Sẵn sàng sơ tán dân ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình

14/09/2014 20:30 GMT+7

(TNO) Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cần sẵn sàng phương án sơ tán người dân ở vùng ven biển, cửa sông ứng phó với bão Kalmaegi.

>> Mưa bão dữ dội ở Trung Quốc
>> Thủy phi cơ DHC-6 Series 400 sẵn sàng bảo vệ vùng biển Việt Nam
>> Siêu bão Soulik sắp đổ bộ, Đài Loan sơ tán 2.300 du khách
>> Bão Kalmaegi tăng sức mạnh khi vào biển Đông
>> Trường tiểu học Trần Hưng Đạo 'Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông
>> Ý đồ nguy hiểm trên biển Đông
>> Công ty Yến Sào Khánh Hòa tặng 300 triệu đồng cho lực lượng bảo vệ biển Đông

Chiều nay 14.9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, ông Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó với bão Kalmaegi.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ông Hoàng Đức Cường nhận định, bão Kalmaegi có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và diễn biến phức tạp. Dự báo đến sáng mai 15.9, cơn bão này sẽ đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm nay.

Dự báo khi vào biển Đông bão đạt cường độ mạnh nhất ở cấp 13, cấp 14, giật cấp 15 - 16. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông từ đêm ngày 14.9 có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17 khiến biển động dữ dội.

Theo ông Hoàng Đức Cường, trong 72 giờ tới, kịch bản xảy ra nhiều nhất là bão đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh khi vào bờ sẽ suy yếu thành vùng ấp thấp hoặc bão vẫn giữ nguyên cấp 7-8 khi cập bờ và đi sâu vào vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ sau đó sẽ suy yếu thành vùng áp thấp. “Bão Kalmaegi đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn từ 100 - 200 mm, cá biệt có nơi sẽ mưa tới 300 mm”, ông Cường nói.

Sẵn sàng sơ tán dân ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình
Ông Hoàng Đức Cường nhận định, bão Kalmaegi di chuyển với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp - Ảnh: Hoàng Phan

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm nhất hiện nay là gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm khi bão đổ bộ vào biển Đông.

Đến cuối giờ chiều nay, vùng biển nguy hiểm được xác định từ bắc vĩ tuyến 16 và phía đông kinh tuyến 112. Theo đó, các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, vùng cửa sông, hướng dẫn người dân gia cố bảo vệ các diện tích nuôi thủy hải sản.

Ông Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình sẵn sàng phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, ven sông.

Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.