Tại sao công an không nổ súng tiêu diệt kẻ bắt cóc con tin ở Thủ Đức?

Thái Sơn
Thái Sơn
28/11/2020 16:07 GMT+7

Sự việc nam thanh niên “ngáo đá” dùng dao khống chế 3 con tin ở Q.Thủ Đức có tính chất nguy hiểm, diễn ra trong thời gian dài đã đặt ra vấn đề tại sao công an không nổ súng tiêu diệt khi luật cho phép?

Như Thanh Niên phản ánh, khoảng 20 giờ ngày 21.11, một thanh niên có biểu hiện bất thường, nghi “ngáo đá”, bất ngờ cầm hung khí đến một cửa hàng sữa trên đường Tô Ngọc Vân (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) khống chế 2 người phụ nữ và 1 cháu bé. Người này đã dùng băng dính quấn chặt ba người lại rồi dùng dao kề vào cổ ba người từ từ đưa ra ngoài đường.
Dù lực lượng Công an P.Tam Phú phối hợp cùng Công an Q.Thủ Đức có mặt tại hiện trường ngay sau đó để thuyết phục nam thanh niên bỏ vũ khí, thả con tin. Tuy nhiên người này bất hợp tác, đồng thời còn tỏ thái độ hung hãn hơn. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, lực lượng công an mới khống chế được nam thanh niên. Cả 3 nạn nhân được giải cứu an toàn nhưng rơi vào trạng thái hoảng loạn phải đưa vào bệnh viện.
Những hình ảnh, clip về vụ việc xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội ngay sau đó với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi vì sao lực lượng công an có mặt sớm tại hiện trường nhưng quá chậm trễ trong việc khống chế đối tượng? Đối tượng “ngáo đá” thường không tỉnh táo nhưng cơ quan công an chọn phương pháp thương lượng và việc thương lượng diễn ra quá lâu có đảm bảo an toàn cho con tin?...
Trao đổi Thanh Niên về tình huống này, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho rằng, bất cứ một vụ giải cứu con tin nào cũng chỉ được coi là thành công nếu như con tin được giải thoát và hạn chế được tối đa thiệt hại cả về người hay vật chất.
“Trong vụ giải cứu 3 người bị kẻ ngáo đá dùng dao khống chế tại Q.Thủ Đức, TP.HCM vào tối 21.11, tôi cho rằng lực lượng công an của TP.HCM đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ khi đã giải cứu an toàn cho các nạn nhân và khống chế kịp thời kẻ vi phạm, không để bất cứ hậu quả nào đáng tiếc xảy ra”, thiếu tướng Tô Ân Xô nói và cho biết ông đã nhận được khá nhiều phản ánh về sự việc này, trong đó có ý kiến cho rằng việc lực lượng chức năng để kẻ ngáo đá khống chế con tin trong thời gian quá lâu có thể xảy ra rủi ro và tại sao lực lượng công an không nổ súng khi luật cho phép?
“Nếu chỉ xem một vài hình ảnh và đoạn clip, rất khó để đánh giá bởi việc giải cứu con tin phụ thuộc vào lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà lực lượng công an phải phân tích đánh giá rồi đưa ra phương án tối ưu nhất trong rất nhiều phương án có thể triển khai, chứ không đơn giản là chuyện nổ súng hay không nổ súng”, tướng Xô nói.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng nêu một số vụ việc cụ thể, trong đó tại tỉnh Bắc Giang trước đây cũng đã xảy ra vụ một kẻ ngáo đá dùng liềm khống chế con tin rồi cố thủ trong nhà. “Khi đến hiện trường chúng tôi xác định kẻ bắt cóc dùng loại kiềm cắt lúa rất sắc kề vào cổ con tin rồi lôi vào nhà tắm đóng cửa lại. Lực lượng công an khi đó có đầy đủ phương tiện công cụ để xử lý nhưng chúng tôi không chọn phương án nổ súng bởi tính toán hiện trường cách cơ sở y tế rất xa, đường đi khó khăn. Trong trường hợp nổ súng mà con tin vẫn bị cứa liềm vào cổ thì có đưa đi cấp cứu cũng không kịp. Nhờ kiên trì vận động, thuyết phục mà Công an tỉnh Bắc Giang giải cứu thành công, đảm bảo an toàn cho con tin lẫn kẻ bắt cóc”, thiếu tướng Tô Ân Xô kể.
Dù cho rằng luật luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có các quy định cho phép lực lượng công an được quyền nổ súng đối với nhiều trường hợp, trong đó có tình huống bắt cóc con tin, song thiếu tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc nổ súng là biện pháp cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác, đồng thời cần phải có cả một quy trình, quá trình đánh giá tình huống, phòng ngừa rủi ro. “Kết quả vụ giải cứu đã nói lên tất cả, tại sao công an phải nổ súng trong khi đang có những phương cách tốt hơn”, tướng Xô nói. 

Người thi hành công vụ được nổ súng trong trường hợp nào?

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7.2018 quy định rõ các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Theo đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào những trường hợp sau đây: người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.
Công an được nổ súng khi biết rõ trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; được nổ súng khi biết rõ phương tiện do người phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.
  
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.