Quê tôi, những nốt nhạc trầm!

10/08/2006 16:30 GMT+7

Sau nhiều năm xa cách, tôi trở về làng trong cảm xúc thương nhớ khôn nguôi. Quê tôi, một vùng đất trung du với truyền thống bất khuất trong đánh giặc ngoại xâm và cả những địa danh đã ăn sâu vào mỗi người dân đất Việt như Đền Hùng, Phú Thọ. Nhưng, quê tôi sau bao năm xa cách, hình ảnh một miền quê đổi mới đã không hiện ra trước mắt như tôi tưởng... Quê tôi, những nốt nhạc trầm!

Từ mùi đặc trưng đất Phong Châu...

Trên chiếc xe ca từ Hà Nội vượt qua Phúc Yên, rồi Vĩnh Yên về với thành phố Việt Trì, một thành phố “ngã ba sông” với bao kỉ niệm của thời thơ ấu, không thể tả nổi lòng tôi xốn xang xao động đến mức nào. Cầu Việt Trì vừa ló ra, ai cũng mừng vì sắp về đến quê, sắp được nhìn thấy đất Tổ Vua Hùng sau gần mười lăm năm xa cách. Nhưng bỗng nhiên một mùi hôi thối tràn ngập trong xe. Tôi bắt đầu có những cảm giác khó chịu. "Mùi gì khó chịu thế nhỉ?". Câu hỏi của tôi làm nhiều người trong xe nhìn lên. "Anh mới ở xa quê về hả?". Một người khách ngồi gần hỏi lại. Qua những người  khách ngồi trên xe, tôi biết được đó là mùi hôi thối từ khí thải của Nhà máy giấy Bãi Bằng ở thị trấn Phong Châu. Nhà máy mà từ cái thời ở quê, chúng tôi đã từng đi bộ xuống tận đấy để tập nói tiếng Anh với những chuyên gia đến từ Thụy Điển. “Mùi hôi thối cứ theo chiều gió, có khi cả huyện Phù Ninh cũng phải ngửi nó, chứ không riêng gì xã nào”. Một người trong xe quả quyết với tôi.

Trở về làng, dù biết chuyện này nói ra không hay lắm nhưng trong chén rượu vui với bè bạn tôi vẫn phải đem sự thắc mắc ấy ra “bàn bạc”. Người có chức vụ “to” nhất tiếp tôi ở quê là Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thanh (huyện Phù Ninh), cho biết: Mỗi cán bộ ở đây đều được hưởng “phần trăm” từ Nhà máy Bãi Bằng hỗ trợ, khoảng 30% tiền lương gì đó. Thế còn người dân thì sao? Không lẽ chỉ mấy ông cán bộ phải ngửi cái mùi nồng nặc này, còn dân thì bịt mũi lại à? Ông Bí thư xã Bảo Thanh lại bảo: Dân mình cũng đã có kiến nghị đến cấp cao nhất của tỉnh Phú Thọ rồi, nhưng chẳng thấy dấu hiệu suy giảm nào cả. Cậu tưởng chúng tôi không biết đấu tranh cho dân à! Nhưng đã nhiều năm rồi mà Nhà máy giấy Bãi Bằng vẫn không xử lí được chất thải khí độc CO2 như thế thì ôi, người dân quê tôi không bị bệnh ung thư cả làng như xã Thạch Sơn (ở huyện Lâm Thao) mới là chuyện lạ!

... đến những tiếng buồn...


Trở về sông Lô quê hương. Ảnh: Q.Hà
Chị gái bố tôi có một cô con gái “rượu” được cưng chiều lắm. Do có chút năng khiếu về âm nhạc, nên bá tôi (quê tôi gọi chị gái của bố là bá) cho con gái mình đi học cao đẳng Nhạc-Họa ở trường Cao đẳng sư phạm Phú Thọ. Sau ba năm mới ra trường, nhưng không có cách nào xin vào ngành giáo dục của địa phương dù giáo viên môn Nhạc-Họa vô cùng thiếu và bá ấy đã có dư 33 năm dạy học ở huyện Phù Ninh. Do bác tôi làm ở sân bay Nội Bài, lương khá cao nên đã quyết định tập trung tiền của cho con mình theo nghề “cô giáo dạy nhạc”. Và bác, bá ấy đã phải bỏ ra… 45 triệu đồng “lót đường” để cô con gái rượu của mình được dạy học mãi tận huyện Cẩm Khê, cách nhà đến… 70 cây số. Tôi hỏi, thế bá đưa tiền đó cho ai để chị được vào nghề dạy học? Bá bảo: Mày tưởng bá không biết mày là nhà báo à? Cung cấp tên ông ấy cho mày có mà chị mày chết!!! Bà còn kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện mà tôi nghe rợn cả người. Nào là xin về chỗ nọ hết bao nhiêu triệu, xin vào chỗ kia hết mấy chục “chai”. Toàn những chuyện nghe mà thấy xót xa. Nếu chuyện ấy đúng như bá tôi trình bày, thì quả là một tiếng buồn! 

... và manh mún ruộng đồng

Chiều về, mẹ tôi vẫn lấy những cành bạch đàn khô chụm lửa nấu cơm cho tôi ăn như cái cảnh của hơn hai mươi năm trước bà từng nuôi tôi ăn học. Tôi có ý định mua một lò ga cho mẹ nấu ăn, nhưng bà lại bảo “quê mình bây giờ toàn trồng bạch đàn cho Nhà máy giấy Bãi Bằng. Tận dụng nguyên liệu củi cho đỡ tốn kém con ạ”. Quê tôi đất mênh mông, nhưng toàn là đất bạc màu, những quả đồi như bát úp mọc chen nhau. Ngày xưa nó chỉ là những  đồi trọc. Nay được phủ kín bằng một màu xanh của cây nguyên liệu giấy bạch đàn và keo lai. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Bảo Thanh - Quản Văn Huynh khoe với tôi rằng, nhiều nhà bây giờ khá lên là nhờ cây nguyên liệu giấy đấy. Nhưng qua con số “điều tra chớp nhoáng” thì chủ yếu diện tích đất rừng nhiều vẫn rơi vào những hộ là… cán bộ, chứ nông dân đích thực ở quê thì rất ít. Cả làng chỉ còn một vài thanh niên ở nhà trong những ngày nông nhàn. Tất cả đã đổ xô về các khu công nghiệp ở Việt Trì, Hà Nội, thậm chí làng tôi có đến mấy chục người vào hẳn các tỉnh phía Nam kiếm kế sinh nhai. Nhà tôi có đến gần 7 sào ruộng (360 m2/sào) nhưng được chia thành… 7 thửa. Thửa to nhất là 2 sào, thửa nhỏ nhất chỉ chưa đầy…  70 mét vuông. Tôi đề nghị mẹ hoán đổi cho bà con bên cạnh để  lấy một thửa khác mở cho thửa ruộng to ra, nhưng mẹ tôi bảo ở quê mình quen thế rồi, không làm khác được. Nhìn cảnh những “thửa” ruộng trồng lạc chỉ bằng 4 cái nong, vậy mà bà con ai nấy đều chăm chỉ vun xới dưới cái nắng mùa hè trung du oi ả. Tôi ước ao có một chiếc máy cày tay ủi tung những cái bờ kia cho mẹ tôi bớt khổ. Nhưng chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bảo Thanh lại bảo rằng: Trước đây cũng có người bỏ tiền ra mua máy cày tay nhưng không ai thuê! Với lại quê mình làm ruộng thửa nhỏ quen rồi…

Truyền thống và những tập quán ấy đã nuôi tôi và bao thế hệ lớn khôn. Nhưng nếu nó muôn đời vẫn thế thì ôi quê tôi, sao thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. 

Q.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.