Quốc hội sẽ thông qua luật Biển tại kỳ họp thứ 3

13/12/2011 14:32 GMT+7

(TNO) Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH) khóa 13, QH sẽ dành nửa ngày làm việc tại Hội trường trong số 24 ngày làm việc để thông qua luật Biển Việt Nam.

(TNO) Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH) khóa 13, QH sẽ dành nửa ngày làm việc tại Hội trường trong số 24 ngày làm việc để thông qua luật Biển Việt Nam.

Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất, kỳ họp thứ 3 của QH sẽ khai mạc vào ngày 21.5 và bế mạc vào ngày 21.6.2012.
 
Trong 24 ngày diễn ra kỳ họp, QH sẽ dành 15 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó có 8 ngày thông qua 14 dự luật và một nghị quyết; 7 ngày để thảo luận về các dự luật Chính phủ lần đầu tiên trình ra QH, như luật Đô thị, luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Điện lực, luật Dự trữ quốc gia…
 
QH cũng sẽ dành 6 ngày rưỡi để thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, và giám sát các vấn đề quan trọng khác, trong đó có chất vấn và trả lời chất vấn.
 
Trong tờ trình, VPQH nhấn mạnh đến một số vấn đề đề nghị Ủy ban TVQH quan tâm chỉ đạo, như kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp QH và phiên họp Ủy ban TVQH các nội dung chậm gửi tài liệu hoặc tài liệu chưa được chuẩn bị đầy đủ.
 
Phát biểu về nội dung chương trình dự kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đến một trong những nội dung QH cần xem xét, thảo luận sâu tại kỳ họp tới là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và đề nghị Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị để ghi nhận, tập hợp ý kiến các chuyên gia phục vụ cho quá trình thảo luận, xem xét của QH về nội dung này.

Về luật Biển, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: dự luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 vừa qua và được đưa vào chương trình thông qua của Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa 13 nên VPQH dự kiến bố trí trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
 
Cũng tại phiên họp sáng nay, TVQH đã cho ý kiến về dự thảo đánh giá kỳ họp thứ 2 vừa qua.
 
Đa số ý kiến tập trung vào nội dung điều hành chất vấn tại kỳ họp vừa qua và cho rằng, bên cạnh những ưu điểm như chất vấn tập trung vào vấn đề, các ĐB đăng ký chất vấn đều được đặt câu hỏi, câu hỏi ngắn trong vòng 2 phút… thì cần phải cân nhắc, xem lại cách thức chất vấn để ĐB hỏi quá nhiều câu rồi mới trả lời, làm giảm tính tranh luận trực tiếp và các nội dung trả lời chưa đầy đủ, thỏa mãn hết các vấn đề ĐB đặt ra.
 
Dự thảo báo cáo đánh giá qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề đã đi đến cùng nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, là “chưa thể nói nhiều vấn đề đi đến cùng”. “Ví dụ giá xăng dầu (chuyện lỗ, lãi xăng dầu - PV), cả hai Bộ trưởng Tài chính và Công thương đều trả lời trước QH nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng”, bà Mai đơn cử.

Bảo Cầm

>> Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
>> Rút luật Nhà văn khỏi chương trình xây dựng luật
>> Thẳng thắn chuyện chủ quyền biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.