Quốc hội thảo luận về dự Luật bưu chính

11/11/2009 10:59 GMT+7

(TNO) Sáng nay 11.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự Luật bưu chính. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) QH làm rõ là quy định về doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ bưu chính công ích.

Theo Điều 32 của dự luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ định một DN bưu chính của nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Việt Trường (An Giang) đồng tình: “Chỉ định một DN nhà nước làm nhiệm vụ bưu chính công ích không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn liên quan tới việc đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho biết, ở các nước khác người ta cũng giao cho DN quốc gia làm dịch vụ bưu chính công ích. Mặt khác, theo ĐB Dũng, nếu phân cho nhiều DN làm dịch vụ bưu chính công ích thì chúng ta không đủ khả năng để tập trung điều kiện vào hiện đại hóa ngành bưu chính.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) tán đồng với việc giao cho một DN làm dịch vụ bưu chính công ích nhưng lại không đồng tình với Điều 33 của dự luật: DN làm bưu chính công ích xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phương án giá cước các dịch vụ bưu chính do Nhà nước quy định. Quy định như vậy “sẽ dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi”, ĐB Hòa nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) quả quyết: “Đây là điều vô lý, đây  là việc của cơ quan tài chính chứ không phải việc của DN, DN thì luôn luôn tìm cách có lợi cho mình”.

Cùng lúc, nhiều ĐB cho rằng, việc dự luật quy định giao cho một DN làm dịch vụ bưu chính công ích là không phù hợp với xu thế phát triển và tạo lập, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho biết: “Quy định như vậy là mâu thuẫn với quan điểm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không phù hợp với chống độc quyền”.

ĐB Nguyễn Thị Nga (Hải Dương) lên tiếng: “Tại sao lại là Thủ tướng Chính  phủ chỉ định một DN nhà nước, như vậy có còn cạnh tranh lành mạnh nữa hay không?".

ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) bày tỏ: “Độc quyền sẽ gây ra khó khăn cho đơn vị gửi, gửi qua bưu điện thì không rẻ bằng gửi cách khác như gửi qua xe khách chất lượng cao. Nếu các DN khác làm sẽ hiệu quả hơn DN nhà nước làm rất nhiều”. Nếu là lĩnh vực dịch vụ ít có lãi, không khuyến khích được các DN tham gia, ĐB Thời đề nghị, Nhà nước nên đưa ra các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Khi có chính sách ưu đãi rồi, thay vì chỉ định một DN làm bưu chính công ích, luật quy định các điều kiện để DN được hoạt động trong lĩnh vực này. Như vậy sẽ đảm bảo được tính cạnh tranh.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng (Hải Dương) và Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Minh Hồng (Hà Nam) cho biết, quy định về giải quyết khiếu nại trong dự luật chưa cụ thể. Khi xảy ra thất lạc, người sử dụng dịch vụ không biết cần phải làm các thủ tục gì. Theo ĐB Trần Thế Vượng, việc quy định DN được phép đưa ra các mức bồi thường khi xảy ra các sự cố do chính mình gây ra là hết sức vô lý.

Cùng với một số ĐB khác, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lên tiếng, dự luật yêu cầu người dân phải lắp đặt hòm thư báo tại nhà là không khả thi, chỉ có thuận lợi cho DN nhưng bất tiện cho người dân. 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.