Quyết định kỳ lạ của TAND TP.HCM

12/01/2015 08:54 GMT+7

Viện KSND tối cao đã phải ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Tòa kinh tế TAND tối cao hủy bỏ quyết định giám đốc thẩm kỳ lạ của TAND TP.HCM, để giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND Q.3.

Viện KSND tối cao đã phải ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Tòa kinh tế TAND tối cao hủy bỏ quyết định giám đốc thẩm kỳ lạ của TAND TP.HCM, để giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND Q.3.

 
Hàng chục công ty và cá nhân liên quan đến tòa nhà này đang vướng vào vòng tố tụng kéo dài, trong đó có trách nhiệm của TAND TP.HCM
Hàng chục công ty và cá nhân liên quan đến tòa nhà này đang vướng vào vòng tố tụng kéo dài, trong đó có trách nhiệm của TAND TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mọi chuyện bắt đầu ở tòa nhà Master Building tại 41- 43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3. Hàng chục doanh nghiệp bị cuốn vào vòng tố tụng kéo dài khi Công ty Hợp Nhất (bên thuê toàn bộ tòa nhà) vi phạm hợp đồng và bị Công ty Kim Long (chủ tòa nhà) khởi kiện. TAND Q.3 thụ lý vụ án này và phải trầy trật giải quyết, nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, bản án đã có hiệu lực thi hành thì bị TAND TP.HCM kháng nghị và sau đó giám đốc thẩm hủy bỏ một cách bất thường.
Bắt 6 lỗi hình thức đều trật
Khi các công ty khiếu nại quyết định giám đốc thẩm của TAND TP.HCM, Viện KSND tối cao nghiên cứu hồ sơ vụ án này và thấy bản án sơ thẩm ngày 20.1.2012 của TAND Q.3 là “có căn cứ và đúng pháp luật”.
Trong khi đó, TAND TP.HCM nêu 6 vi phạm để lấy làm căn cứ kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm hủy án thì cả 6 đều sai. Chẳng hạn: cho rằng cấp sơ thẩm bỏ sót, không đưa 3 công ty vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm. Thế nhưng căn cứ này không đúng sự thật. 3 công ty được dẫn đều không thuê mặt bằng ở tòa nhà Master Building. Tình tiết này cũng đã được công an phường, Sở KH-ĐT TP.HCM và Phòng Kinh tế Q.3 xác minh.
Đặc biệt, TAND TP.HCM cho rằng “án sơ thẩm buộc các người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải trả lại mặt bằng nhưng không quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và không xem xét giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng”.
Thế nhưng đối chiếu lại thì thấy, án sơ thẩm đã quyết định: chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng thuê, cho thuê được ký kết ngày 5.12.2007 giữa Công ty Kim Long với Công ty Hợp Nhất; buộc Công ty Hợp Nhất cùng các cá nhân liên quan phải trả nhà cho Công ty Kim Long đồng thời buộc Công ty Hợp Nhất phải trả số tiền thuê nhà còn thiếu là có căn cứ. Bởi lẽ, hợp đồng ký kết giữa 2 công ty, các cá nhân liên quan ký hợp đồng với Công ty Hợp Nhất thì công ty này phải chịu trách nhiệm. Khi bàn giao nhà phải có trách nhiệm kiểm tra và giải quyết nội dung các bên đã ký. Còn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Công ty Kim Long chấp nhận cho tiếp tục thuê theo hợp đồng đã ký kết giữa họ với Công ty Hợp Nhất nên không thể lấy đó làm căn cứ kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.
Ngay cả khi bắt đến những lỗi nhỏ nhất như “thời hạn niêm yết giấy triệu tập bị đơn tham gia phiên tòa sơ thẩm thiếu 1 ngày” thì Viện KSND tối cao cũng đã chứng minh là TAND TP.HCM “bắt trật”.
Bắt “lỗi đường lối” cũng sai
TAND TP.HCM cho rằng, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên “buộc Công ty Hợp Nhất và các công ty, cá nhân (bao gồm 23 công ty và cá nhân) phải có trách nhiệm giao trả lại toàn bộ diện tích đã thuê và các tài sản, thiết bị gắn kèm tòa nhà theo đúng phần diện tích và tài sản mà Công ty Kim Long đã bàn giao Công ty Hợp Nhất theo biên bản bàn giao mặt bằng tòa nhà Master Building ngày 3.4.2009” là không đúng vì những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không nhận quản lý, sử dụng các tài sản của tòa nhà theo biên bản bàn giao giữa Công ty Kim Long và Công ty Hợp Nhất. Do đó họ không phải trả những tài sản này.
Tuy nhiên, kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao nhấn mạnh: bản án sơ thẩm buộc Công ty Hợp Nhất và các công ty, cá nhân phải bàn giao lại những tài sản theo biên bản bàn giao ngày 3.4.2009 là đúng vì những cá nhân và các công ty tuy không thuê nhà của Công ty Kim Long, nhưng đang sử dụng diện tích mình thuê của Công ty Hợp Nhất, nếu có tài sản thì phải bàn giao lại để Công ty Hợp Nhất trả lại cho Công ty Kim Long. “Tòa sơ thẩm tuyên như vậy là có căn cứ đúng pháp luật”.
Đặc biệt khi đánh giá về đường lối xử lý, Viện KSND tối cao còn chỉ rõ bản án sơ thẩm của TAND Q.3 không hề “vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối” như nhận xét của TAND TP.HCM.
13 lần hoãn phiên tòa
Vụ án được thụ lý từ ngày 8.12.2009 đến ngày 17.1.2012 mới xét xử (kéo dài trên 2 năm), TAND Q.3 đã 14 lần ra quyết định triệu tập xét xử, 13 lần phải hoãn phiên tòa. “Như vậy không có căn cứ cho rằng TAND Q.3 niêm yết và triệu tập bị đơn không đúng quy định. Hơn nữa, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan một số vắng mặt nhưng đều có người đại diện tham gia hoặc văn bản báo cáo cho tòa”, kháng nghị của Viện KSND tối cao phân tích.
Trong khi TAND TP.HCM bắt lỗi TAND Q.3 “giải quyết không đầy đủ yêu cầu phản tố của bị đơn” thì trên thực tế, vấn đề này các bên đã tự thỏa thuận giải quyết. Công ty Hợp Nhất (bị đơn) cũng đã tự rút đơn kháng cáo và bản án sơ thẩm đã phát sinh hiệu lực thi hành.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.