Úc triển khai tàu sân bay đối phó Trung Quốc

28/11/2014 17:30 GMT+7

(TNO) Tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra được Úc chính thức đưa vào hoạt động ngày 28.11, gia nhập nhóm nước có tàu sân bay ở châu Á gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trực thăng MH60R 'Romeo' Seahawk bay ngang tàu sân bay trực thăng kiêm
tàu đổ bộ HMAS Canberra ở Sydney, Úc ngày 14.11 - Ảnh: Hải quân Úc

Buổi lễ chính thức triển khai hoạt động tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra, chiếc đầu tiên trong dự án đóng 2 chiếc (chiếc thứ nhì là HMAS Adelaide) tổ chức sáng 28.11 ở Sydney, với sự tham dự của Toàn quyền Úc và Thủ tướng Úc, theo trang tin Hải quân Úc.

Tàu sân bay trực thăng Canberra sẽ phục vụ cho các mục đích đổ bộ, chỉ huy tác chiến, cứu hộ thảm họa...

Báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 27.11 nhận định rằng châu Á đang gia tăng chạy đua lực lượng hải quân và không quân, dẫn đến nguy cơ xảy ra đối đầu xung đột.

Hầu hết sự chú ý đều dồn vào việc Trung Quốc triển khai tàu sân bay đầu tiên, chiếc Liêu Ninh cải tạo từ thân tàu sân bay Varyag mua của Ukraine cuối thế kỷ 20, dài 300 m, lượng giãn nước hơn 50.000 tấn.

 

Cuộc chạy đua tàu sân bay ở châu Á là do Trung Quốc khởi xướng, từ việc bố trí tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Bộ Quốc phòng TQ

Tàu này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển, cho máy bay cất và hạ cánh, nhưng chưa thực sự hoạt động đầy đủ và mới phải lên ụ bảo trì. Tuy vậy Liêu Ninh là biểu tượng sức mạnh hải quân Trung Quốc, cho thấy hải quân nước này từ nay trở thành lực lượng hải quân tác chiến ở tầm đại dương xa.

Với tàu sân bay, Trung Quốc có khả năng khống chế các tuyến đường biển sống còn như eo biển Malacca hay quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với sức mạnh vượt trội không nước nào đối phó được, trừ hải quân Mỹ.

Nhật Bản đã triển khai đối phó với mối đe dọa này từ năm 2013 với tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, mà Nhật gọi là tàu khu trục kiêm chở trực thăng. Tàu này nhỏ hơn tàu Liêu Ninh gấp 2 lần về lượng giãn nước (dài 250 m, lượng giãn nước khoảng 20.000 tấn, chở được 14 trực thăng), nhưng hai chiếc Izumo theo kế hoạch sẽ được cải biến để có thể bố trí các máy bay tiêm kích hiện đại F-35B.

 

Tàu sân bay trực thăng Izumo (JDS 183) của Nhật Bản, ảnh chụp tháng 8.2014
tại cảng Yokohama -Ảnh: defense-update.com

 

Điều này cho phép lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản có thể nhanh chóng triển khai máy bay khi xảy ra xung đột ở Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Thậm chí máy bay F-35 của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng có thể dù g tàu Izumo của Nhật để tham chiến khi xảy ra xung đột.

Nay đến lượt Úc triển khai tàu sân bay trực thăng Canberra kiêm tàu đổ bộ, là con tàu lớn nhất từ trước đến nay của hải quân Úc. Tàu có khả năng chở đến 1.000 lính, cùng 4 tàu đổ bộ, 110 xe chiến đấu, 12 xe tăng hạng nặng, và 18 trực thăng. Tàu có chiều dài 230 m, ngang rộng nhất 32 m, lượng giãn nước gần 30.000 tấn.

Do Úc là một trong các nước tham gia dự án phát triển tiêm kích tàng hình F-35 nên tàu sân bay trực thăng Canberra có thể bố trí loại máy bay này, do phần mũi tàu có hếch lên cho máy bay chiến đấu cất cánh (hãng Navantia, Tây Ban Nha thiết kế phần này).

 Mũi tàu Canberra hếch lên (do Tây Ban Nha thiết kế phần này) để cho tiêm kích như F-35B có thể cất cánh - Ảnh: Hải quân Úc

Như vậy Canberra và Izumo đều là tàu sân bay gần như đích thực (thay vì chỉ thuần chở trực thăng) và là đối thủ đáng gờm với tàu Liêu Ninh, chưa kể Izumo và Canberra đều là tàu mới so với Liêu Ninh là tàu tân trang từ vỏ tàu cũ hàng chục năm.

Cuộc chạy đua tàu sân bay này ở châu Á - Thái Bình Dương bắt nguồn từ sự gia tăng hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc.

Bắc Kinh có kế hoạch đóng 3 tàu sân bay, để triển khai máy bay J-15 chế tạo từ mẫu Su-33 của Nga. Loại tiêm kích tàng hình J-31 cũng đang được nghiên cứu phát triển. Khi các máy bay này được triển khai rầm rộ sẽ đặt tàu chiến và máy bay Mỹ ở châu Á vào tình thế thách thức lớn sau hàng chục năm thống trị ở khu vực.

Không chỉ Mỹ và Trung Quốc đua tăng sức mạnh, mà các nước khác ở châu Á cũng tự nâng cấp lực lượng để đối phó sự trỗi dậy quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc.

Sơ đồ cấu tạo của tàu chở trực thăng kiêm đổ bộ HMAS Canberra, Úc
- Nguồn: Hải quân Úc

 

 

Nhật Bản quyết định nâng cấp lực lượng quân sự qua việc tăng chi tiêu quốc phòng, mua sắm các khí tài hiện đại như máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, trực thăng vận tải V-22 Osprey, máy bay giám sát và chỉ huy E-2D Advanced Hawkeye.

Úc đang hợp tác với Nhật đóng các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật thay thế lớp tàu Collins đã cũ. Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Indonesia cũng quyết định đặt Hàn Quốc đóng tàu ngầm. Còn Nhật Bản cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines.

Theo WSJ, những diễn tiến này có thể khiến Trung Quốc phải tạm dừng thúc đẩy việc gia tăng đòi hỏi yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều này cũng khiến người ta cảm thấy sẽ có ít mối đe dọa hơn từ lực lượng quân sự trong khu vực, nhưng tính toán này sẽ thay đổi khi những hệ thống vũ khí tiên tiến hơn sẽ xuất hiện khắp châu Á.

Với những căng thẳng trên Biển Đông và ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự phát triển của việc hiện đại hóa quân sự trong khu vực có thể dẫn đến các cuộc đối đầu trực tiếp, và đó sẽ là thảm họa tiềm tàng.

 

Tàu HMAS Canberra trong một cuộc chạy thử trên biển tháng 3.2014 - Ảnh: Hải quân Úc

 

 

Tuy nhiên nếu nhìn nhận sự việc lạc quan hơn, thì việc cải thiện khả năng phòng thủ sẽ cho phép các nước châu Á cảm thấy tự tin hơn trong việc làm chệch hướng tham vọng của Trung Quốc. Tương tự, người ta hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ nhìn thấy việc gia tăng vũ trang của các nước như là cái giá phải trả tiềm năng và đang gia tăng, để xem xét lại và quyết định thay đổi hành động của họ.

Điều này có thể tạo cơ hội để ngành ngoại giao và chính trị đóng vai trò thích hợp. Các đàm phán về tranh chấp lãnh thổ sẽ là sự lựa chọn hợp lý, thay cho cuộc đối đầu nguy hiểm.

Nền ngoại giao ở châu Á hiện nay là không đủ mạnh. Tuy nhiên, khi các điều kiện ở các vùng biển và bầu trời trong khu vực thay đổi thì có thể tạo ra lực đẩy. Từ việc đạt được Quy tắc ứng xử trên biển (CoC) đến các cuộc đàm phán có ý nghĩa về tranh chấp lãnh thổ trên biển, hòa bình có thể phát triển mạnh nhờ vào cái bóng của chiến tranh.

Anh Sơn

>> Chiến hạm thay đổi sức mạnh hải quân Úc
>> Hải quân Úc và đội tàu hộ tống chủ lực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.