Sự bất lực của các nhà quản lý

27/07/2010 02:11 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh dự thảo quy định cắt internet lúc 23 giờ đối với các đại lý internet của Sở TT-TT Hà Nội, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội nói:

- Tôi cho rằng việc cắt internet lúc 23 giờ tại các đại lý internet chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Nó chỉ thể hiện sự bất lực của các nhà quản lý xung quanh lĩnh vực này.

Phải nói rõ là bản thân game online (GO) không có lỗi, nó là một sản phẩm tiến bộ của công nghệ và không thể phủ nhận ý nghĩa giải trí, phát triển kỹ năng (phản ứng nhanh, tư duy logic...) của người chơi. Nhưng tất nhiên, bất cứ cái gì dù tốt đến mấy mà bị lạm dụng thì đều phản tác dụng.

 

TS Khuất Thu Hồng - Ảnh: Tuệ Nguyễn

Nhưng nếu để tránh cho thanh thiếu niên (TTN) rơi vào cảnh nghiện GO và cấm đoán bằng cách ngắt internet vào một giờ nhất định nào đó thì chỉ giải quyết phần “ngọn” mà thôi; liệu rằng sẽ cấm được bao lâu, hay cấm ở chỗ này thì nó lại “chạy” sang chỗ khác? Đó là chưa kể tới  những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của xã hội khi dịch vụ internet ở các đại lý không được phục vụ 24/24 giờ như bản chất của loại hình này.

* Vậy theo bà, cái “gốc” để có thể quản lý được GO, khiến nó phát triển theo hướng lành mạnh, không bị lạm dụng, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực... là gì?

- Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải dạy TTN cách điều chỉnh hành vi của mình để không bị sa vào tình trạng nghiện GO như một loại bệnh; cũng như dạy các em biết nên lựa chọn loại GO nào phù hợp với lứa tuổi, sở thích mà không gây tác động tiêu cực.

Tôi phải nói rằng, lâu nay người lớn thường rất vô trách nhiệm đối với giới trẻ và ý định cấm đoán này lại càng thể hiện điều đó. Lứa tuổi TTN tràn đầy năng lượng sống, nhu cầu được vui chơi giải trí là rất lớn... nhưng những người có trách nhiệm đã làm gì để đáp ứng nhu cầu đó một cách lành mạnh? Thành phố lớn thì có bao nhiêu đất, chỗ nào đẹp nhất rộng rãi nhất thì dành để xây nhà cao tầng, không có chỗ nào vui chơi giải trí, không có sân chơi, người lớn chỉ biết nhốt giới trẻ vào trường học và trường học thì chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức, không giáo dục cho trẻ những kiến thức về đời sống, về kỹ năng sống, cũng không có những hoạt động vui chơi lành mạnh để giới trẻ tự nguyện tham gia.

Thế rồi, khi xảy ra những việc như bạo lực học đường... thì lại đổ lỗi cho đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, và  cho... GO. Những nhà quản lý và bản thân mỗi gia đình phải nghiêm túc nhìn lại, đã đến lúc phải có sự phối hợp và chăm lo tốt hơn cho đời sống tinh thần, cho nhu cầu được chơi của giới trẻ, chứ không phải thấy phức tạp, thấy khó quản là lại... cấm!

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.