Quốc hội thảo luận tại tổ: Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế

25/10/2012 03:25 GMT+7

Sốt ruột trước tình trạng tăng trưởng chậm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, hàng tồn kho và nợ xấu chưa có giải pháp giải quyết rõ ràng, nhiều ĐBQH đòi hỏi thái độ quyết liệt trong điều hành của Chính phủ.

Sốt ruột trước tốc độ giải cứu kinh tế
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Ngọc Thắng

Cần quyết liệt hết sức

Không vòng vo, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, "suy yếu và bệnh tật" là nhận định chung về nền kinh tế hiện nay. Ông Nghĩa phân tích: Suy yếu biểu hiện ở tăng trưởng thấp, bộ máy quản lý điều hành vẫn quan liêu, vô cảm, nói chung theo một trạng thái công chức rất bình thản trong khi tình hình đòi hỏi phải có thái độ quyết liệt, nỗ lực hết sức để giải quyết. Bệnh tật thể hiện rõ ở tình trạng nợ xấu hiện nay. “Thông tin chúng tôi nghe được là đi sâu vào tình hình nợ xấu ngân hàng hiện nay rất đáng báo động trong khi đó thì tình trạng tồn kho, nhất là bất động sản gắn với nợ xấu đang rất đáng lo ngại. Tình hình nền kinh tế vừa qua có những điểm phải nghiêm túc xem xét lại, cho thấy sự suy yếu, khuyết điểm từ nhiều năm nay chúng ta không khắc phục được”, ông Nghĩa lo lắng.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cũng sốt ruột trước tốc độ tái cơ cấu kinh tế cũng như giải quyết các khó khăn hiện tại đặt ra cho kinh tế xã hội hiện nay và đề nghị: Trong ngắn hạn, Chính phủ phải tập trung biện pháp mạnh hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho bằng cách mở tín dụng để hỗ trợ quỹ bán hàng Việt, giúp doanh nghiệp (DN) giảm giá bán hàng. Không để DN nào vì thiếu vốn lưu động mà  phải ngưng hoạt động, không trả được nợ. Đồng thời với giải pháp này, cần tập trung trái phiếu công trình ở một số công trình giao thông trọng điểm để xử lý lượng xi măng, sắt thép dư thừa, tồn kho, dùng một phần ngân sách cấp không xi măng cho các địa phương làm đường nông thôn.

Để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cũng đề nghị cần phân tích rõ và có những giải pháp để điều chỉnh dòng vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tập trung cho các DN nhỏ và vừa, DN nội vì hiện nay, “không biết dòng vốn của chúng ta đang chảy về đâu”. Ngồi cùng tổ, ĐB Trương Thị Ánh bổ sung thêm: Chính phủ cần nghiên cứu, phân tích hàng tồn kho hiện nay tập trung ở lĩnh vực nào nhiều nhất để hướng chính sách kích cầu chính xác vào đó. “Ví dụ nếu tập trung kích cầu bất động sản, thì đi liền với đó là chính sách giá cho nhà thu nhập thấp thế nào, chính sách thuế cho doanh nghiệp ra sao, tín dụng ưu đãi cho người mua ở mức nào...”, bà Ánh gợi ý.

Từ tổ Đà Nẵng, ĐB Thân Đức Nam cảnh báo “những DN còn cầm cự được đang đuối sức dần và khó khăn ngày càng tích tụ”. ĐB Nam đề nghị Chính phủ cần áp dụng biện pháp đặc biệt khoanh nợ và cho vay mới các DN có điều kiện tồn tại và phát triển; đồng thời, ngăn chặn xu hướng tăng số DN phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất,  miễn giảm thuế… theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ đến hết năm 2013, tạo điều kiện cho DN phục hồi tăng trưởng.

Xử nghiêm ngân hàng giấu nợ xấu

Qua thảo luận tại các tổ cho thấy vấn đề nợ xấu cũng đang được các ĐBQH đặc biệt quan tâm và đòi hỏi phải minh bạch về con số cũng như có biện pháp quyết liệt tháo gỡ.

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) cho rằng hàng tồn kho và nợ xấu là điểm nghẽn lớn của nền kinh tế hiện nay, vì vậy cần đi sâu đánh giá cho hết thực trạng nợ xấu thế nào, công khai minh bạch vấn đề này để có giải pháp giải quyết hiệu quả. “Ít ra các ĐBQH cũng phải biết nợ xấu đang ở mức độ nào. DN hoặc ngân hàng nào chưa giải quyết được nợ xấu thì phải giải thể và phải xử lý hình sự đối với những người có trách nhiệm”, ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý thêm.

Một trong 3 giải pháp trong ngắn hạn để giải quyết khó khăn kinh tế hiện nay mà ĐB Trần Du Lịch đề xuất cũng tập trung vào việc giải quyết nợ xấu ngân hàng. Theo ông Lịch, NHNN phải công bố rõ ràng hiện nay nợ xấu là bao nhiêu theo tiêu chuẩn của NHNN chứ không phải của các tổ chức tín dụng, làm rõ nợ xấu tập trung vào lĩnh vực nào. “Lần này QH phải chất vấn làm rõ vấn đề này. Khi làm rõ nợ xấu rồi, phải yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại trích lập quỹ dự phòng nợ xấu. Ngân hàng nào giấu nợ xấu phải xử nghiêm theo pháp luật. Không thể để tình trạng DN giải thể nhiều thế này, kinh tế khó khăn thế này mà ngân hàng cứ công bố lãi đều đều hằng quý”, ông Lịch nói.

Tăng lương và kiểm soát giá

Trước thông tin Chính phủ đưa ra về việc sẽ bố trí tăng lương năm tới khi có điều kiện vì hiện tại chưa bố trí được nguồn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền “phản biện”: Nền kinh tế khó khăn như vậy nhưng kế hoạch chi tiêu vẫn rất dàn trải như mọi năm,  chồng chéo, khoản chi mục tiêu quốc gia cũng có, hỗ trợ thường xuyên cũng có... vậy thì lấy đâu ra tiền mà chi lương? Theo ông Quyền, “cần phải cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tăng lương. Cái khác có thể cắt bỏ nhưng đi chợ thì không thể cắt được, không tăng lương thì không có tiền đi chợ”.

“Nhiều người làm công ăn lương hiện nay đang kiệt quệ. Hãy xem công nhân đang sống như thế nào... Chúng ta đã tuyên bố tăng lương, giá cả đã tăng, giờ lại không tăng lương nữa thì người dân rất bức xúc”, ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh nhấn mạnh thêm, và đề nghị cắt giảm ngân sách trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia vốn đang trùng lặp để bố trí thêm nguồn cho việc tăng lương theo lộ trình đã định.

Tại tổ TP.HCM, cả 4 ĐB đề cập đến chuyện lương cũng đều ủng hộ phương án phải tăng. ĐB Trương Thị Ánh cho rằng trong điều kiện giá cả thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Chính phủ cần cân đối nguồn để chi lương cho người về hưu, người làm công ăn lương đang có mức lương thấp. Còn theo ĐB Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri nói tăng lương rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là kiềm chế tăng giá, vì nếu không cẩn thận thì việc tăng lương nhỏ giọt sẽ “bồi bổ, phân bón” cho giá cả leo cao hơn. “Cho nên tăng lương phải đồng bộ với kiểm soát giá cả thị trường”, ông Lộc đề nghị.

Chỉ dự trữ những mặt hàng chiến lược, thiết yếu

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật Dự trữ quốc gia chiều 24.10, phần lớn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, để bảo đảm đúng bản chất của dự trữ quốc gia, cần điều chỉnh mục tiêu dự trữ quốc gia theo hướng chỉ giữ mục tiêu đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ lựa chọn những mặt hàng chiến lược, thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh và tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn vào danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia. Các mặt hàng này gồm: lương thực (thóc, gạo); muối ăn; nhiên liệu: xăng, diesel, ma zút, dầu thô; vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu...

Nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc sử dụng cụm từ “nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước”. Theo đại biểu Ngô Văn Hùng (đoàn Lào Cai), nếu không nêu được cụ thể nhiệm vụ “khác” là gì thì không nên đưa cụm từ này vào.

Anh Vũ

Cần lập Ủy ban độc lập quốc gia về tái cấu trúc kinh tế

Tái cơ cấu kinh tế Chính phủ đang làm rất chậm, chúng ta không thể tái cơ cấu giao cho từng bộ, ngành làm như hiện nay, nếu tổ chức không ngang tầm không thể thực hiện được. Vì vậy, QH cần lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu, soạn thảo chương trình tái cơ cấu rõ ràng; đứng ra giải quyết vấn đề tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng, về DNNN, giải quyết vấn đề nợ xấu. Nếu kỳ họp này không đưa ra được biện pháp cụ thể xử lý các vấn đề đặt ra như vậy thì không giải quyết được tồn tại của kinh tế hiện nay. (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch)

Mừng nhưng chờ đợi

Cử tri mừng vì Chính phủ có nhận ra thiếu sót trách nhiệm trước toàn dân, mừng nhưng  chờ đợi rất lớn vào trách nhiệm chính trị và quyết tâm khắc phục của Chính phủ trước toàn Đảng, toàn dân. (ĐB Võ Thị Dung, TP.HCM)

Tránh đề xuất các nguồn thu gây “sốc”

Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay, cần hết sức lưu ý trong chính sách thuế, phí để tránh đề xuất các nguồn thu gây “sốc”, đánh vào thu nhập của dân. Bài học đề xuất thu phí lưu hành phương tiện vừa qua là một ví dụ. Bộ GTVT định đề xuất thu phí lưu hành phương tiện với nhiều lý do, trong đó có lý do hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, nhưng thực tế chứng minh nếu có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì tình hình ùn tắc, tai nạn sẽ giảm. (ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM)

Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn - Anh Vũ

>> Kiến nghị Chính phủ giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu
>> “Ngân hàng tự xử lý được nợ xấu”
>> Nợ xấu ngân hàng 202.000 tỉ đồng
>> Tìm lối ra cho kinh tế
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 3: Gấp rút khơi thông tín dụng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 5: Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 7: “Quả đấm thép” dân doanh
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 9: Chấm dứt lối kinh doanh thụ động
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 10: Xây dựng thương hiệu toàn cầu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 11: Chọn nông nghiệp là mũi nhọn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 12: Tái cơ cấu một cách đồng bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.