Sập Cầu Ghềnh: Tuyến đường sắt độc đạo Bắc-Nam quá mong manh

21/03/2016 09:26 GMT+7

Cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập; cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) cũng nằm trong vòng nguy hiểm vì đã từng xảy ra các vụ sà lan mắc kẹt và đâm vào cầu.

Cầu Ghềnh (Đồng Nai) bị sà lan đâm sập; cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) cũng nằm trong vòng nguy hiểm vì đã từng xảy ra các vụ sà lan mắc kẹt và đâm vào cầu.

Chuyên gia giao thông nói đối với những cây cầu trên trục đường huyết mạch, cần phải có những giải pháp an toàn - Ảnh: Lê LâmChuyên gia giao thông nói đối với những cây cầu trên trục đường huyết mạch, cần phải có những giải pháp an toàn - Ảnh: Lê Lâm
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đã quá già cỗi và quá mong manh, dễ dàng bị tê liệt khi xảy ra các sự cố hay tai nạn.
TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, trong sự cố cầu Ghềnh hôm qua (20.3), dù lỗi là do sà lan gây ra, song đối với những cây cầu trên trục đường huyết mạch, cần phải có những giải pháp an toàn.
Một trong những giải pháp trước tiên, dứt khoát phải làm, theo TS Sanh, đó là trụ chống va (làm vật cản xung quanh các trụ cầu). Ở dạ cầu cũng cần làm thêm những thanh cản ở phía trước, để nếu sà lan có va, đụng thì chỉ va vào các thanh cản này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra. Khu vực cầu cần có đầy đủ biển báo, thậm chí có trạm cảnh báo nằm ở phía trước các cây cầu quan trọng, để cảnh giới các phương tiện thủy muốn đi qua, nhất là các phương tiện quá lớn có thể không đủ tĩnh không để chui qua cầu.
Do tầm quan trọng của sự an toàn trên tuyến đường sắt độc đạo này, sà lan khi đi qua dưới cầu cần tuân thủ các biển báo về tốc độ, các tín hiệu giao thông... Các trường hợp phương tiện thủy vi phạm an toàn giao thông phải bị xử lý thật nghiêm.
Ông Sanh cho rằng trong thời gian qua, việc xử lý các vi phạm an toàn giao thông đường sắt còn nhẹ. Phải xử phạt những chủ phương tiện vi phạm thật nặng, kể cả ô tô đâm vào tàu hỏa. Những vi phạm nghiêm trọng phải bị truy tố để răn đe.
Cầu Ghềnh sập ảnh hưởng rất lớn đến tuyến vận tải đường sắt Bắc - Nam - Ảnh: Lê Lâm
Về lâu về dài, ông Sanh nói: “Quy hoạch đường sắt đã có hết rồi, nhưng tiến độ thực hiện phụ thuộc vào nguồn vốn, mà vốn cho đường sắt hơi khó vì cao lắm, không như đường bộ có thể làm BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao). Nhưng khó gì đi chăng nữa thì cũng phải cố gắng làm thêm 1 tuyến đường sắt, vì chỉ có 1 đường như hiện nay, khi có chuyện gì xảy ra là tê liệt”.
Theo ông, nếu không làm nổi 1 lần trên toàn tuyến Bắc - Nam thì cũng cần làm từng đoạn, nối dần, nối dần đến khi hoàn chỉnh. Về các cây cầu trên tuyến đường sắt, ông Sanh nói cũng phải làm theo tiêu chuẩn cao hơn.
“Quy hoạch đường sắt cứ bàn tính hoài mà không thấy triển khai. Bây giờ phải thực tế một chút. Chứ cứ tranh luận hoài, không đi tới đâu cả. bằng mọi giá phải mở thêm 1 tuyến đường sắt nữa. lấy lộ giới đường cũ, mở rộng ra, không có giải tỏa nhiều đâu”, TS Sanh đề xuất.

Liên quan đến việc cầu Ghềnh không có trụ bảo vệ ụ cầu, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc xây dựng thêm trụ bảo vệ với các cầu trên sông phải theo quy định về lưu lượng phương tiện thủy nội địa, đánh giá về mức độ rủi ro. “Không phải cầu nào trên sông cũng được xây trụ bảo vệ, mà phải căn cứ vào đánh giá thực tế, nếu mật độ cao, rủi ro lớn mới phải xây trụ”, ông Đông cho hay. Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, để điều tiết thông suốt đường sắt Bắc - Nam, Bộ đã chỉ đạo Đường sắt VN lên phương án điều chỉnh lại lịch chạy tàu. Theo đó, với tàu khách sẽ điều tiết khách tại Ga Biên Hòa rồi san tải sang ô tô vận chuyển ra TP.HCM; với tàu hàng sẽ điều phối hàng tại Ga Trảng Bom và Hố Nai rồi vận chuyển bằng đường bộ ra TP.HCM. Trong ngày 21.3, tổ công tác của Bộ GTVT sẽ tính toán các phương án khắc phục sửa chữa cầu. (Mai Hà)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.