Rất cần thay đổi cách ăn uống và giao tiếp

01/05/2020 05:57 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng bản thân mỗi người cần phải thay đổi thói quen trong ăn uống để văn minh hơn, phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng ngày nay.

Nhiều bạn đọc bày tỏ đồng ý với bài viết Cần nhìn lại về cách ăn uống và giao tiếp (Thanh Niên ngày 30.4.2020), cho rằng bản thân mỗi người cần phải thay đổi thói quen để văn minh hơn, phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng ngày nay.
Trong bài viết trên, lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM) nêu theo tập quán của người Việt, khi dọn bữa cơm thì đem tất cả các món ăn lên mâm cùng một lúc. Mỗi người được dọn chén đũa riêng, nhưng khi ăn thì cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm, dùng chung một chén nước chấm. Cách ăn uống theo thói quen này đã biểu lộ một số điều ngày nay chúng ta thấy không còn phù hợp với các tiêu chí vệ sinh an toàn cho sức khỏe của từng cá nhân và cả cộng đồng.
Lương y Đinh Công Bảy cho rằng: Có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi, không chỉ để thể hiện lối sống văn minh mà còn giúp phòng ngừa, làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm một số bệnh thuộc hệ tiêu hóa, hệ hô hấp (các bệnh lây nhiễm vi rút, vi khuẩn)...

Những nồi lẩu, chén nước chấm thấy sợ

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự tán đồng đối với bài viết. BĐ Viet Bui kể: “Đi ăn đám cưới, ngại nhất màn ăn lẩu. Nhiều người dùng đũa mình đã ăn quậy vào nồi lẩu, xong rồi đưa đầu đũa lên mút, rồi lại lấy đũa đó quậy vào nồi lẩu tiếp” và kết: “Biếu luôn nồi lẩu”. Tương tự, BĐ Cong Thanh viết: “Lần đầu đi nhậu với mấy bạn, thấy một anh nhúng đũa của mình quậy cái nồi lẩu, tìm cho được miếng thịt ngon, sau đó cho thẳng vào miệng. Rồi lại nhúng đũa quậy tiếp nồi lẩu... mình sợ quá, không dám đụng đến món lẩu luôn”. Còn BĐ Ninhdn kể chuyện chén nước chấm và nhận xét: “Quá đúng. Một chén nước chấm mà cả bàn dùng”.

Muốn có những thói quen này, phải dạy con từ nhỏ, từ những bữa ăn chung đầu tiên. Có như vậy trẻ lớn lên mới cư xử đúng trong ăn uống và giao tiếp được.

Đình Chiến

Cũng nói về vệ sinh trong ăn uống, BĐ Quang Thắng 70 NS nhận xét: “Trước hết cần kiểm tra các quán ăn và các gánh hàng rong. Nhiều nơi họ rửa đũa chén mới khủng khiếp làm sao, bạn cứ để ý thử xem, xong chắc không bao giờ dám đến đó ăn nữa. Với quán ăn, nồi nước sôi phải có riêng để nhúng chén đũa muỗng là tốt nhất, sau đó hong, phơi khô... Kiểu rửa chén 3 - 4 thau nước ở các quán không bao giờ sạch được. Chỉ có rửa trên vòi nước chảy (như bác sĩ rửa tay trước khi mổ) mới hoàn hảo được”.

Thay đổi cho mình và cộng đồng

“Đọc xong mới thấy mình ăn uống và giao tiếp còn "vô tư" quá. Giờ phải làm lại từ đầu”, BĐ Quỳnh Hà “thú nhận”. Cùng ý kiến, BĐ Hoàng Triều Dân viết: “Bài viết rất thực tế và khoa học, nhưng thay đổi thói quen rất khó. Chẳng hạn thói quen gắp thức ăn bỏ vào chén người khác khi tiệc tùng, uống chung ly rượu bia, chấm chung chén nước chấm...”. BĐ khoathudo cho rằng: “Thói quen ăn cùng một tô canh, chấm cùng một đĩa nước chấm các loại, hoặc đĩa đồ ăn mọi người cùng gắp đũa chung… nay không phù hợp. Nay thời dịch bệnh lây lan, mong mọi người tự vệ sinh cho cá nhân mình, cũng như vệ sinh trong gia đình và luôn cho cộng đồng”.

Đọc chỗ “Một vài gợi ý để thay đổi thói quen” cứ tưởng là một vài cái, ai ngờ quá nhiều thói quen phải thay đổi. Hic, đọc xong đâm ra sợ đi ăn với nhiều người, một phần vì mình cẩu thả quen rồi, mà người khác cũng
y như mình.   

 Nhật

Nhiều BĐ nhìn nhận thay đổi một thói quen là rất khó, nhất là thói quen về ăn uống, vì trong ăn uống, người ta dễ bỏ qua những... phiền phức. Tuy nhiên, như BĐ Giao Nguyen viết: “Không có gì không làm được. Vì sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng, khó mấy cũng phải làm”. Trong khi đó, BĐ Cuong Snc khẳng định: “Không quá khó để mọi người thực hiện trong điều kiện gia đình, cũng như lưu ý khi tham gia ăn uống đông người”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.