Tài xế lấn làn, ép xe máy văng xuống vực có thể bị truy cứu hình sự

24/09/2017 11:48 GMT+7

Việc tài xế xe khách lấn hết làn đường làm 2 vợ chồng đi xe máy lao xuống vực sâu hơn 2 m trên đèo Bảo Lộc có thể truy cứu hình sự tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, vào khoảng 17 giờ 20 phút ngày 16.9, ông Bùi Văn Dũng (44 tuổi, ngụ xã Quảng Ngãi, H.Cát Tiên, Lâm Đồng) điều khiển xe máy chở vợ là bà Trần Thị Nữ (42 tuổi) lưu thông theo hướng từ TP.Bảo Lộc đi TP.HCM.
Khi đến km 104 trên đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận TT.Đạ M’ri, H.Đạ Huoai) thì gặp một xe khách màu vàng (không rõ biển số) đang lưu thông theo hướng ngược lại lấn hoàn toàn qua phần đường bên trái để vượt một số ô tô đi cùng chiều.
Xe khách lấn hết làn đường làm xe máy cùng ông Dũng và vợ lao xuống vực sâu hơn 2 m trên đèo Bảo Lộc. Ngay sau đó, chiếc xe khách có liên quan đến vụ tai nạn đã bỏ chạy khỏi hiện trường. Hậu quả ông Dũng bị thương nặng, còn bà Nữ trầy xước nhẹ.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết nếu đúng như thông tin báo chí đăng tải là tài xế cố tình lấn làn (đi sai làn đường quy định) dẫn đến gây tai nạn cho người tham gia giao thông thì có thể xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, theo Điều 202 Bộ Luật hình sự. 
Cụ thể, Điều 202 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Trong trường hợp như Báo Thanh Niên phản ánh, tài xế xe khách đã vi phạm Điểm c, Điều 202 Bộ Luật hình sự về hành vi “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” và hành vi này bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.
“Tuy nhiên, để xử lý đúng hành vi gây tai nạn thì cơ quan chức năng phải chứng minh đầy đủ những dấu hiệu như: Ai là người điều khiển xe? Có lấn làn trái phép hay không? Người bị tai nạn giao thông có mức độ thương tích như thế nào...?", luật sư Học cho biết.
“Trong trường hợp không chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành việc vi phạm luật giao thông của xe khách trên thì có thể xử lý hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ của vụ việc", luật sư Học nói thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nếu sự việc đúng như diễn tả, từ việc xe khách vượt xe cùng chiều, lấn làn sang cả phần đường ngược chiều dẫn đến việc người cầm lái xe gắn máy không còn đường lưu thông mà phải lao xe xuống vực thì tài xế xe khách đã vi phạm Luật giao thông đường bộ.
LS Công chỉ rõ: "Chứng cứ quan trọng nhất là tìm được camera của chính xe khách gây tai nạn hoặc xe khác đang lưu thông làm bằng chứng xác thực nhất thì dù cho tài xế xe khách không thừa nhận hành vi thì cũng đủ cơ sở xác định trách nhiệm cùng với quá trình điều tra thu thập các chứng cứ khác thông qua dấu phanh, vị trí xe máy rời nền đường".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.