Nhật Bản cân nhắc tuần tra trên biển Đông

30/04/2015 07:55 GMT+7

Mỹ và Nhật Bản cùng chia sẻ mối lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên biển Đông và có thể tuần tra chung tại khu vực này.

Mỹ và Nhật Bản cùng chia sẻ mối lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên biển Đông và có thể tuần tra chung tại khu vực này.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật chia sẻ nhận thức chung về vấn đề biển Đông - Ảnh: AFP
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật chia sẻ nhận thức chung về vấn đề biển Đông - Ảnh: AFP
Ngày 29.4, Reuters dẫn nhiều nguồn tin cấp cao từ Mỹ và Nhật Bản cho hay Lực lượng Phòng vệ Nhật đang xem xét khả năng tham gia cùng Mỹ tuần tra trên không tại biển Đông. Khu vực này hiện là một điểm nóng quan ngại của nhiều bên trước những hành động của Trung Quốc, đặc biệt là việc cải tạo, bồi đắp phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Một quan chức giấu tên ở Tokyo cho Reuters hay việc triển khai máy bay tuần tra biển Đông đang được bàn thảo sôi nổi trong giới tướng lĩnh Nhật. “Chúng ta phải cho Trung Quốc thấy rằng họ không sở hữu vùng biển này”, nguồn tin nói.
Chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa ra, nhưng máy bay Nhật có thể xuất phát từ Okinawa, nằm kế cận biển Đông để tham gia các hoạt động tuần tra của lực lượng Mỹ. Nhật cũng có thể đề nghị Philippines cho phép máy bay quân sự tiếp cận các căn cứ của nước này, và những ý tưởng đầu tiên có thể sẽ được đặt ra khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino III vào tháng 6, theo Reuters.
Trước đó, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ Robert Thomas nhận định Washington sẽ hoan nghênh sự có mặt của Tokyo tại biển Đông để tạo thêm đối trọng trước sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Những thông tin trên được đưa ra trùng với thời điểm Thủ tướng Abe đang có chuyến thăm quan trọng đến Mỹ. Trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm qua, ông Abe cùng Tổng thống Barack Obama thể hiện sự lo ngại trước các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và đường phi pháp trên biển Đông. Reuters dẫn lời Thủ tướng Abe nói hai nước “đồng lòng cương quyết phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng sẵn có”, còn Tổng thống Obama cáo buộc Trung Quốc “sử dụng cơ bắp” để chèn ép các láng giềng trong vấn đề tranh chấp.
Nhân chuyến thăm, Mỹ và Nhật đã công bố Bản hướng dẫn về hợp tác quốc phòng song phương có sửa đổi theo hướng tăng cường phạm vi hoạt động chung lẫn sự linh hoạt của lực lượng hai nước, thay vì tập trung vào bảo vệ Nhật Bản và xử lý những vấn đề xung quanh nước này như văn kiện cũ. Bản hướng dẫn mới được xây dựng trên nền tảng Nhật Bản đang muốn có vai trò lớn hơn trong nỗ lực bảo đảm an ninh trong khu vực và quốc tế.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ còn tái khẳng định cam kết hỗ trợ bảo vệ mọi khu vực lãnh thổ do Nhật quản lý, bao gồm cả nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.
Ngày 29.4 (giờ địa phương), Thủ tướng Shinzo Abe trở thành lãnh đạo Nhật đầu tiên có bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng đang gặp sức ép từ nhiều phía trong vấn đề xin lỗi về các hành động trong quá khứ của Nhật Bản khi dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2 đang đến gần.
Trong mấy ngày qua tại Mỹ lẫn Hàn Quốc đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình của các phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép làm “gái mua vui” cho binh lính Nhật để yêu cầu ông Abe phải có lời xin lỗi rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.