Sài Gòn ngập nặng hơn vì “lô cốt”

28/08/2009 22:39 GMT+7

TP.HCM đã và đang triển khai hàng loạt dự án thoát nước nhưng tình trạng ngập vẫn không mấy cải thiện. Những ngày qua, mỗi khi trời mưa đã phát sinh nhiều điểm ngập mới, trong khi các điểm cũ thì ngập sâu và lâu hơn.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, thạc sĩ Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) nói:

- Trong mấy ngày qua, liên tiếp xuất hiện mưa lớn, kéo dài tại TP.HCM. 2 cơn mưa ngày 25 và 26.8 có vũ lượng lên đến 85 - 90 mm, trong khi mưa có vũ lượng trên 40 mm đã được xem là lớn và có khả năng gây ngập. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập, đến nay toàn TP.HCM có 50 điểm ngập, ở đây chúng tôi chỉ thống kê những điểm ngập kéo dài sau khi dứt mưa từ nửa tiếng trở lên, các điểm ngập khác nước đã rút nhanh sau mưa. Trong đó, nặng nhất là đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11), Trần Hưng Đạo (Q.5)... ngập sâu trên 40 cm. Các khu vực bùng binh Cây Gõ, An Dương Vương, Hùng Vương, Kinh Dương Vương, Bà Hom, Bến xe Chợ Lớn, Châu Văn Liêm Nguyễn Văn Luông (Q.5, 6, 11)... cũng ngập nặng.

 Đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) là một trong những điểm ngập nặng nhất hiện nay - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) là một trong những điểm ngập nặng nhất hiện nay - Ảnh: Diệp Đức Minh

* Theo ghi nhận của Thanh Niên, đã phát sinh nhiều điểm ngập mới như tại khu Bàu Cát (Q.Tân Bình), Đồng Diều (Q.8); ngay cả đường Trần Hưng Đạo (Q.5) trước đây hầu như không ngập thì nay cũng bị. Thậm chí, những cơn mưa nhỏ và nhanh cũng khiến nhiều đường như Phan Đăng Lưu, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh... biến thành sông. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Cách đây vài tháng, khi TP.HCM xuất hiện những cơn mưa trái mùa gây ngập nặng, chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện nguyên nhân là do nhiều nhà thầu trong quá trình thi công các dự án thoát nước đã phá cống băng ngang đường nhưng chưa kịp đấu nối; chặn dòng các cửa xả dọc kênh rạch khiến nước không thoát được; bơm nước bẩn từ "lô cốt" vào hố ga kèm theo cát, đá, bùn, rác, bê tông... gây tắc nghẽn dòng chảy. Sau đó, trung tâm phối hợp với các chủ đầu tư chấn chỉnh nhà thầu và tình trạng này đã được cải thiện.

Những điểm ngập nặng

- Lưu vực nam Nhiêu Lộc: đường Trần Quốc Thảo, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Chính Thắng, Ba Tháng Hai, Điện Biên Phủ, do đơn vị thi công xây gạch bít đầu ống nối với hầm thu tại một số vị trí, cắt bít tuyến cống băng, làm sụp bể tuyến cống hiện hữu...

- Lưu vực bắc Nhiêu Lộc: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Kiệm, do nhà thầu phá cống băng hiện hữu.

- Lưu vực Bến Nghé: đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Cảnh Chân, Bến Chương Dương, Trần Đình Xu, Calmette, Đề Thám, Nguyễn Thái Học, Bến Vân Đồn, do nhà thầu chặn đầu cống hiện hữu gây tắc dòng chảy, chưa nạo vét lòng cống, thi công bờ kè làm sạt đất trước miệng cửa xả gây ảnh hưởng dòng chảy...

- Lưu vực Tàu Hủ: đường Trần Hưng Đạo, Sư Vạn Hạnh, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng, Lê Hồng Phong, do đắp bao cát tại hầm ga gây cản trở dòng chảy, bơm nước lẫn bùn đất vào hầm ga...

- Lưu vực phía nam TP: Bến Bình Đông, Bùi Minh Trực, do đơn vị thi công làm bể nắp, sụp đường mương hiện hữu của hệ thống thoát nước, đắp bao cát cản trở dòng chảy...

Tuy nhiên, sau 2 cơn mưa vừa qua, tốc độ thoát nước tại nhiều tuyến đường bắt đầu chậm lại, cũng vẫn do các "lô cốt" đã làm hư hỏng, bong tróc lớp bê tông mặt đường, sau đó lớp bê tông này bị mưa cuốn hết xuống cống thoát nước. Điều này dẫn đến cống bị bồi lắng nhanh và bít dần, khiến nước mưa thoát chậm. Một nguyên nhân khác là trong những cơn mưa vừa qua đã xuất hiện triều cường bất thường cao 1,3 - 1,37m, cũng hạn chế rất lớn khả năng thoát nước của cống.

* TP.HCM đã triển khai rất nhiều dự án thoát nước cũng như các biện pháp chống ngập tạm thời, nhưng tình hình hầu như không được cải thiện?

- Trong khi chờ đợi các dự án thoát nước lớn hoàn thành, chúng tôi đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp chống ngập tạm thời như: tăng cường nạo vét, lắp đặt van ngăn triều, bổ sung bơm nước tại các hầm ga, tuyến cống, kênh, rạch, cửa xả tại vị trí thường xuyên ngập. Bên cạnh đó, thực hiện các công trình giảm ngập tại các khu vực ngập nặng, trong đó, khu vực Cây Gõ sẽ bơm nước trực tiếp từ đây ra rạch Lò Gốm; tại khu vực Bến xe Chợ Lớn sẽ đấu nối các tuyến cống thoát nước tại các vị trí ngập vào tuyến cống trên đường Ngô Nhân Tịnh. Một số vị trí như vòng xoay An Lạc (Q.Bình Tân), tỉnh lộ 43 (Q.Thủ Đức), Thảo Điền, Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Trần Khánh Dư (Q.1)... cũng xây dựng các công trình giảm ngập.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo trung tâm tiếp nhận các tuyến cống đã thi công xong của các dự án thoát nước lớn (gồm Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) để đấu nối và đưa vào sử dụng ngay chứ không cần đợi đến khi hoàn thành toàn bộ dự án. Dự kiến tuần sau chúng tôi bắt đầu triển khai, khi đó tình trạng chống ngập nước sẽ khả quan hơn khi nhiều cống thoát nước loại lớn (phi 1.000 mm) vận hành.

Lấp kênh, khu Bàu Cát thành sông

Sau cơn mưa chiều 26.8, đường Đồng Đen, khu Bàu Cát, Q.Tân Bình biến thành sông - Ảnh: Như Thảo 

Sau cơn mưa chiều 26.8, đường Đồng Đen, khu Bàu Cát, Q.Tân Bình biến thành sông - Ảnh: Như Thảo

Khu dân cư Bàu Cát thuộc các phường 13, 14, Q.Tân Bình (TP.HCM) lâu nay vốn ít khi bị ngập. Nhưng trong hai trận mưa gần đây, nhất là cơn mưa chiều 26.8, toàn bộ đường trong khu vực này ngập trắng chỉ trong chốc lát. Theo quan sát của PV Thanh Niên, nước tràn vào nhà dân hai bên đường Đồng Đen, Trương Công Định, Bàu Cát, Nguyễn Hồng Đào... khi mưa mới diễn ra 20 phút và ngập kéo dài đến sáng hôm sau. Đặc biệt, đường Đồng Đen trở thành rốn ngập của khu vực, toàn bộ xe gắn máy và nhiều ô tô bị chết máy do nước dâng cao trên 0,6m. Anh Nguyễn Minh Nhật, chủ quán trà trên đường Đồng Đen than: “Trước đây khi chưa cải tạo cống thì mưa xong vài chục phút nước rút ngay. Còn bây giờ, cống làm xong nhưng nước dồn ứ, mặt đường thành sông. Chưa kể do nhà thầu tái lập quá cẩu thả khiến mặt đường đầy ổ voi làm nhiều người bị té”. Điều vô lý nhất, theo phản ánh của người dân, đường Đồng Đen sau khi bị dãy “lô cốt” chiếm dụng cả năm trời để phục vụ công trình cải tạo cống thoát nước, đến nay khi thi công xong thì ngập còn dữ dội hơn.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.8, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) thuộc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận đơn vị thi công lắp đặt cống trên đường Đồng Đen làm quá cẩu thả, tái lập gian dối làm xảy ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường. Công trình này do Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP làm chủ đầu tư. Khu 1 đã gửi 3 công văn nhắc nhở chủ đầu tư chấn chỉnh nhà thầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời. Về nguyên nhân gây ngập nặng khu dân cư Bàu Cát, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP) xác nhận với PV Thanh Niên: “Công trình này còn vướng một đoạn ở cuối đường Đồng Đen đang thi công. Tại đây, nhà thầu tiến hành bít chặn dòng thoát nước tự nhiên của đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm để thay thế bằng cống hộp nên đã gây ngập nặng khu Bàu Cát”. UBND TP.HCM, trung tâm chống ngập đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Nguyễn Đình Mười

Phương Thanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.