Sập cầu Ghềnh, ga Sài Gòn bị cô lập

* Khởi tố vụ án để điều tra Trưa 20.3, chiếc sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh - cầu sắt bắc qua sông Đồng Nai (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) khiến tuyến đường sắt nam - bắc đình trệ, ga Sài Gòn bị cô lập.

* Khởi tố vụ án để điều tra
Trưa 20.3, chiếc sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh - cầu sắt bắc qua sông Đồng Nai (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) khiến tuyến đường sắt nam - bắc đình trệ, ga Sài Gòn bị cô lập.

Sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) - Ảnh: Bạch DươngSập cầu Ghềnh (Đồng Nai) - Ảnh: Bạch Dương
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ 35 cùng ngày, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu) điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở khoảng 600 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai đã đâm vào mố số 2 của cầu Ghềnh. Cú đâm mạnh đã làm nhịp 2 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 3 thì đầu nam rơi xuống sông, đầu bắc rơi gác lên mố cầu số 1. Sự cố làm cắt đứt đường lưu thông huyết mạch trên tuyến đường sắt bắc - nam. Riêng chiếc sà lan bị lật úp trên sông.
Người treo lơ lửng, xe rớt xuống sông
Ông Nguyễn Văn Tám, một người dân sống ở gần hiện trường, kể: "Lúc đó tôi đang ngồi sát bờ sông thì nghe tiếng nổ ầm như bom. Khi chạy ra thì thấy 3 người, 2 nam, 1 nữ đang đu lơ lửng trên những thanh sắt của đường ray từ dưới nước và bò lên bờ. Phía sau có 2 người thấy vậy vứt xe bỏ chạy. Tôi chạy đến dắt 2 chiếc xe quay lại vào bờ. Cũng may thời điểm này rất ít người qua đây, không có tàu lửa lưu thông trên cầu, nếu không thì xảy ra hậu quả hết sức thảm khốc...”.
Còn ông Cao Văn Hai (46 tuổi, ngụ Thanh Hóa), người chạy xe máy trên cầu thì bàng hoàng cho biết: “Tôi là người chạy đầu tiên, phía trước không có ai còn phía sau có 2 chiếc xe máy nữa. Đang chạy tới giữa cầu thì nghe cái rầm, tôi rơi xuống sông theo nhịp cầu sắt. Khi vừa đụng mép nước thì dừng lại, tôi vội vã leo ngược trở lên chạy thoát”. Chị Hoàng Yến (27 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), người chạy xe ngay sau ông Hai, nói: “Khi nghe cái rầm rồi cầu sập xuống, kéo tôi theo nhưng rất may không rớt xuống nước. Trong lúc hoảng loạn thì có một người đàn ông bảo trèo lên để chạy, tôi liền làm theo và thoát chết”.
Hiện trường cầu Ghềnh bị sập - Ảnh: Bạch Dương
Hiện trường cầu Ghềnh bị sập - Ảnh: Bạch Dương

Ngay sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai nhanh chóng phong tỏa hiện trường để thực hiện cứu hộ cứu nạn. Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ TP.HCM điều tàu chuyên dụng đến hỗ trợ. Lực lượng chức năng đã tiến hành trục vớt 3 chiếc xe máy từ dưới sông lên bờ. Trước đó, tài công Trần Văn Giang đi cùng Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) đã nhảy xuống nước bơi vào bờ và bỏ trốn.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia hôm qua đã có công điện gửi bộ GTVT, Công an; Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đồng Nai; Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN yêu cầu huy động tối đa các nguồn lực, khẩn trương sửa chữa những kết cấu bị hư hỏng, phục hồi tình trạng kỹ thuật cầu Ghềnh để thông tuyến đường sắt bắc - nam trong thời gian ngắn nhất.
Cây cầu này dài hơn 200 m, thuộc TP.Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng hơn 100 năm (năm 1909), dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ô tô. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn tàu khách SE2 đâm phải 6 ô tô làm 2 người chết, hàng chục người bị thương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây khẩn cấp cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu đường bộ và đường sắt. Tháng 4.2013, khi cầu Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã cấm tất cả ô tô 2 chiều. Hiện tại người dân được phép lưu thông xe máy qua cầu Ghềnh một chiều theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.
Mai Hà - Anh Vũ

Chiều qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy", đồng thời lấy lời khai của các nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.
Ga Biên Hòa thành điểm tập kết trung chuyển khách
Theo Tổng công ty đường sắt VN, cầu Ghềnh bị sập khiến tuyến đường sắt qua khu vực này để về TP.HCM và ngược lại hoàn toàn bị tê liệt. Tất cả các chuyến tàu bắc - nam, với tuyến cuối là TP.HCM buộc phải dừng lại tại ga Biên Hòa để phương tiện tập trung đưa đón hành khách về TP.HCM. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hàng mang số hiệu 2502 đang lưu thông trong khu gian Biên Hòa - Dĩ An đã được nhân viên gác chắn ĐN Km 1700+174 dừng tàu, đảm bảo an toàn.
Có mặt tại ga Biên Hòa vào chiều tối qua, chúng tôi ghi nhận cảnh ùn ứ hành khách. Nhiều người phải tìm mọi cách để tiếp tục hành trình về TP.HCM. Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Để giải quyết ùn tắc đường sắt, cơ quan chức năng đã lấy danh sách, thông tin hành khách đang kẹt tại ga Biên Hòa và Hố Nai để vận chuyển bằng đường bộ về TP.HCM và ngược lại".
Còn tại cuộc họp với các ngành chức năng vào chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo Sở GTVT cùng Công an tỉnh phải bảo đảm được tình hình an ninh trật tự cho hành khách. Ngành đường sắt phải chịu mọi chi phí để bố trí phương tiện vận chuyển, không để cho hành khách mất thời gian chờ đợi.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết: "Sự cố sập cầu Ghềnh khiến tàu lửa không thể vào các ga tại TP.HCM, Bình Dương và ngược lại. Do vậy, trong khi chờ sửa chữa, khắc phục cầu Ghềnh, ngành đường sắt chọn phương án trung chuyển để đảm bảo việc đi lại của hành khách và lưu thông hàng hóa".
Tuy ga Sài Gòn bị cô lập trên tuyến đường sắt, nhưng theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết việc bán vé tàu, thời gian khởi hành tại ga Sài Gòn vẫn được thực hiện. Giờ tàu khởi hành ghi trên vé cũng là lúc xe chuyển tải khởi hành, đưa hành khách đến ga Biên Hòa để lên tàu. Ở chiều ngược lại là những chuyến xe khách từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn. Trong khi chờ có phương án tiếp theo, ông Văn khuyến cáo khách đi tàu trong thời gian này hạn chế mang nhiều hành lý, hành lý cồng kềnh.
Tối qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT quyết định lấy ga Biên Hòa làm điểm tập kết và trung chuyển hành khách từ ga Biên Hòa đi TP.HCM và ngược lại. Về phương án khắc phục sự cố, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành trục vớt dầm cầu, trục vớt đầu kéo, lai dắt sà lan vào vị trí an toàn để đảm bảo giao thông đường thủy. Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan phân luồng tàu bè đi vào sông Đồng Nai theo hai hướng là sông Cái Lớn và sông Cái Bé để tàu có trọng tải 1.000 tấn có thể lưu thông qua nhịp cầu còn lại. “Trên cơ sở khảo thực địa, Bộ GTVT sẽ tính toán phương án tối ưu nhất là làm cầu mới hay sửa chữa lại cầu cũ. Nếu chọn phương án sửa chữa thì cũng mất ít nhất 3 - 5 tháng mới xong. Đồng thời, chúng tôi cũng đã yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai sớm điều tra nguyên nhân, vì đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy hết sức nghiêm trọng, làm phương hại, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản quốc gia”, ông Trường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.