Sĩ quan dạy nhảy dù hy sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng

08/07/2014 16:28 GMT+7

(TNO) “Cuộc điện thoại cuối cùng anh có dặn lại, 3 mẹ con ở nhà buổi đêm nhớ chốt chặt cửa, công tác xong anh sẽ về ngay nhưng giờ thì anh không về với mẹ con tôi nữa rồi” chị Phượng, vợ trung úy Tâm hy sinh trong vụ rơi máy bay trực thăng Mi 171 nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.

(TNO) “Cuộc điện thoại cuối cùng anh có dặn lại, 3 mẹ con ở nhà buổi đêm nhớ chốt chặt cửa, công tác xong anh sẽ về ngay nhưng giờ thì anh không về với mẹ con tôi nữa rồi” chị Phượng, vợ đại úy Tâm hy sinh trong vụ rơi máy bay trực thăng Mi 171 nói trong tiếng nấc nghẹn ngào

>> Vụ rơi máy bay quân sự: Hộp đen cũng có trục trặc
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Thêm 1 chiến sĩ hy sinh
>> Vụ rơi máy bay quân sự Lào: Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an thiệt mạng
>> Thêm 2 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay quân sự Lào
>> Vụ rơi máy bay quân sự ở Algeria: 77 người thiệt mạng

Cuộc điện thoại cuối cùng

Nước mắt chưa khi nào ngừng rơi trong căn nhà trọ rộng hơn chục mét vuông tại tổ 15 phường Phúc Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) kể từ khi đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, Đội trưởng Đội tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm huyến luyện cứu hộ đường không (Quân chủng Phòng không – Không quân) anh dũng hy sinh cùng đồng đội trong lúc đang làm nhiệm vụ huấn luyện.

 Sĩ quan dạy nhảy dù đã hi sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng
Bà Đào Thị Hạnh khóc ngất trong nhà trọ, liên tục gọi tên người con trai duy nhất đã hy sinh cùng đồng đội trong vụ rơi máy bay Mi 171 - Ảnh: P.Hậu

2 ngày qua, đồng đội và người thân tìm đến nhà trọ chia buồn ai cũng nghẹn ngào, xót thương cho hoàn cảnh người sĩ quan huấn luyện nhảy dù. Căn nhà trọ chia làm 2 phòng nhỏ, một bên là mẹ đẻ anh Tâm – bà Đào Thị Hạnh, một bên là người vợ trẻ - chị  Vũ Thị Phượng khóc, ngất liên tục trước nỗi đau quá lớn. Giữ gìn sức khỏe cho họ, những người lính quân y túc trực hàng giờ ngay tại phòng trọ để thăm khám thường xuyên.

 Sĩ quan dạy nhảy dù đã hi sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng
Người thân khóc nghẹn trước căn phòng trọ chưa có bàn thờ riêng cho đại úy Tâm - Ảnh: Ngọc Thắng

Vợ chồng anh Tâm chị Phượng ở trong căn nhà trọ này đã 5 năm. Mang tiếng là gần đơn vị nhưng chẳng mấy khi gia đình được sum họp quây quần dài ngày. Do đặc thù công việc huấn luyện, anh Tâm thường xuyên vắng nhà. Chị Phượng kể, mỗi lần đi xa, khoảng 9 - 10 giờ bao giờ chồng cũng gọi điện về hỏi thăm mấy mẹ con.

Buổi tối trước khi máy bay gặp sợ cố, chị Phượng nhận cuộc gọi của chồng từ sớm, khoảng 7 giờ tối. Anh nhờ chị chuyển giáo án cho đồng đội mang vào đơn vị huấn luyện. “Nhà ở trọ sát mặt đường, không yên tâm mỗi khi vắng nhà, anh Tâm lúc nào cũng dặn vợ nhớ chốt cửa kỹ càng rồi không quên động viên, xong việc anh sẽ về nhà ngay, nhưng giờ thì anh ấy đã không còn với mẹ con tôi nữa rồi”, chị Phượng nghẹn ngào.

 Sĩ quan dạy nhảy dù đã hi sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng
Ông Nguyễn Quốc Phong trao quà của Báo Thanh Niên hỗ trợ chị Phượng - vợ đại úy Tâm - Ảnh: Ngọc Thắng

Chị Vũ Thị Vân Anh, em gái út anh Tâm kể lại, nghe tin dữ, người thân trong gia đình chạy thẳng về Viện Bỏng quốc gia để ngóng tin hy vọng. Cả nhà sững sờ khi anh Tâm nằm trong danh sách những người hy sinh.

Anh Tâm hy sinh khi 2 con còn quá nhỏ. Sợ con trai lớn Nguyễn Nam Anh, đang học lớp 3 sốc khi hay tin bố không còn, gia đình đã đưa Nam Anh cách ly sang nhà ngoại. Con gái thứ hai, cháu Nguyễn Hà Ngân mới 15 tháng tuổi, chưa kịp cảm nhận nỗi đau mất cha, thi thoảng vẫn hồn nhiên nhoẻn miệng vui cười.

Chị Phượng hiện đang là giáo viên giảng dạy tại trường THCS Gia Thụy, lương ba cọc ba đồng lại không có nhà cửa ổn định. “Cũng vì không có nhà riêng, đang phải ở thuê trọ nên gia đình chưa thể lập bàn thờ riêng để đón anh về", chị Vân Anh khóc nghẹn, nói.

Đại gia đình có 3 liệt sĩ

Chứng kiến gia cảnh khốn khó của đồng đội khi đến căn nhà trọ động viên gia đình anh Tâm, đại tá Trần Quang Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, Tâm mới nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội cứu nạn đường không vài tháng nay. Dù gia cảnh còn nhiều vất vả nhưng trong công tác, Tâm lúc nào cũng gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện được giao. “Tâm hy sinh là tổn thất lớn của đơn vị vì anh nằm trong số những sĩ quan giỏi có nhiều kinh nghiệm huấn luyện cho lính đặc nhiệm”, ông Hòa nhận xét.

 Sĩ quan dạy nhảy dù đã hi sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng
Tâm hy sinh là tổn thất lớn của đơn vị, đại tá Trần Minh Hòa nói - Ảnh: P.Hậu

Theo thông tin từ người thân trong nhà, anh Tâm là con trai duy nhất trong gia đình. Nếu tính cả 2 bên nội ngoại, đại gia đình này có đến 5 người từng tham gia phục vụ trong quân đội. Bố vợ và bác ruột anh Tâm đều là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bố anh Tâm đã mất sớm nhưng cũng có thời gian dài công tác trong quân đội. Còn ông nội anh Tâm đã mất cách đây 8 năm cũng cán bộ lão thành có nhiều đóng góp cho cách mạng.

Anh Tâm đã hy sinh cùng đồng đội trong vụ rơi máy bay quân sự sáng ngày 7.7 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình bây giờ là 3 mẹ con chị Phượng có chỗ ở ổn định, để không còn phải đi thuê nhà.

Báo Thanh Niên và Cục Cứu hộ cứu nạn hỗ trợ 15 triệu đồng

 Sĩ quan dạy nhảy dù đã hi sinh nhưng chưa có bàn thờ riêng
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang trao tiền hỗ trợ gia đình anh Tâm - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước gia cảnh đặc biệt khó khăn của đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, trong sáng ngày 8.7, đoàn công tác của Báo Thanh Niên và Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã đến căn nhà trọ của vợ chồng anh Tâm chị Phượng để động viên chia sẻ. Ủy viên Ban biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong đã trực tiếp tặng 5 triệu đồng và Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, thiếu tướng Phạm Hoài Giang trao 10 triệu đồng hỗ trợ chị Phượng sớm vượt qua đau thương, ổn định cuộc sống.

Hoàng Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.