Quan hệ Việt - Mỹ sẽ ra sao nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống?

22/08/2016 16:15 GMT+7

Việc bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ có tác động thế nào đến quan hệ Việt - Mỹ?

Vấn đề này được Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra sáng nay (22.8) tại Hà Nội.
Trong khi Tổng thống Obama muốn Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì các ứng cử viên Tổng thống là bà Hillary Clinton và Donald Trump đều thể hiện không ủng hộ Hiệp định này. Ông đánh giá thế nào về khả năng thông qua TPP sau khi Mỹ có tổng thống mới?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bầu cử Mỹ năm nay được đánh giá là cuộc bầu cử có nhiều điều lạ. Thứ nhất, các ứng cử viên đưa ra các chương trình hành động hướng nội và bảo thủ nhiều hơn, trong đó tập trung vào những nhu cầu của cử tri Mỹ. Cũng có những ý kiến cho rằng, cử tri nước Mỹ đang khá bất mãn với những chính sách của dòng chảy chính trị chính ở nước Mỹ. Để tranh thủ phiếu bầu, hai đảng đang hướng nội nhiều hơn.
Thứ hai, giữa chính trị bầu cử và lợi ích quốc gia của nước Mỹ, sau này ai là Tổng thống cũng phải cân nhắc. Những vấn đề liên quan đến chiến lược đối ngoại, chiến lược an ninh của Mỹ cũng phải căn cứ vào đó.
Thứ ba, nếu nhìn lại lịch sử của nước Mỹ thì bất cứ một vấn đề nào liên quan đến thương mại tự do đều rất phức tạp, vì nó không chỉ tăng thêm lợi ích kinh tế mà còn đụng chạm đến công ăn việc làm, điều kiện tiền lương của người dân. Hầu hết những hiệp định thương mại của Mỹ đều được thông qua với tỷ lệ rất sít sao.
Quay trở lại vấn đề TPP, thực sự nước Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do TPP vừa có tính kinh tế thương mại, vừa có tính chiến lược. Đồng thời làm sao bảo đảm được những lo ngại của người dân và cử tri là điều các ứng viên tổng thống Mỹ đang tính tới.
Vào thời điểm hiện tại, có thể thấy TPP đang là một vấn đề của tranh cử nên xu hướng bảo hộ mậu dịch, xu hướng hướng nội đang làm cho sự ủng hộ đối với TPP kém đi. TPP là lợi ích quốc gia của nước Mỹ nên sau khi chính trị bầu cử lắng đọng đi thì hy vọng người ta sẽ tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có việc xem xét TPP. Nhưng chắc chắn đây là việc rất phức tạp và khó khăn.
Ông đánh giá như thế nào về vị trí của vấn đề Biển Đông trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ?
Qua quan sát như tôi đã nói ở trên, các ứng viên tổng thống tập trung khá nhiều về những nội dung cơm ăn, việc làm, phúc lợi xã hội... nên hầu hết các tranh luận đều tập trung vào những vấn đề này. Tôi cho rằng cho dù ứng viên của đảng nào thắng cử thì chắc chắn Mỹ cũng vẫn gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lý do là vì Mỹ có lợi ích ở đây và có nhu cầu tiếp tục quan hệ với khu vực này vì hòa bình ổn định.
Tôi cho rằng một số vấn đề thời gian qua Mỹ tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục. Đó là cùng hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực này. Thứ hai dù muốn hay không, môi trường hòa bình ổn định phải dựa trên nỗ lực của tất cả các bên, đặc biệt là dựa trên luật pháp quốc tế. Hợp tác với ASEAN và các diễn đàn của ASEAN sẽ tiếp tục được Mỹ tăng cường, đặc biệt phát huy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ thông qua từ cuối 2015.
Còn về Biển Đông, Mỹ đã nói rất rõ, đặc biệt nhìn lại tuyên bố Sunnylands 2.2016, Mỹ tuyên bố ủng hộ đảm bảo an ninh an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông; kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các bên cần tranh thủ những nỗ lực ngoại giao cũng như trên cơ sở các phán quyết của tòa án thường trực để tiếp tục thúc đẩy bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp. Những điểm thống nhất giữa ASEAN - Mỹ như vậy cũng sẽ là những điểm chung của khu vực trong thời gian tới.
Ông Donald Trump và vợ Melania Trump tại Cleveland, bang Ohio ngày 18.7. Liêu đây sẽ là tổng thống và đệ nhất phu nhân tương lai của Mỹ? Ảnh AFP
Theo ông, quan hệ Việt - Mỹ sẽ có thay đổi gì sau khi Mỹ có tân tổng thống?
Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam đến năm nay là 21 năm. Hai bên đã có những bước phát triển và điều quan trọng nhất là đã thiết lập được khuôn khổ ổn định và lâu dài, với việc quan hệ đối tác toàn diện được thông qua từ 2013. Tiếp đó là nhiều chuyến thăm cấp cao và nhiều hoạt động dựa trên khuôn khổ đó.
Trong khuôn khổ đối tác toàn diện, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tới Mỹ 7.2015 đã thông qua tầm nhìn, khẳng định lại và định hướng quan hệ trong thời gian tới và chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam 5.2016 đã tiếp tục tạo đà cho quan hệ.
Duy trì, củng cố và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực như khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện đề ra là lợi ích song trùng của cả Việt Nam và Mỹ. Vấn đề là làm sao chúng ta khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ đó, phát huy những lĩnh vực mà hai bên còn có thế mạnh. Ví dụ, về chính trị, chắc chắn việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các cấp, đồng thời thúc đẩy lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc chỉ đạo của quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong đó vấn đề tôn trọng thể chế chính trị của nhau rất quan trọng.
Về hợp tác kinh tế, còn nhiều tiềm năng để hai bên khai thác. Có những cơ hội mới mang lại do sự phát triển năng động của khu vực để quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường mà chúng ta có thể khai thác được thêm.
Về đầu tư, Mỹ là nền kinh tế lớn nhưng hiện nay đầu tư của Mỹ mới khoảng 11 tỉ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Rõ ràng là còn rất nhiều tiềm năng. Nhưng cách đầu tư của Mỹ không phải là cung cấp ODA mà là làm sao tạo ra những khuôn khổ pháp lý để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào. Do vậy, phía Việt Nam cũng phải chủ động.
Ngoài ra, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, sáng tạo cũng là những lĩnh vực rất mạnh của Mỹ. Để thúc đẩy quan hệ hai nước thì đó là những lĩnh vực ta có thể tranh thủ được rất nhiều.
Theo ông đâu sẽ là kịch bản cho Việt Nam khi Mỹ có sự thay đổi về chính quyền, chính sách?
Tôi cho rằng chiến lược và chính sách an ninh chung của Mỹ vẫn tiếp tục gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục coi trọng hòa bình ổn định hợp tác với khu vực này. Mỹ cũng sẽ tiếp tục coi trọng hợp tác với ASEAN, và như vậy có nghĩa tiếp tục coi trọng quan hệ với các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Còn vấn đề TPP thì hơi khác. Như đã nói ở trên, TPP có tính chính trị nội bộ của Mỹ và bây giờ người ta chưa thật rõ ràng rằng liệu trong những tuần cuối của nhiệm kỳ của Tổng thống Obama có thông qua TPP được hay không, hay phải chờ sang tổng thống mới.
Còn về quan hệ Việt - Mỹ, đây là quan hệ có sức sống riêng của nó như chúng ta đã nói đến, đó là khuôn khổ đối tác toàn diện. Những lĩnh vực mà lâu nay hai bên đã đang và sẽ tiếp tục hợp tác và cam kết hợp tác thì chắc chắn sẽ được thúc đẩy và còn rất nhiều không gian để hợp tác với nhau. Còn nếu có TPP, thì TPP vừa đặt ra thách thức vừa đặt ra cơ hội.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta vượt qua được thách thức, tăng cường được sức cạnh tranh của sản phẩm của mình thì sẽ tránh được nhiều hơn những vấn đề như áp thuế cao, điều kiện kỹ thuật. Chúng ta có rất nhiều mặt hàng có thế mạnh như giầy da, dệt may, thủy sản. Chúng ta có điều kiện tăng thêm thị phần ở thị trường Mỹ, tranh thủ đa dạng hóa những sản phẩm khác có thể xuất sang Mỹ.
Ngay cả khi TPP chưa có hiệu lực, nếu chúng ta bắt đầu khởi động quá trình chuẩn bị thì phù hợp với chủ trương đổi mới, chủ trương hội nhập của mình, tạo ra sức hấp dẫn mới của nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng sẽ có làn sóng mới của các nhà đầu tư nước ngoài do quá trình đổi mới và cải cách của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới.
Cuối cùng, đó là tranh thủ khoa học, công nghệ và sáng tạo. Cái này rất quan trọng cho quá trình phát triển. Tóm lại, ở đây có 2 khả năng. Nếu TPP bị chậm lại thì sức sống của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ vẫn có nhiều không gian để hợp tác, khai thác. Còn nếu có TPP thì chúng ta có thêm cơ hội, sẽ là điểm cộng nếu ta vượt qua được thách thức.
Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Mỹ?
Đánh giá về triển vọng hợp tác an ninh quốc phòng Việt - Mỹ, đặc biệt sau khi Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định không phải đến lúc này hai nước mới có hợp tác an ninh quốc phòng. Từ 2011, hai bên đã có bản ghi nhớ về hợp tác an ninh quốc phòng trên 5 lĩnh vực, trong đó có tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, hợp tác an ninh, an toàn hàng hải, quân y... Tháng 6.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm Việt Nam và hai bên đã thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng…
Theo Đại sứ Vinh, hợp tác quốc phòng vì lợi ích của cả Việt Nam và khu vực phải phù hợp với lợi ích và bước đi của Việt Nam, cho lợi ích phòng thủ tự vệ của Việt Nam là chính. Do vậy, hai bên tiếp tục hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như tháo gỡ bom mìn, tẩy độc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. 
“Hợp tác và xây dựng về năng lực an ninh hàng hải sẽ được tiếp tục, trong đó có những đào tạo về kỹ thuật chuyên môn. Còn việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí và hợp tác cụ thể thì Việt Nam còn cần tính xem nhu cầu của mình ra sao, khả năng cung cấp của Mỹ đến đâu và có phù hợp với chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc của Việt Nam hay không. Những cái này tôi cho rằng các bên đang bàn bạc và cụ thể như thế nào thì còn chờ thời gian”, Đại sứ Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.