Không lực Một thời công nghệ cao

22/10/2015 09:14 GMT+7

Chuyên cơ đời mới của tổng thống Mỹ, chiếc Không lực Một sẽ được trang bị lá chắn chống sức ép xung điện từ trong vụ nổ hạt nhân và chống tên lửa tầm nhiệt.

Chuyên cơ đời mới của tổng thống Mỹ, chiếc Không lực Một sẽ được trang bị lá chắn chống sức ép xung điện từ trong vụ nổ hạt nhân và chống tên lửa tầm nhiệt.

Chiếc Không lực Một đang được Tổng thống Barack Obama sử dụng - Ảnh: AFP
Chiếc Không lực Một đang được Tổng thống Barack Obama sử dụng - Ảnh: AFP
Điều mà các tổng thống Mỹ trong những nhiệm kỳ gần đây luyến tiếc nhất khi rời khỏi Nhà Trắng là gì? Theo Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, đó chính là chiếc chuyên cơ Không lực Một (Air Force One).
Biểu tượng già cỗi
Cái tên Không lực Một không phải để chỉ một máy bay duy nhất, mà trên thực tế, nó là tín hiệu liên lạc vô tuyến sử dụng cho bất kỳ máy bay nào chở tổng thống Mỹ. Hiện có hai chiếc 747-200, được không quân Mỹ gọi là VC-25A, tức phiên bản quân sự của Boeing 747.
Đây là phương tiện chuyên dụng của tổng thống Mỹ. Những chiếc 747-200, với mã đuôi 28000 và 29000, được đặt mua từ thời Tổng thống Ronald Reagan (1981 - 1990) và giao hàng vào năm 1990 dưới thời Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha), khi Liên Xô vẫn tồn tại trên bản đồ chính trị thế giới, và các cố vấn Nhà Trắng vẫn còn sử dụng những thiết bị nhắn tin cổ lỗ. Phát kiến lớn lao trong lĩnh vực viễn thông lúc đó chính là máy fax được nhân viên dưới quyền tổng thống sử dụng để giữ liên lạc với mặt đất.
Không ai có thể phủ nhận sự hầm hố của Không lực Một, nhưng cũng như các phương tiện giao thông khác, chiếc máy bay dù hiện đại cỡ mấy cũng đang “già” đi. Trên thực tế, Boeing đã ngưng sản xuất đời máy bay 747-200 cách đây hơn 2 thập niên, và chỉ còn 20 chiếc vẫn gồng mình chuyên chở hành khách, đa số là máy bay ở các nước đang phát triển.
Vào ngày 11.9.2001, do lo sợ bị trở thành mục tiêu, Không lực Một chở theo Tổng thống George W.Bush cứ bay từ căn cứ không quân này đến căn cứ không quân khác. Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng, tổng tư lệnh của Mỹ hết sức phiền lòng với tình trạng liên lạc chập chờn trên máy bay. Thế là toàn bộ thiết bị và hệ thống viễn thông của phi cơ được đổi mới toàn bộ.
Tuy nhiên, nhu cầu tậu máy bay đã trở nên cấp bách hơn trong thời buổi công nghệ ngày càng phát triển. “Nó đã bị trì hoãn quá lâu”, theo Joseph W.Hagin, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W.Bush, người đã lên kế hoạch tậu máy bay mới nhưng cuối cùng đành trơ mắt nhìn nó bị xếp xó do tình hình tài chính của Mỹ không ổn định. “Bạn có thể lắp động cơ mới cho nó, bổ sung tất tần tật các dạng công nghệ hiện đại, nhưng về mặt bản chất nó vẫn là một phi cơ già cỗi”, ông Hagin nhận xét về Không lực Một hiện tại.
3 tỉ USD và hơn nữa
Không lực Một “đương nhiệm” được ví von như một “Nhà Trắng bay” với tổng diện tích sử dụng 372 m2 cho cả 3 tầng, bao gồm phòng làm việc, phòng hội nghị, phòng ngủ, trạm xá có thể biến thành phòng phẫu thuật. Mặc dù vô cùng ấn tượng, nội thất của máy bay không hề hào nhoáng giống như tiêu chuẩn “nạm vàng bọc bạc” cho máy bay riêng của tỉ phú Donald Trump.
Do vậy, sau hơn 1 triệu dặm bay (1,6 triệu km), vị khách quan trọng nhất của máy bay đang lên kế hoạch để lại cho các thế hệ kế nhiệm một chiếc Không lực Một mới toanh, được nâng cấp để xứng với thời đại smartphone. Theo tờ The New York Times, Bộ Quốc phòng hy vọng sẽ ký kết một hợp đồng ban đầu với Hãng Boeing trong vài tuần nữa để khởi động quá trình dài hơi tiến tới lắp ráp một phi cơ mới dành cho tổng thống Mỹ.
Không lực Một đời mới tất nhiên phải có năng lực chuyên chở tổng tư lệnh quân đội đi khắp nơi trên thế giới và kiêm luôn vai trò căn cứ chỉ huy trên không của Mỹ trong thời chiến. Được xây dựng trên khung của Boeing 747-8, máy bay sẽ lớn hơn, mạnh mẽ hơn, đủ sức bay nhanh hơn, xa hơn và công nghệ hiện đại hơn nhiều so với phiên bản hiện tại.
Các thông số cơ bản của Boeing 747-8 bao gồm chiều dài 76 m, diện tích sử dụng 445 m2 và tầm bay 8.000 dặm. Một khi được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của tổng thống Mỹ, Không lực Một đời mới sẽ sở hữu năng lực tiếp liệu trên không, củng cố lá chắn xung điện từ trong trường hợp nổ hạt nhân, và chắc chắn sẽ được trang bị các hệ thống phòng thủ đánh rớt tên lửa tầm nhiệt.
Bản thân ông Obama sẽ không có cơ hội sử dụng chiếc máy bay đáng mơ ước này. Theo một số ước tính, Không lực Một mới sẽ không sẵn sàng sử dụng cho đến năm 2023. Và chi phí đổ vào việc tân trang Không lực Một không hề rẻ. Không quân Mỹ đã đề xuất 102 triệu USD cho năm tài chính sắp tới và thêm 3 tỉ USD trong 5 năm kế tiếp, chưa tính chi phí phát sinh hoặc bị trì hoãn.
Từ Bò thiêng đến Không lực Một
Đối với người Mỹ, Không lực Một không chỉ là một chiếc máy bay, mà nó chính là quyền lực, là nhân dạng quốc gia, hoặc thậm chí danh tiếng còn nổi hơn cả ngôi sao màn bạc.
Phi cơ khổng lồ hai màu trắng xanh với dòng chữ “United States of America” chạy dọc bên thân đã trở thành biểu tượng của nước Mỹ. Tổng thống thứ 32 Franklin D.Roosevelt (1933 - 1945) vào cuối nhiệm kỳ đã trở thành tổng tư lệnh quân đội đầu tiên của Mỹ sử dụng một phi cơ được thiết kế dành riêng cho chủ nhân Nhà Trắng, gọi là Sacred Cow (Bò thiêng).
Cái tên Không lực Một được sử dụng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống thứ 34 Dwight D.Eisenhower (1953 - 1961).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.