Rước họa vì ăn thịt “lạ”: Tử thần cá nóc, ốc biển

01/03/2020 12:58 GMT+7

Ở nhiều vùng ven biển, ngư dân vẫn có thói quen ăn cá nóc, ốc 'lạ'. Hậu quả, nhiều người tử vong hoặc chịu nhiều di chứng nặng nề, suy kiệt sức khỏe .

Chết vì cá nóc

Ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã xã Bình Thuận, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, liên quan đến 6 trường hợp trên địa bàn ăn cá nóc bị ngộ độc, thì có một trường hợp nặng nhất đã tử vong do bị độc phá hủy toàn bộ nội tạng. Đó là ông Đ.T.H (48 tuổi), ngụ thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận. Mặc dù ông H. đã được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam nhưng vẫn không qua khỏi. Bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, cho biết trường hợp ông H., bệnh viện 2 lần dùng thuốc vận mạch để tiêm nhưng không tiến triển tốt, do ông H. bị suy hô hấp, choáng tim, tụt huyết áp và suy nội tạng rất nặng.
Vụ ngộ độc cá nóc này xảy ra vào tối 25.12.2019 khi ông Đ.T.H đi biển về, có mang theo một số cá nóc mú về tại nhà và làm thịt cá để ăn, có 6 người cùng ăn. Sau bữa ăn, cả 6 người đều có biểu hiện bị ngộ độc cá nóc nên được đưa ra Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam cấp cứu. 5 người kia được cấp cứu kịp thời, riêng ông H. tử vong do ngộ độc quá nặng.

Ăn ốc “lạ” cũng tử vong

Tại các tỉnh, thành ven biển miền Trung, các loại ốc biển là món ăn yêu thích của nhiều người dân và du khách. Tuy nhiên, có vài loại ốc biển có thể gây ra ngộ độc dẫn đến tử vong. Ngày 9.1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã cấp cứu 7 ngư dân bị ngộ độc khi ăn ốc “lạ”. Các ngư dân này đi trên tàu cá QBg 91151... của thuyền trưởng kiêm chủ tàu P.A.H (ngụ xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), trên tàu có tổng cộng 8 người. Tối 7.1, trong lúc đánh bắt gần bờ biển tỉnh Quảng Ngãi, các ngư dân đã bắt được một mẻ ốc lạ nên đã luộc ăn. Sau khi ăn ốc, cả 8 ngư dân cùng bị ngộ độc. Trong đó, ngư dân H.V.L (21 tuổi, ngụ TP.Đồng Hới) đã tử vong do ngộ độc quá nặng. 7 ngư dân còn lại được ngư dân xã Phổ Quang, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) đưa vào Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (H.Đức Phổ) cấp cứu, sau đó chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Vỏ ốc mà chị S. đã ăn được gia đình cung cấp cho bệnh viện

ẢNH: ĐAN TÌNH

Bác sĩ Huỳnh Giới, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong 7 bệnh nhân này, có một trường hợp bị ngộ độc nặng, phải thở máy. Qua điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân này đã tạm ổn; 6 ngư dân còn lại có triệu chứng ngộ độc nhẹ hơn và sức khỏe cả 6 người cũng đã tạm ổn. Sau đó, cả 7 bệnh nhân đã được chuyển ra các bệnh viện ở Đà Nẵng và Quảng Bình tiếp tục điều trị.
Trước đó, vào chiều 10.7.2018, cô giáo H.T.S (ở H.Hoài Nhơn, Bình Định) ăn 2 con ốc biển xong thì có triệu chứng nôn mửa, tê miệng, tê tay, cứng cổ… Người nhà mua thuốc cho uống nhưng không đỡ nên đã đưa chị S. đến bệnh viện cấp cứu. Chị S. nhập viện tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn) lúc 21 giờ ngày 10.7.2018. Đến khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, chị S. có biểu hiện ngừng hô hấp, tim đập chậm… dù được nỗ lực cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn cho biết chị S. bị ngộ độc thực phẩm do ăn ốc biển dẫn đến bị ngộ độc thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tim mạch, biểu hiện giống như ngộ độc cá nóc.
Từ vỏ ốc do gia đình chị S. cung cấp, các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang nhận định đây là loại ốc gây chết người, có tên gọi là ốc bùn răng cưa, tên khoa học là Nassarius papillosus. Ốc bùn răng cưa chứa độc tố Tetrodotoxins, đây là độc tố thần kinh cực mạnh không hề bị phân hủy, biến tính trong nhiệt độ cao. Người có trọng lượng 50 kg chỉ cần ăn 2-3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến thiệt mạng. Nạn nhân có thể tử vong trong vòng 30 phút đến 8 giờ sau khi bị ngộ độc. Tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn loại ốc bùn răng cưa này.
Qua trường hợp này, các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang đưa ra lời khuyên là không nên ăn các loại ốc lạ. 

Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc rất cao

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc cá nóc cũng là thực tế gặp nhiều tại các địa phương vùng biển. PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho hay các chuyên gia đã tìm thấy cá nóc gây độc do có chứa Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu. Người ăn phải cá nóc ngộ độc do có độc tố Tetrodotoxin. Tình trạng ngộ độc có thể xuất hiện sớm (sau 5 phút) nhưng có trường hợp đến 3-4 giờ mới xuất hiện triệu chứng: cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Người ngộ độc chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cá nóc rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.