Tái cơ cấu kinh tế, việc đầu tiên không phải là tiền

03/11/2016 17:37 GMT+7

Chủ tịch TƯ Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra hàng loạt vấn đề tâm huyết về tái cơ cấu nền kinh tế tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra chiều nay (3.11).

 Thép Thái Nguyễn “bơm” thêm nghìn tỉ vẫn lỗ

Đồng tình với các quan điểm, giải pháp của Chính phủ đưa ra về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt ra nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm. Về tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Nhân cho rằng: “Thực tế chỉ ra rằng có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, tiền đã có nhưng sau đó vẫn phá sản. Như dự án gang thép Thái Nguyên vốn ban đầu 3.600 tỉ đồng, sau nâng lên 8.000 tỉ nhưng rồi vẫn không hoạt động, vẫn không hiệu quả. Con đường ở đây là gì? Chúng ta phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu bắt đầu không phải từ câu hỏi tiền ở đâu mà là thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu, đất đâu”.

Việc không xác định được sản phẩm, thị trường và thiếu sự phối hợp trong tạo ra chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ khiến Việt Nam không có được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. “Chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm, nhưng không có thương hiệu gạo xuất khẩu. Vì sao như vậy? Vì Nhà nước không phải chủ sở hữu, sản xuất gạo nên quan tâm chưa đúng mức, mặc dù có chương trình 5 năm xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, còn nông dân nhỏ lẻ cũng không thể xây dựng được. Cuối cùng chỉ có một doanh nghiệp xây dựng được là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang với thương hiệu gạo "Lúa trời" được quốc tế công nhận”, ông Nhân nói.

Năng suất cao, nông dân vẫn nghèo nhất

Bàn thêm về nguồn nhân lực, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, năm 1996 Việt Nam có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu, 20 năm tăng 19 triệu. Đây là tài sản quý giá và dự kiến đến 2035 có 68 triệu. Vì sao đây là lợi thế vô cùng quan trọng, hiện tất cả các nước phát triển đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì đẻ ít. Để lao động ổn định thì mỗi phụ nữ trong đời phải đẻ 2 cháu, như ở Hàn Quốc đẻ 1,25 lần, Singapore đẻ 1,26, Nhật 1,4 lần... như vậy Việt Nam có lợi thế lao động trong 30 năm nữa.

Về năng suất, 1 giờ lao động chế tạo máy ở Nhật gấp 29 lần, Singapore tốn 20 lần, Hàn Quốc 17 lần, Đài Loan 8 lần. Ông Nhân đặt câu hỏi tại sao Sam Sung vào Việt Nam và khẳng định vì tập đoàn này có công nghệ, vốn đầy đủ, chỉ thiếu lao động; trong vòng 5 năm đầu tư hàng tỉ USD, xuất khẩu hàng chục tỉ USD sản phẩm. "Điều đáng nói, công nhân Việt Nam đứng trước máy dệt, máy tiện so với người nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương, tức năng suất sản phẩm không thua các nước khác, nhưng tính năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn vì năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy, lương của lao động thấp hơn hàng chục lần so với lao động các nước. Tại sao chúng ta trồng lúa, trồng điều, nuôi cá năng suất cao nhất thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo. Do đó, cần phải phân biệt kỹ năng của lao động và đặc điểm cấu trúc sản xuất của Việt Nam", ông Nhân nói.

Kết thúc bài phát biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Phải coi trọng tối đa con người - đây là nguồn vốn lớn nhất của chúng ta, sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người là ưu tiên số 1. Tóm lại, tái cơ cấu thì phải tái cơ cấu tư duy, thay đổi tư duy, câu hỏi đầu tiên không phải tiền đâu mà thị trường ở đâu, sản phẩm gì, thế giới đang làm gì. Câu hỏi thứ hai người ở đâu? Câu hỏi thứ 3 có biết làm chủ công nghệ, kỹ thuật không?. Theo tôi tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam đứng trước thách thức nào cũng sẽ vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ 4 vốn ở đâu, câu hỏi thứ 5, đất ở đâu sẽ được giải quyết khi 3 câu hỏi trên đã có lời giải”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.