Vũ khí giả chiến thuật thật

05/07/2011 14:10 GMT+7

(TNTS) Trong vài năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đặt mua một số vũ khí, khí tài được làm giả như xe tăng, máy bay, tên lửa nhằm phục vụ cho các yêu cầu quốc phòng. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này vẫn còn những ý kiến trái chiều.

Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng Nga, các mô hình vũ khí, khí tài làm bằng cao su, nhựa tổng hợp nhằm mục đích đánh lừa đối phương. Bằng các loại vũ khí này có thể xây dựng các căn cứ quân sự giả như bến cảng, sân bay, khu vực quân sự. Hay ngay cả tại các căn cứ quân sự thật vẫn có thể bố trí vũ khí giả nhằm thu hút sự chú ý của đối phương, trong khi đó vũ khí thật có thể ẩn giấu tại một địa điểm khác gần đó. Chẳng hạn, tại sân bay khá dễ dàng đặt một số máy bay giả mà đối phương không thể phát hiện chúng là "đồ bỏ đi".

Vũ khí giả chiến thuật thật 1
Xe tăng giả

Một số nhà thiết kế các loại vũ khí giả khẳng định, chúng có thể đánh lừa được đối phương, bởi đối với những phương tiện dò tìm như sóng radar, tia hồng ngoại… chúng vẫn có các chỉ số giống như vũ khí thật. Tuy vậy, các loại vũ khí giả có sự khác biệt lớn là chúng được làm từ cao su, nhựa tổng hợp chứ không phải bằng kim loại. Với các phương tiện dò tìm hiện đại thì khá dễ dàng để phân biệt các loại vật liệu này. Còn nếu muốn trang bị và làm cho vũ khí giả có các chỉ số giống như vũ khí thật là điều có thể, nhưng khá phức tạp và có giá thành cao.

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định, hằng năm sẽ đặt mua gần 100 mô hình vũ khí, khí tài giả với số lượng là 800 đơn vị. Mô hình xe tăng có giá 450 nghìn rúp (tương đương 15 nghìn USD/chiếc), còn máy bay là 1,2 triệu rúp (30 nghìn USD). Đây là giá quá "bèo", nếu so với các vũ khí thật cùng loại.

Về lý thuyết, vũ khí giả có thể đánh lừa được các phương tiện dò tìm, nhưng một số chuyên gia quân sự lại khuyến cáo cần chú ý đến cả phương diện tình báo mà bất cứ quân đội nào cũng phải có. Ví dụ, nếu phải di chuyển một trung đoàn tăng từ điểm A đến điểm B với khoảng cách 500 km thì sẽ như thế nào? Trong trường hợp cụ thể này, có 4 cách: vận chuyển tăng bằng đường sắt, bằng đường thủy, đường hàng không hay trung đoàn tăng tự di chuyển.

 Vũ khí giả chiến thuật thật 2
Hệ thống tên lửa chiến lược giả

Nếu chọn phương án vận chuyển bằng đường sắt thì khá phức tạp. Vì nó đòi hỏi một số lượng lớn người phục vụ. Hơn thế, không loại trừ đối phương sẽ có tay trong tại các cơ quan đầu não quân sự của kẻ thù. Hoặc có sẵn các điệp viên nằm vùng trong dân thường. Vì thế, việc di chuyển hay xuất hiện nhiều xe tăng ở một địa điểm mới, hẳn sẽ khiến đối phương phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: Số lượng tăng, nhiệm vụ, đến từ đâu…?  Đó là chưa kể khi vận tải bằng đường sắt, toàn bộ bệ pháo của xe tăng phải quay về phía sau (180 độ), còn nòng pháo phải được chằng bằng dây cáp. Điều này đồng nghĩa với việc xe tăng giả phải được thiết kế để bệ pháo có thể quay như thật.

Vận chuyển tăng giả bằng đường hàng không cũng không đơn giản chút nào. Bởi đòi hỏi phải có một số máy bay vận tải thay phiên nhau liên tục đảm nhiệm nhiệm vụ này. Với một trung đoàn tăng (ít nhất là 30 chiếc) thì chi phí cho vận tải bằng máy bay sẽ rất tốn kém. Hơn thế, hiện nay Nga không có nhiều sân bay có khả năng tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn. Ngay cả trong trường hợp có đủ sân bay để tác chiến thì đối phương vẫn có thể dùng vệ tinh vũ trụ, máy bay không người lái… để trinh sát, nắm bắt tình hình. Còn nếu tự di chuyển đến địa điểm khác, ngoài dùng các xe vận tải tải trọng lớn vẫn phải có xe tăng thật đi kèm. Phương án này cũng tốn kém và có sự phức tạp của nó. Tựu trung chỉ riêng vấn đề di chuyển vũ khí, khí tài giả, còn khá nhiều câu hỏi cần phải có lời giải.

Vũ khí giả chiến thuật thật 3 
Một mô hình giả chiếc Mig

Trong trường hợp nếu có chiến tranh thật, việc sử dụng vũ khí, khí tài giả lại đặt ra nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, đối phương là ai? Phạm vi của cuộc chiến sẽ ra sao? Sử dụng vũ khí giả trong tình huống nào? Chẳng hạn tại chiến trường Afghanistan - một đất nước nghèo, tiềm lực quân sự yếu thì liệu có cần sử dụng vũ khí, khí tài giả hay không? Nhưng nếu đó là một quốc gia khá hùng cường, chẳng hạn là thành viên của khối NATO thì sẽ ra sao?

Không ít chuyên gia quân sự cho rằng, nếu sử dụng vũ khí, khí tài giả, chỉ có thể là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Bởi lâu dài, bằng cách này hay cách khác, đối phương sẽ phát hiện được "chiêu lừa" này. Cần nhớ, các kỹ sư của Đức chỉ mất 20 ngày để tìm cách phát hiện các tín hiệu từ máy bay thật khác với tín hiệu từ "đám mây gây nhiễu". Điều tương tự cũng được ứng dụng với cách đo "thân nhiệt" của máy bay. Mọi vấn đề luôn có hai mặt của nó, rất khó để mà che đậy.

Còn một vấn đề khác cần lưu ý là thời tiết và khí hậu. Tại một quốc gia như Nga, khi khoảng cách nhiệt độ trong năm có sự chênh lệch khá cao (từ -50oC đến 45oC), thì quả là vấn đề đáng đặt ra với vũ khí, khí tài giả. Các chất liệu để sản xuất vũ khí giả cần phải đảm bảo tính bền vững cao trong điều kiện thời tiết ngặt nghèo như thế. Mỗi một loại vũ khí giả đòi hỏi có niên hạn sử dụng ít nhất là 25 năm (tương đương với một thế hệ vũ khí). Ngoài ra còn phải tính đến 2 màu sắc là xanh và trắng bởi mùa đông ở Nga kéo dài đến 4 - 5 tháng. Đó là chưa kể đến đặc thù vùng miền khi có nơi quanh năm tuyết phủ… Điều này khiến chi phí sản xuất vũ khí, khí tài giả tăng thêm.

Các chuyên gia quân sự còn đặt câu hỏi: Trong thời bình như hiện nay, việc đặt và bỏ ra một số tiền đáng kể để mua 800 đơn vị vũ khí, khí tài giả như Bộ quốc phòng Nga liệu có cần thiết và hợp lý. Bởi nếu trong tình huống có chiến tranh thật thì việc sản xuất chúng không phải là quá khó khăn. Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất - năm 1941, Liên Xô khi đó vẫn có thể sản xuất hàng loạt các loại vũ khí thật để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Hơn thế, trong chiến tranh, giải quyết chiến trường giành thắng lợi là số lượng người thật và số lượng vũ khí thật. Vậy vũ khí, khí tài giả có thật sự cần thiết hay không?

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.