Tăng nguồn thu từ khách đi "bụi"

25/03/2012 14:36 GMT+7

Lâu nay ở VN thường đề cao nguồn khách du lịch nước ngoài đi theo đoàn và có phần xem nhẹ đối tượng khách lẻ, đi "bụi". Trong khi đó, nếu các dịch vụ phục vụ lượng du khách này được vận hành nhịp nhàng chắc chắn sẽ có nguồn thu không nhỏ, tạo đà cho nhiều ngành nghề cùng phát triển.

Du khách quốc tế, nhất là giới trẻ và trung niên, phần lớn thích chủ động sắp xếp lịch trình du lịch để không bị bó buộc với tuyến điểm cố định hoặc bị ép vào các điểm mua sắm, bởi trong thời đại của Internet và thương mại điện tử, các dịch vụ cần thiết cho chuyến đi tới những vùng xa xôi nhất cũng có thể lựa chọn dễ dàng và đặt mua trước nhiều tháng chỉ với vài cú click chuột.

Nguồn thu không nhỏ từ khách du lịch tự do

Được gọi nôm na là "Tây balô", nhưng không phải "Tây balô" nào cũng đi du lịch tiết kiệm vì ít tiền mà phần lớn họ muốn trải nghiệm cuộc sống đời thường của người bản xứ.

 
Du khách nước ngoài trên bãi biển Quan Lạn, Quảng Ninh - Ảnh: Hoàng Hải

"Trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa là điều tôi muốn trong khi du lịch, nhờ đó tôi sẽ hiểu được nơi tôi đến" - anh Jürgen Richter, một doanh nhân trẻ người Đức, đã cho biết như thế khi kiên nhẫn chờ tàu từ bến Vân Đồn ra đảo Quan Lạn. Và những lữ khách "lọ mọ" này, như cách anh nói, chính là sứ giả truyền tin, quảng bá rất hữu hiệu bởi những gợi ý, chia sẻ của họ rất được cộng đồng du lịch tin cậy, thậm chí có thể tạo thành trào lưu đông người chọn.

Số lượt khách quốc tế đến VN tăng sẽ tạo hiệu ứng rất tốt trong kinh doanh bán lẻ. Hàng không tăng chuyến, thêm đường bay, khách sạn, nhà hàng, bảo tàng, doanh nghiệp vận chuyển... tăng lượt khách. Các dịch vụ phục vụ du khách đi lẻ nếu được vận hành nhịp nhàng chắc chắn có nguồn thu không nhỏ và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Sự phát triển du lịch sẽ tạo đà cho nhiều ngành nghề cùng phát triển, thu hút thêm cơ hội đầu tư nước ngoài.

VN đã sẵn sàng?

Thương mại điện tử ở VN chưa phát triển, nhiều bất tiện với khách lẻ. Rất nhiều dịch vụ không mua được trực tiếp trên mạng như vé xe lửa, xe khách, tàu thuyền, xem biểu diễn..., thậm chí mua vé máy bay, đặt phòng online cũng không suôn sẻ, phải qua đại lý. Các danh thắng, bảo tàng phần chú thích sơ sài, không có thiết bị hướng dẫn tự động (audio guide) bằng ngôn ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc... đã khiến rất nhiều khách du lịch lẻ lúng túng, không biết xoay xở ra sao ở nơi xứ lạ quê người.

Mới đây dư luận xôn xao về bài viết "hot" của một blogger người Mỹ tuyên bố thẳng thừng không bao giờ muốn quay lại VN. Những cây viết quen thuộc trên diễn đàn của tạp chí du lịch Đức Geocommunity cũng kêu ca về hệ thống xe khách đường dài không chạy đúng giờ, nhồi nhét khách hay chuyện vào nhà hàng bị ép ăn những món họ không gọi...

Không thể phủ nhận, tâm lý kinh doanh du lịch "Tây balô ấy mà, làm gì có tiền" cùng kiểu chèo kéo, bám đuôi của các "cò" khiến khách hoảng sợ, hoang mang; nhiều nơi báo giá hỗn loạn, làm ăn mang tính chụp giật là có thật. Và một lần đến VN với những du khách này, vì thế, là quá đủ.

Do đó nếu các cơ quan quản lý du lịch không phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như giao thông, văn hóa... để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện quan niệm kinh doanh với du khách không theo đoàn thì đất nước giàu tiềm năng của chúng ta mãi vẫn luôn là điểm đến... tiềm năng.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.