H.Bến Cát (Bình Dương) còn hàng trăm thanh niên qua Campuchia “đỏ đen” để rồi phải ký giấy “cầm thân”, buộc gia đình phải cầm cố tài sản, vay mượn tiền sang chuộc người...

Về Bến Cát những ngày này, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán đến chuyện thanh niên qua Campuchia đánh bạc phải viết giấy “cầm thân”. Bức xúc trước tình trạng này, nhiều người dân sẵn sàng tạm ngưng công việc dẫn chúng tôi đến những gia đình vừa mang tiền đi chuộc con về, để phản ánh...

“Cầm thân” xứ người

Chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị Dung (ấp An Hòa, xã Hòa Lợi) khi nghe tin gia đình vừa mới qua Campuchia chuộc cậu quý tử Hồ Chí Thành (19 tuổi) về nước.

Tại KP5, thị trấn Mỹ Phước, đến nay vẫn còn 2 trường hợp đang kẹt ở bên kia biên giới. Đó là Nguyễn Phi H. nợ 1.200 USD (đi lần 2) và Đặng Đình Th. (16 tuổi), nợ 2.000 USD.

Đến nhà H., ông Lê Văn Đực (ông ngoại H.) ngán ngẩm: “Để có tiền chuộc, mẹ nó phải nghỉ đi làm mướn chạy cả tuần vay mượn xóm giềng, người thân gia đình 2 bên nội ngoại, tài sản có chi cầm hết rồi mới đủ 60 triệu đồng mang đi chuộc nó về. Nay nó đi nữa, thì lấy đâu ra tiền. Mấy thằng sòng bạc muốn mổ bụng hay làm gì nó cũng đành chịu”.

Chúng tôi tìm đến nhà trọ Th. ở thì được một người hàng xóm kể: “Cha mẹ nó nghèo kiết xác, buôn bán ve chai không đủ tiền để trả nhà trọ (nợ 11 tháng) nên bị đuổi đi nơi khác, hỏi lấy đâu ra tiền mà đi chuộc nó về”.

Bà Dung nhớ lại: “Lần đầu tiên, nó đi vào ngày 20.2. Tối đó, nó xin đi chơi rồi không về nhà, gia đình cứ nghĩ nó đến nhà bạn bè chơi. Hôm sau, có người đàn ông gọi điện từ Campuchia báo tin thằng Thành đánh bài thua 2.500 USD phải viết giấy cầm thân, yêu cầu gia đình mang tiền qua chuộc. Nếu không sẽ đưa đi Nam Giang, vào sâu trong rừng. Chạy vay khắp nơi, đến ngày 26.2, hai vợ chồng mới mang tiền sang chuộc con về. Ba tuần sau, nó tiếp tục mò qua biên giới nướng 3.500 USD, cũng phải viết giấy cầm thân. Chuộc về chưa được bao lâu, mới đây nó lại mò qua đánh thua tiếp 3.000 USD...”. Sau lần chuộc thứ ba (ngày 16.4), sợ con lại qua Campuchia đánh bạc, hằng ngày đi lái xe chồng bà Dung phải đưa con đi cùng...

Cũng mới chuộc con trở về từ Campuchia, bà Tăng Thị Hồng Thanh (KP5, thị trấn Mỹ Phước) kể lại: “Cách đây khoảng một tháng, thằng con trai của tôi (Nguyễn Thanh Tú, 17 tuổi - PV) cùng mấy đứa bạn bị đám cò mồi rủ qua Campuchia chơi, ăn uống sung sướng mà không tốn tiền. Sáng hôm sau, tôi đang đi chợ thì muốn ngất xỉu khi nhận được điện thoại từ Campuchia gọi về cho biết thằng Tú đang thiếu nợ 3.000 USD, phải viết giấy thế thân. Khi đang lo chạy tiền, ở bên kia lại báo tin nó thua tiếp 2.000 USD. Cả nhà nghe xong muốn quỵ luôn”.

Thương con, bà Thanh cũng phải vay mượn rồi ôm tiền đổi đô la Mỹ theo yêu cầu của phía Campuchia để mang sang chuộc con. “Vậy mà 2 tuần sau, nó lại trốn sang biên giới tiếp tục thua thêm 12 triệu đồng”, bà Thanh buồn bã nói.

Gặp chúng tôi, Tú chỉ nói: “Tối đó, tụi em ra quán uống cà phê với mấy người bạn thì có người đến rủ đi Campuchia chơi. Sau đó, người này gọi taxi đi đến biên giới, rồi kêu xe ôm chở qua biên giới. Qua Campuchia, tụi em được đưa lên khách sạn, ăn uống nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, có người đưa cho em 200 đô, kêu chơi cho biết. Nghĩ chơi cho vui nên em cầm tiền đánh bài cào (bài 3 lá), mỗi ván đặt khoảng 10 đô. Mấy ván đầu ăn cũng được vài trăm đô, nhưng sau đó càng chơi càng thua. Lát sau, có người kêu em thua 3.000 đô phải viết giấy vay nợ. Tối đó, có người tiếp tục đưa tiền kêu chơi mà gỡ. Vậy là em thua thêm 2.000 USD... ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết đang lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền đi chuộc con trai đang bị kẹt ở Campuchia - Ảnh: N.Long

Bà Thanh kéo chúng tôi ra ngoài nói nhỏ: “Từ ngày được chuộc về nó cứ ngơ ngơ như ăn phải bùa mê. Phải cho nó uống nước tỏi và mấy cái trứng ngỗng, nó mới kể lại được đôi điều”.

Ông Huỳnh Văn Mộc, Trưởng ban điều hành KP5, thị trấn Mỹ Phước (H.Bến Cát), cho biết: “Cả mấy em đi cùng với Tú đều phải ký giấy cầm thân do thua bạc hàng ngàn USD, như Nguyễn Phi H. (20 tuổi) 4.500 USD, Đặng Đình Th. (17 tuổi) 2.000 USD, Phạm Hồ Thanh (19 tuổi) 2.000 USD và Nguyễn Văn Bầu (16 tuổi) 1.500 USD”.

Mẹ ơi, cứu con!

“Mày nói mẹ lên rước tao về, ý tao muốn gỡ lại tiền mà gỡ không được, thua thêm 2.400 đô nữa rồi. Tao thấy mẹ khổ nên muốn gỡ, nhưng mà cứ thua hoài. Mày kêu mẹ lên rước tao đi”. Đó là nội dung tin nhắn của Nguyễn Hữu B. (20 tuổi, ngụ ấp An Lợi, xã Hòa Lợi) gửi em gái vào ngày 19.4.

Căn nhà cấp 4 của bà Lê Thị Tuyết (mẹ B.) không có gì đáng giá ngoài cái tivi cũ để ở góc nhà. Khi biết chúng tôi là PV đi tìm hiểu về tình hình thanh niên qua Campuchia “cầm thân” đánh bạc, bà Tuyết vội vã qua hàng xóm mượn 2 cái ghế về tiếp khách. Nước mắt lăn dài trên hai gò má, bà Tuyết vừa khóc vừa kể: “Vào ngày 26.3, thằng B. xin đi Long Hải chơi với bạn bè vài hôm. Nhưng sau đó, tôi lại nghe nhiều người nói nó mới đi qua Campuchia đánh bạc về, ăn 30 triệu đồng. Nghe vậy, tôi liền chạy về lục bóp, thấy có 12,5 triệu đồng. Hỏi đủ điều, nhưng nó chối bay chối biến. Đến 3 ngày sau, nó cùng với thằng Lượm lại mò sang casino. Đến khuya thì nó gọi về báo tin thua 4.000 USD, phải ký giấy cầm thân. Nghe xong, tôi muốn ngất đi vì số tiền này đối với gia đình quá lớn. Những ngày tiếp theo, một người tự xưng là Phan Đăng Khoa liên tục gọi điện thoại về hăm “không chuộc sẽ đưa nó đi Nam Giang”. Tôi nói mới vay mượn được 30 triệu đồng, thì Khoa cho số tài khoản và giục chuyển vào...”.

Đến chiều qua 25.4, gia đình bà Nghĩa, bà Tuyết vẫn chưa chạy đủ tiền để đi chuộc con. Theo danh sách của Công an xã Hòa Lợi, trên địa bàn chỉ mới thống kê 10 trường hợp qua Campuchia đánh bạc nhưng số tiền phải “cầm thân” đã lên đến hơn 40.000 USD.

Tại xã Chánh Phú Hòa, ông Lê Thanh Bình, Phó công an xã, cho biết trong số 26 trường hợp vượt biên đánh bạc phải “cầm thân”, người thua ít nhất 40 triệu đồng và nhiều nhất lên đến 2 tỉ. Hiện vẫn còn 5 trường hợp đang kẹt tại Campuchia do gia đình không còn khả năng chuộc về...

Sợ bị lừa, bà Tuyết lấy lý do đang đi thì gặp tai nạn nên phải vào bệnh viện. Phải đến 5 ngày sau, bà Tuyết mới vay mượn đủ 80 triệu đồng để qua Campuchia chuộc con. “Vậy mà chỉ 3 ngày sau, nó lại mò sang Campuchia và thua tiếp 2.400 USD, rồi gọi điện, nhắn tin về cầu cứu. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ có 3,3 triệu đồng (bà Tuyết đi thu tiền điện, còn chồng làm bảo vệ - PV), nay phải gánh thêm 4 triệu đồng tiền lãi vay. Thử hỏi lấy đâu ra tiền nữa đây để đi chuộc nó”, bà Tuyết khóc.

Khi chúng tôi đang ở nhà bà Tuyết, người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Nghĩa băng vườn chạy sang vừa khóc vừa nói: “Thằng Th. bị kẹt ở bển nữa rồi”. Bà Nghĩa lấy điện thoại cho chúng tôi xem dòng tin nhắn của Võ Hoàng Th. (18 tuổi) gửi về ngày 21.4: “Mẹ hả? Con nè, giờ con bị bắt ở Campuchia rồi vì con mắc nợ họ 5.000 đô. Mẹ ơi, cứu con đi mẹ. Mẹ đừng bỏ con, họ giết con chết”, rồi thở dài não nùng: “Tiền đâu mà đi chuộc nó về đây hả trời!”.

Theo lời bà Nghĩa, tối 20.4, Th. và đứa bạn hàng xóm là Phan Văn Ch. (19 tuổi - cũng phải cầm thân vì thua 5.000 USD) bị một người tên Bình ở quán cà phê rủ qua Campuchia đánh bạc, sau đó gia đình nhận được tin nhắn đi chuộc người...

Hoàng Tuấn - Trương Huyền - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.