Sau bài báo Giấy kiểm dịch bán như... rau: Lãnh đạo ngành thú y TP.HCM nói gì?

19/08/2005 23:16 GMT+7

Tác giả bài Giấy kiểm dịch bán như... rau bị hăm dọa Báo Thanh Niên ra ngày 17/8 có bài Giấy kiểm dịch bán như... rau, phản ánh thực trạng kiểm dịch ở các trạm cửa ngõ thành phố và việc giết mổ ở một số cơ sở giết mổ gia cầm. Chiều 18/8, lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM - ông Phan Xuân Thảo, Phó chi cục trưởng và ông Hoàng Phương Nam, quyền Chánh thanh tra chi cục - có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

"Không có việc kinh doanh giết mổ gia cầm sống tại các chợ, bên ngoài"

* Thưa ông, việc phân công trách nhiệm trong kiểm dịch gia cầm ở TP.HCM như thế nào, lực lượng nào là chính?

- Ông Thảo: Công tác kiểm dịch là công việc bình thường. Mọi hoạt động liên quan đến gia cầm trên địa bàn, về phía các tỉnh người ta đã làm các thủ tục mới được xuất ra ngoài tỉnh. Tới thành phố (TP) chỉ làm công tác tái kiểm tra về mặt thủ tục. Hiện nay, tại TP.HCM, việc tiếp nhận nguồn này chỉ là các cơ sở giết mổ, chứ không có việc kinh doanh giết mổ gia cầm sống tại các chợ, bên ngoài. Chỉ có sản phẩm sau khi đã được giết mổ xong, mới đưa ra thị trường.

* Như vậy, thú y là lực lượng chính làm công tác kiểm dịch?

- Ông Nam: Đương nhiên rồi.

* Ông có thể cho biết quy trình kiểm dịch tại các trạm cửa ngõ như thế nào?

- Ông Nam: Cho tôi hỏi lại nhé, các anh hỏi cái này để làm gì? Nếu các anh muốn nắm trước khi các anh đăng bài báo thì có phải hay hơn không? Khi các anh đăng bài báo xong các anh nắm lại quy trình là thế nào?

* Thưa ông, việc nắm trước hay sau chúng tôi cho rằng không quan trọng, bài báo chỉ phản ảnh thực tế.

- Ông Nam: Nhưng đối với tụi tôi thì khác. Rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng đến công việc của ngành, đến uy tín của ngành.

* Đó là vấn đề ngoài ý muốn của chúng tôi. Xin trở lại câu hỏi, quy trình kiểm dịch tại trạm cửa ngõ như thế nào?

- Ông Nam: Kiểm dịch là hệ thống. Nơi xuất là các tỉnh đã kiểm dịch: kiểm tra số lượng con, tình trạng sức khỏe gia cầm... sau đó cấp giấy kiểm dịch. Khi chủ hàng vận chuyển phải mang theo giấy kiểm dịch lô hàng đó để trình cho các trạm kiểm dịch đầu mối lưu thông trên đường. Khi đến trạm cửa ngõ TP.HCM, phải trình giấy cho trạm kiểm dịch và trạm sẽ kiểm chủ yếu về thủ tục hành chính, xem giấy tờ có đúng không, sơ lược về số lượng đầu con trên giấy có ghi... sau đó đóng dấu phúc kiểm.

Ông Hoàng Phương Nam

* Như vậy là không cần kiểm tra thực tế xem có chở đúng số lượng, tình trạng sức khỏe gia cầm vào thành phố ra sao...?

- Ông Nam: Số lượng chính xác không thể đếm vì không thể xả hàng tại trạm, chủ yếu là xem xét giấy tờ có đủ hay không. Còn bước tiếp theo là về cơ sở giết mổ thì số lượng, tình trạng lâm sàng của nó như thế nào, con nào chết... sẽ kiểm tra lại.

- Ông Thảo: Hiện cả nước chỉ có trạm kiểm dịch tại ngã ba Ông Đồn, Đồng Nai có điều kiện tương đối, có một khu vực để có thể xả hàng xuống để kiểm tra đối chiếu khớp số lượng. Còn các trạm cửa ngõ ở TP không đủ điều kiện, phương tiện. Bốn trạm cửa ngõ, chúng tôi đã đề xuất lâu rồi, từ năm 1994 nhưng UBND TP chưa duyệt vì không có đất.

"Anh em chỉ nghỉ, chứ không ngủ"

* Trong quy định của TP, tại các trạm cửa ngõ có các lực lượng phối hợp như CSGT, QLTT..., thực tế việc phối hợp trong thời gian qua như thế nào?

- Ông Thảo: Cái đó tùy theo cao trào, khi tình hình có những diễn biến xấu ở các nơi trong khu vực giáp ranh TP... Hiện nay cao trào được xác định từ tháng giêng cho đến tháng 3.2005 thì lực lượng này trực 24/24 giờ và kéo dài cho đến tháng 4.2005, sau đó lực lượng này rút chốt, chỉ để lại lực lượng đoàn liên ngành kiểm tra lưu động. Vừa qua tình hình diễn biến xấu, thành phố báo động và đã có Chỉ thị 517 của UBND TP ngày 10.8 tăng cường thêm đoàn kiểm tra lưu động.

 

Ông Phan Xuân Thảo

* Thành phố chọn từ 10/8 đến 10/9 là tháng cao điểm, có quy định gì khác trong kiểm dịch so với tháng không cao điểm?

- Ông Thảo: Tất nhiên là có khác. Phải rà soát lại toàn bộ việc tiêu thụ, chăn nuôi... để ngăn ngừa tối đa nguy cơ.

* Trở lại những thông tin Báo Thanh Niên đăng ngày 17.8, cách kiểm dịch của các trạm cửa ngõ như thế đã đúng quy trình và đã hết trách nhiệm chưa, thưa ông? Khi PV đi thực tế, có những trạm nhân viên kiểm dịch không trực tại chốt mà nằm ngủ bên trong...

- Ông Nam: Ý anh nói trạm Thủ Đức? Các anh viết "ngủ" là không đúng đâu. Tụi tôi rà lại hồ sơ, trong thời gian 1 tiếng rưỡi 10 chuyến xe qua thì không thể ngủ. Có thể anh em nằm "nghỉ" một chút chờ chuyến xe tới, chứ ngủ thì không thể nào.

* Thưa ông, trường hợp "nằm" như vậy nếu có xe vượt trạm không kiểm dịch thì xử lý thế nào?

- Ông Nam: Tôi nhắc lại là nằm nghỉ chứ không ngủ. Tình trạng xe vượt trạm là có. Những trường hợp không muốn ghé trạm là có. Nhưng rõ ràng là dù anh em có ngồi cũng không có thẩm quyền chặn xe.

(Sau đó, khi xem đoạn băng ghi hình tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức, cả ông Thảo và ông Nam đều im lặng).

"Kiểm dịch ở lò giết mổ là khá tốt"

* Xin chuyển qua hoạt động tại các lò giết mổ, quy trình kiểm dịch tại đây như thế nào?

- Ông Nam: Gia cầm sống nhập về, kiểm tra lại thủ tục, số lượng, lâm sàng... Khi giết mổ thì mình sẽ kiểm tra quy trình giết mổ. Tính chất của nó là kiểm tra lô hàng, lô sản phẩm, sau đó cấp giấy theo số lượng họ đăng ký giết mổ.

* Còn việc viết giấy kiểm dịch là khi họ đã hoàn tất tất cả các công đoạn giết mổ hay viết sẵn trước đó?

- Ông Nam: Tức là để cả rổ như bài báo nêu? Thì tôi đã kiểm tra rồi. Đối với từng lô hàng, mấy anh em mình vô chọn gà xong, mang qua giết mổ. Lúc giết mổ thú y kiểm tra và viết giấy cho một đợt, sau đó giao cho chủ cơ sở. Chủ cơ sở để trong cái mà anh gọi là rổ. Khi khách thanh toán tiền cho chủ cơ sở xong, chủ cơ sở sẽ đưa cái giấy đó cho họ để họ đi ra.

* Thường mỗi đợt cán bộ thú y viết giấy cho mấy người?

- Ông Nam: Khoảng 5-7 người, chỉ thế thôi chứ không nhiều.

* Thưa ông, nhiều ngày chúng tôi tới cơ sở Mạnh Thắng không thấy cán bộ thú y. Theo quy định thì cán bộ thú y có phải trực liên tục trong thời gian cơ sở giết mổ hoạt động?

Giết mổ gà tại chợ Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM ngày 6/8/2005 - (ảnh: Đ.T)

- Ông Nam: Một cán bộ thú y có thể quản lý 2-3 lò mổ. Có thể thời gian họ trống một chút họ chạy qua lại để kiểm tra.

* Vậy theo ông, cách làm của cán bộ thú y ở cơ sở Mạnh Thắng như Báo Thanh Niên nêu đã đúng trách nhiệm chưa; cơ sở này trước giờ hoạt động thế nào?

- Ông Nam: Trước đây, khi cơ sở giết mổ chưa hoàn tất được vấn đề môi trường thì hoạt động còn nhiều cái... kinh doanh gà sống, vấn đề môi trường... Nhưng kể từ khi chúng tôi chấn chỉnh lại thì từ đó hoạt động đỡ hơn. Còn trách nhiệm đối với cán bộ thú y ở đó như thế nào thì tôi đã kiểm tra rồi. Mức độ kiểm tra giám sát ở đó như thế là khá tốt.

* Các ông nghĩ thế nào khi PV Thanh Niên có thể vào đó không mua gà vẫn lấy được giấy kiểm dịch; rồi giấy kiểm dịch viết sẵn không phải là 5-7 cái mà hàng chục cái trên 2 rổ?

- Ông Nam: Anh có thể cho tôi xem cụ thể về cái bằng chứng đó?

(Xem băng video, xong trầm ngâm hơn 1 phút).

- Ông Nam: Anh có biết rằng anh lấy đi một tờ giấy là người ta biết không?

* Nhưng ông nghĩ sao khi trong 4 ngày liên tiếp PV Thanh Niên đến không mua gà vẫn lấy được giấy kiểm dịch. Nói biết, nhưng vì sao không có biện pháp quản lý?

- Ông Nam: Khi các anh lấy giấy là ở đó người ta biết liền. Ngày đầu các anh đến lấy 9 con gà, viết giấy kiểm dịch (những chi tiết này trong bài báo đã nêu rất rõ - PV). Ba lần sau các anh lấy, chủ cơ sở đều báo lại là mất giấy của những người đó, buộc thú y phải cấp lại giấy bổ sung cho người ta.

* Như vậy là họ có báo cụ thể cho ông là mất giấy của ai và số lượng là bao nhiêu không?

- Ông Nam: Họ có báo.

* Ông có thể cho PV những thông tin đó?

- Ông Nam: Có nhưng không thể cho được. Chúng tôi đang ở giai đoạn kiểm tra.

Tác giả bài Giấy kiểm dịch bán như... rau bị hăm dọa

Sau khi Báo Thanh Niên (ngày 17/8) đăng bài Giấy kiểm dịch bán như... rau, ngày 18/8, tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn Q.12 cho biết có hai thanh niên khoảng trên 30 tuổi, nói giọng Bắc, một ốm một mập và đều cao khoảng trên 1,65m, đến dò la thông tin về tác giả bài báo nói trên. Vừa hỏi thông tin, hai thanh niên này vừa thường xuyên văng tục, chửi thề. Qua câu chuyện trao đổi giữa hai người, một số tiểu thương nghe được mục đích của việc đi tìm kiếm này là "tìm mấy thằng nhà báo để xử".

Cũng theo các tiểu thương nói trên, hai thanh niên này còn hỏi thăm thông tin về lái gà tên B., là người đã chỉ cho PV Thanh Niên đến một số cơ sở giết mổ gà để ghi nhận về công tác giết mổ và kiểm dịch.

Đức Trung - Hoài Nam
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.