'Săn' cá trong hồ nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa để ăn và đem bán

02/12/2015 08:30 GMT+7

Nhiều người dân đã đột nhập vào ao hồ ở khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), nơi được đánh giá nhiễm dioxin cao nhất thế giới, đánh bắt cá mang về ăn và bán ra ngoài.

Nhiều người dân đã đột nhập vào ao hồ ở khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), nơi được đánh giá nhiễm dioxin cao nhất thế giới, đánh bắt cá mang về ăn và bán ra ngoài.

Những biển cắm cảnh báo dọc hàng rào sân bay Biên HòaNhững biển cắm cảnh báo dọc hàng rào sân bay Biên Hòa
Dù trên hàng rào ở khu vực sân bay Biên Hòa gắn nhiều biển cảnh báo “Hồ nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ăn bất cứ loại thực phẩm nào được nuôi trồng tại hồ này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn”, nhưng có mặt tại đây vào ngày 29.11, chúng tôi chứng kiến tình trạng bắt cá vẫn ngang nhiên diễn ra.
Công khai đột nhập giữa ban ngày
Để đột nhập vào bên trong, những người bắt cá đã leo lên cây sung cao hơn 2 m, rồi dùng cây gỗ gác lên bờ rào - ngăn cách khu vực sân bay Biên Hòa với dân cư bên ngoài (thuộc KP.6, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa).
Bên trong khu vực sân bay Biên Hòa có nhiều hồ nước nằm rải rác khắp nơi. Mới 8 giờ sáng, tại một hồ nước rộng khoảng 2 ha đã có hơn 20 người chia thành nhiều nhóm quần thảo để bắt cá.
Một nhóm 5 người dùng lưới kéo, dàn hàng ngang càn quét khắp mặt hồ. Có một nhóm thanh niên hơn 10 người dùng rất nhiều bình ắc quy đánh bắt bằng xung điện trong các bãi lầy, khu vực nước cạn. Đến gần trưa thì đội quân chích điện kéo xuống càn quét cá dưới hồ lớn. Nhóm người này đi đến đâu, cá dính điện nổi trắng bụng lên đến đó và được nhặt bỏ vào đầy các bao tải lớn buộc bên hông. Phía bên ngoài hàng rào, cứ khoảng một giờ đồng hồ lại có người mang bình ắc quy tuồn vào cho nhóm người bên trong để thay thế khi nguồn điện đã cạn.
Đến 9 giờ 30, hai thanh niên từ bên trong leo ra ngoài hàng rào, trên tay cầm theo bao cá nặng ước chừng vài chục ký rồi lên xe phóng về hướng cầu Hóa An (TP.Biên Hòa). Hơn 1 giờ đồng hồ sau, tiếp tục có bốn người xách 3 bao cá (loại bao đựng phân bón) cùng với bộ kích điện leo bờ rào chui ra ngoài. Nhóm 10 người vẫn ở lại trong ao tiếp tục đánh bắt, đồng thời cho người mua cơm vào ăn trưa, mang bình ắc quy khác đến thay thế. Đến 15 giờ cùng ngày thì kết thúc ngày đánh bắt với những bao tải đầy cá.
Sau khi đánh bắt, cá trong hồ nhiễm dioxin được bày bán ở lề đường tại P.Tân Bình, TX.Dĩ An (Bình Dương) - Ảnh: Tiểu Thiên
Bày cá ra đường bán
Chúng tôi bám theo nhóm người này để xem cá mang về đâu và làm gì. Sau gần 30 phút lòng vòng trong những con đường hẻm quanh co, bụi mù mịt, nhóm người này về đến khu nhà trọ thuộc ấp Tân Thắng, P.Tân Bình, TX.Dĩ An (Bình Dương).
Khoảng 15 phút sau, ba người đàn ông mang cá đến một quán tạp hóa nhỏ ven đường, chỉ cách trụ sở Công an P.Tân Bình (TX.Dĩ An) chừng 300 m bày ra bán. Một người dân ở gần quán tạp hóa cho biết: “Nhà đó vẫn thường có bán cá cho khách qua đường”.
Đứng quan sát một lúc, chúng tôi thấy nhiều người đi đường dừng xe mua mà không hề hay biết cá vừa bắt được từ hồ nhiễm chất độc dioxin. Khi chúng tôi tiếp cận nhóm người này để hỏi vì sao bán cá bắt ở hồ nhiễm dioxin, thì một người trong nhóm luống cuống lấy đồ đậy thau cá lại và nói: “Bọn tôi ở Sóc Trăng lên đây làm công nhân, tranh thủ ngày nghỉ đi bắt cá về ăn thôi”.
Chúng tôi hỏi: “Cá bắt nhiều vậy làm sao ăn hết?”. Người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi trả lời: “Hôm nay mấy anh em chỉ bắt được hơn trăm ký thôi”.
Có thấy ai ngăn cản đâu!
“Thế đánh bắt trong hồ không ai cản hả?”, chúng tôi hỏi. Một người trong nhóm nói: “Có ai cản đâu”. Bà H., nhà đối diện nơi những người trèo tường vào bên trong, cho biết tình trạng bắt cá trong hồ diễn ra 3 - 4 năm nay. Người dân ở địa phương ở đây biết cá bị nhiễm dioxin nên không ai dám bắt ăn. Chỉ có người ở xa đến bắt cá mà thôi.
“Ngày bình thường cũng có nhưng ít, chủ yếu là thứ bảy và chủ nhật người ta đến bắt cá rất đông. Mỗi lần họ bắt nhiều lắm, đựng cả bao tải lớn. Nhiều khi có mấy sĩ quan, bộ đội đi qua thấy thì họ la, người ta đi về thì mấy người bắt trộm cá lại vô tiếp”, bà H. nói.
Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) Đào Xuân Nam cho hay trong khu vực sân bay Biên Hòa có nhiều hồ trước đây làm hồ điều phối nước của sân bay, sau này tận dụng nuôi cá. Sau đó, Bộ Quốc phòng không cho nuôi cá, thế là các hồ bị bỏ hoang. Thấy cá sót lại trong hồ nên người ngoài vào đánh bắt, câu rất nhiều. “Đất đó thuộc Trung đoàn 935 quản lý, bên trong có lực lượng cảnh vệ canh giữ. Địa phương không có quyền và cũng không thể vào kiểm tra được. UBND phường chỉ phối hợp với Sở TN-MT gắn biển cảnh báo, tổ chức tuyên truyền về tác hại của dioxin cho 4 phường lân cận mà thôi”, ông Nam nói.
Tương tự, ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, cho hay: “Bên trong thuộc quyền quản lý của sân bay, có người bảo vệ. Người dân tại sao vào được để bắt cá, ai cho vào thì chúng tôi cũng không quản lý”.
Trong khi đó, một lãnh đạo Trung đoàn 935 cho biết, đất vẫn thuộc quản lý của trung đoàn, nhưng khu vực đó (ao hồ mà người dân vào bắt cá - NV) bàn giao cho một doanh nghiệp quản lý. Khi nghe chúng tôi phản ánh nạn đánh bắt tràn lan trong khu vực này, vị này hứa: “Sẽ làm việc với phía doanh nghiệp để yêu cầu họ quản lý chặt hơn”.
Có thể di truyền
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 33, cho biết đã khuyến cáo nhiều năm, nhiều lần về vấn đề không nuôi trồng sử dụng thực phẩm ở khu vực sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, tình trạng người dân vẫn sử dụng chưa chấm dứt.
PGS-TS Lê Kê Sơn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay dioxin có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ra đột biến gien, nhiễm sắc thể gây ra dị tật bẩm sinh, nhiều dạng bệnh khác nhau. “Thời tôi còn đương chức đã phát hiện ở khu vực sân bay Biên Hòa rất nhiều trường hợp vật nuôi, cá, gia cầm bị dị tật do phơi nhiễm dioxin. Đặc biệt nồng độ phơi nhiễm ở cá sinh sống ở khu vực này rất cao, không thể ăn”, ông Sơn nói.
Lê Quân
Ăn phải thực phẩm có dioxin thì coi như “hỏng đời” rồi !
Trả lời Thanh Niên chiều 1.12, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết người dân cố tình bắt cá ở vùng được cắm biển cảnh báo dioxin như sân bay Biên Hòa là hành động cần được ngăn chặn. Chắc chắn nguồn cá này có tồn dư dioxin. Khi đưa vào cơ thể qua nguồn thực phẩm sẽ tiếp tục để lại tồn dư ảnh hưởng đến sức khỏe, gây đột biến gien, dị tật khi sinh sản.
“Dioxin không thể tiêu hóa được, công nghệ hiện đại như Mỹ mới chỉ xử lý bằng nhiệt phân, nghĩa là đốt bằng nhiệt độ cao trong thời gian nhất định để phân giải. Ngoài ra còn có giải pháp nghiên cứu xử lý dioxin bằng công nghệ sinh học nhưng chưa thành công. Nếu ăn phải thực phẩm có dioxin thì coi như “hỏng đời” rồi”! ông Thịnh nói. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, tất cả các cây, con nuôi trồng, sinh sống trong vùng dioxin không được phép sử dụng làm thức ăn, nếu cố tình vận chuyển, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật.
TS Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở VN (gọi tắt là Văn phòng Ban Chỉ đạo 33), cho biết kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ dioxin trong một số mẫu cá, đất, trầm tích thu thập được sân bay Biên Hòa vẫn ở mức cao. Nhưng hiện tại, trong khu vực sân bay Biên Hòa có khoảng vài chục ao nước đang được cắm biển cảnh báo nguy cơ nhiễm dioxin. “Người dân tuyệt đối không thu hoạch, kinh doanh sản phẩm từ trong sân bay Biên Hòa phòng tránh phơi nhiễm dioxin”, TS Hằng nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 33, trong chiến tranh từ năm 1966 đến năm 1970, sân bay Biên Hòa được Mỹ làm căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ cho chiến dịch phun rải chất độc hóa học gồm 98.000 thùng chất da cam, 45.000 thùng chất xanh và 16.300 thùng chất trắng (205 lít/thùng). Từ 1969 -1970, tại đây xảy ra 4 vụ tràn và rò rỉ chất diệt cỏ với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị tràn ra ngoài từ các bể chứa. Từ năm 2000 - 2004, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu và xác định nồng độ dioxin trung bình tại sân bay Biên Hòa khoảng 35.000 ppt. Đáng lưu ý, nồng độ ppt trong máu của những người đánh bắt cá trong sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt (tỷ lệ cho phép của WHO là 10 ppt)
Phan Hậu - Tiểu Thiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.