Vũ khí Mỹ trong chiến tranh VN: Từ UAV đến B-52

30/04/2014 09:00 GMT+7

Với tham vọng giành ưu thế nhờ vào vũ khí tối tân trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã triển khai hầu hết các thành tựu quân sự hiện đại nhất nhưng kết quả sau cùng, vẫn không thể chiến thắng.

Theo thống kê của tạp chí Air Force dựa trên số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, trong chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ tiến hành tổng cộng hơn 5,2 triệu lần xuất kích hoạt động ở khu vực Đông Dương. Trong khi đó, con số này trong Thế chiến 2 chưa đến 2,4 triệu lần.

 
Không quân Mỹ phân bổ tại Đông Nam Á trong chiến tranh Việt Nam - Đồ họa: Sơn Duân/Air Force

3.435 phi vụ UAV

Hồi thập niên 1960, Lầu Năm Góc từ sớm đã triển khai máy bay không người lái (UAV) đến tham gia chiến tranh Việt Nam. Theo một tài liệu nghiên cứu về UAV được đăng tải trên trang mạng của Lầu Năm Góc, suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã điều động loại Ryan Lightning Bug thực hiện khoảng 3.435 phi vụ. Cụ thể hơn, hầu hết các phi vụ được tiến hành bởi dòng UAV  Ryan Lightning Bug. Theo cuốn sách Unmanned Aviation: A Brief History of Unmanned Aerial Vehicles của chuyên gia Laurence R.Newcome, Lầu Năm Góc lần đầu triển khai dòng UAV này do thám miền Bắc Việt Nam vào ngày 20.8.1964 và nối tiếp hoạt động mãi đến tháng  6.1975. Khi đó, Ryan Lightning Bug được trang bị camera và máy chụp hình để ghi lại hình ảnh, rải truyền đơn, hệ thống điện tử nhận diện tên lửa đất đối không, định vị…

 

Ryan Firebee

Vào thập niên 1950, Lầu Năm Góc đạt bước ngoặt quan trọng về phát triển UAV khi chính thức thử nghiệm Ryan Firebee có trần bay lên đến 18 km. Ryan Firebee được phát triển dựa trên hợp đồng giữa Lầu Năm Góc với Công ty hàng không Ryan. Ryan Firebee có nhiều phiên bản khác nhau, trong đó phiên bản tiêu chuẩn có chiều dài khoảng 7 m, sải cánh 3,9 m, trần bay 18 km, tốc độ tối đa khoảng 1.100 km/giờ, đủ sức hoạt động liên tục trong 75 phút.

Từ năm 1964 - 1975, Lầu Năm Góc đồn trú Ryan Lightning Bug tại căn cứ không quân ở Biên Hòa (Việt Nam) và U-Tapao (Thái Lan) để tiến hành do thám miền Bắc Việt Nam và cả Trung Quốc, Lào cùng Campuchia. Ryan Lightning Bug được máy bay quân sự C-130 đưa đến khu vực gần nhất có thể rồi tách ra khỏi “phi cơ mẹ” để bắt đầu sứ mệnh do thám. Gần như toàn bộ hoạt động điều khiển được thực hiện thông qua sóng radio. Đây là một biến thể của dòng Ryan Firebee, vốn đóng vai trò nền tảng đối với ngành UAV quân sự Mỹ.

Thần sấm, con ma

Nếu UAV chỉ đóng vai trò do thám thì các loại chiến đấu cơ chủ lực tầm xa được Mỹ ưu tiên sử dụng trong cuộc chiến phải kể đến 2 loại: F-105 Thunderchief còn được người dân Việt Nam gọi là “Thần Sấm”, F-4 Phantom có tên Việt hóa là “Con Ma”.

Theo cuốn F-105 Thunderchief  Units of the Vietnam War của chuyên gia Peter Davies và  tài liệu do không quân Mỹ lưu trữ, sau sự kiện vịnh Bắc bộ xảy ra vào đầu tháng 8.1964, Lầu Năm Góc bắt đầu điều động “Thần Sấm” từ căn cứ Yokota ở Nhật Bản về đồn trú tại căn cứ không quân Korat (Thái Lan). Sau đó, F-105 Thunderchief dần trở thành vũ khí quan trọng mà Washington dùng để không kích miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) hồi tháng 4.1965, “Thần Sấm” đóng vai trò tiên phong của lực lượng Mỹ. Kể từ năm 1964 - 1969, hàng trăm chiếc F-105 Thunderchief được điều động đánh phá miền Bắc Việt Nam với tổng số lần xuất kích được cho là khoảng 20.000 lần. Tuy nhiên, “Thần Sấm” cũng chịu thiệt hại nặng nề trong chiến tranh Việt Nam. Một số tài liệu nghiên cứu dẫn số liệu thống kê cho hay 393 chiếc F-105 Thunderchief đã “thiệt mạng” tại Đông Nam Á, phần lớn do bị bắn hạ trong chiến tranh Việt Nam.

Trong khi đó, theo tạp chí Air Force và một số tài liệu lịch sử của quân đội Mỹ, từ năm 1966, “Con Ma” luôn đóng vai trò quan trọng đối với Lầu Năm Góc tại chiến trường Việt Nam. Cụ thể, Mỹ thường xuyên đồn trú trên dưới 200 chiếc, thậm chí có lúc lên đến 355 chiếc F-4 Phantom ở Thái Lan và miền Nam Việt Nam để thực hiện các vụ đánh phá trên khắp Đông Dương. Sở dĩ “Con Ma” đóng giữ vai trò quan trọng đối với không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam vì dòng chiến đấu cơ này được đánh giá tối tân hàng đầu thế giới trong thập niên 1960 và đầu những năm 1970. Đây là loại chiến đấu cơ đa nhiệm có khả năng tấn công linh hoạt. Ngoài ra, F-4 Phantom còn có thể hoạt động trên tàu sân bay nên được Lầu Năm Góc tận dụng để đánh phá miền Bắc nước ta.


(*): Chỉ đánh phá trong tháng 1.1973
USAF: Không quân Mỹ; USN: Hải quân Mỹ; USMC: Thủy quân lục chiến Mỹ; VNAF: Không quân Việt Nam Cộng hòa; B-52: Máy bay ném bom B-52

Pháo đài bay sụp đổ

Cùng với F-4 Phantom và F-105 Thunderchief, oanh tạc cơ hạng nặng B-52 Stratofortress mang biệt danh “Pháo đài bay” cũng là dòng máy bay chiến đấu từng hoạt động rầm rộ trong chiến tranh Việt Nam. Theo cuốn sách B-52 Stratofortress Units in Combat 1955-73 của chuyên gia Jon Lake, vào tháng 2.1965, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai oanh tạc cơ B-52 đến căn cứ quân sự Anderson ở Guam thuộc Thái Bình Dương. Trước đó, một cơ số đáng kể máy bay tiếp nhiên liệu trên không cũng được điều động tới căn cứ Kadena ở Nhật Bản để chuẩn bị cho B-52 tham chiến. Chẳng bao lâu sau đó, “Pháo đài bay” bắt đầu tham gia các chiến dịch đánh phá, đặc biệt trong chiến dịch Sấm Rền kéo dài từ tháng 3.1965 - 11.1968 đánh phá cơ sở hạ tầng miền Bắc nước ta. Nhằm leo thang chiến tranh, B-52 dần được đưa về đồn trú ở Thái Lan.

 
(*) Tổng số: bao gồm nhiều loại khác nhau
(Nguồn: Tạp chí Air Force)

Đến tháng 12.1972, “Pháo đài bay” được Mỹ dùng làm vũ khí chiến lược để đánh phá miền Bắc nước ta với hy vọng sẽ giành ưu thế chính trị. Trong chiến dịch này, kéo dài 12 ngày từ 18 - 29.12.1972, B-52 đã tiến hành hơn 700 lượt xuất kích đánh phá. Thế nhưng, Lầu Năm Góc đã đại bại khi lực lượng phòng không và không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh trả quyết liệt. Đây còn được biết đến với tên gọi Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

 

F-105 Thunderchief: tốc độ tối đa khoảng 2.200 km/giờ, tốc độ hành trình khoảng 1.200 km/giờ, tầm bay hơn 3.500 km, trần bay khoảng 14,8 km, trang bị 1 pháo 20 mm cùng 5 gá treo vũ khí có thể mang theo bom và tên lửa.


Chiến đấu cơ F-105 Thunderchief - Ảnh: AF.mil

F-4 Phantom: tốc độ tối đa khoảng 2.300 km/giờ, tốc độ hành trình khoảng 940 km/giờ, bán kính chiến đấu 680 km, tầm bay 2.600 km, trần bay khoảng 18,3 km, trang bị 1 pháo 20 mm và có thể mang theo bom dẫn đường bằng laser, bom nguyên tử, cùng nhiều loại tên lửa đối đất, chống tàu chiến...


Chiến đấu cơ F-4 Phantom - Ảnh: AF.mil

B-52 Stratofortress: tốc độ tối đa khoảng 1.000 km/giờ, tốc độ hành trình khoảng 844 km/giờ, bán kính chiến đấu 7.210 km, tầm bay 16.200 km, trần bay khoảng 15 km, trang bị 1 pháo 20 mm và có thể mang 31 tấn bom cùng tên lửa các loại.


Oanh tạc cơ B-52 - Ảnh: AF.mil

Ngô Minh Trí

>> Kẻ giả mạo cựu binh chiến tranh Việt Nam ở Úc lãnh án
>> Trao đổi tư liệu về chiến tranh Việt Nam
>> Cựu nghị sĩ chống chiến tranh Việt Nam qua đời
>> Con đường cho truyện tranh Việt Nam
>> Tổng thống Obama “không quên chiến tranh Việt Nam”
>> Phóng viên ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam qua đời
>> Họa sĩ Thái Lan giới thiệu tranh Việt Nam
>> Phóng viên nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.