Sẽ ra sao nếu người khác đứng nhìn chúng ta quằn quại giữa cơn đau

02/03/2016 10:25 GMT+7

Đừng để một ngày nào đó, chính chúng ta trở thành nạn nhân của sự thờ ơ, vô cảm, khi mà người khác đứng xem chúng ta quằn quại giữa cơn đau...

Đừng để một ngày nào đó, chính chúng ta trở thành nạn nhân của sự thờ ơ, vô cảm, khi mà người khác đứng xem chúng ta quằn quại giữa cơn đau...

Nạn nhân của những vụ tai nạn thời gian qua vấp phải sự thờ ơ của người qua đường. Sự thờ ơ và vô cảm ấy liệu có phải là một hồi chuông cảnh báo?
Sao nỡ nhìn nạn nhân hấp hối mà không cứu!
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM), nhiều nạn nhân tai nạn giao thông sẽ có thêm cơ hội được cứu sống nếu được đưa đến bệnh viện sớm hơn.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở Hà Nội ngày 29.2, khi chiếc Toyota này tông chết 3 người - Ảnh: Hà An

Như vụ "xe điên" tung chết 3 người xảy ra ở Hà Nội ngày 29.2, sau khi xảy ra tai nạn, người dân và cơ quan chức năng đã gọi xe cấp cứu 115, đồng thời cố gắng vẫy taxi chạy qua để đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng bất thành.
Nhiều tài xế taxi chạy qua, nhìn thấy nạn nhân chảy máu nhiều, bị thương nặng nên họ không dừng lại. Vì thấy cháu bé đang hấp hối, có hy vọng cứu sống nên cơ quan chức năng phải sử dụng xe tải của công an phường đưa cháu đến viện, nhưng cháu bé không qua khỏi.

Nếu tất cả chúng ta, ai cũng thờ ơ như thế, vô cảm như thế thì một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự thờ ơ, sự vô cảm, khi mà người khác đứng xem chúng ta quằn quại giữa cơn đau...

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo

Xét về góc độ pháp lý, LS Thảo cho biết pháp luật đã có những quy định để điều chỉnh đối với hành vi không cứu giúp người khác theo Điều 102 BLHS.
Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hay người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Xét về góc độ đạo lý, LS Thảo nói: “Nếu tất cả chúng ta, ai cũng thờ ơ như thế, vô cảm như thế thì một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của sự thờ ơ, sự vô cảm, khi mà người khác đứng xem chúng ta quằn quại giữa cơn đau”.
Trao đổi với Thanh Niên, LS Nguyễn Thị Hà (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhận định, cố ý không cứu người là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì phải xem xét nhiều yếu tố. Cụ thể và cơ bản là phải đáp ứng những yếu tố cấu thành tội này như không cứu giúp mặc dù đủ điều kiện hoặc hậu quả dẫn đến chết người từ hành vi trên.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức nếu không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.
Vì sao nhiều người đắn đo, e ngại khi... cứu người?
LS Nguyễn Hữu Thục (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng vấn đề cứu giúp người bị nạn thể hiện tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng, là một nghĩa cử cao đẹp và là nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận. Hơn thế nữa, trách nhiệm này cũng được cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 102 BLHS.
Nạn nhân bị bỏng nặng được người dân đưa ra đường đón taxi đi cấp cứu, nhưng nhiều tài xế taxi không dừng đón - Ảnh  cắt từ clip

Trên cơ sở đó, nếu tổ chức, cá nhân nào để xảy ra hậu quả chết người thì tùy vào tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, cũng theo LS Thục, có một thực tế là việc cứu giúp người bị nạn đôi khi lại mang đến những... "hệ lụy. Ví dụ như bị cơ quan điều tra mời lên trụ sở làm việc, lấy lời khai vì là nhân chứng trong vụ án; tốn nhiều thời gian, phiền hà vì các loại giấy tờ..., chưa kể đến tâm lý "sợ" dính líu tới công an. Vì vậy mà nhiều người vẫn còn đắn đo, e ngại.
Từ đây, LS Thục cho rằng vấn đề cốt lõi nhất vẫn là mọi người tự nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật để có hành vi cư xử đúng chuẩn mực hơn.
LS Thảo nêu ý kiến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trường hợp nào, khi phát hiện người bị tai nạn và đang cần sự cứu giúp của người khác thì việc đầu tiên đối với những vụ việc, tai nạn đó là phải cứu người là quan trọng nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.