Tăng quyền lực cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử

16/03/2015 19:01 GMT+7

(TNO) Chiều nay 16.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).

(TNO) Chiều nay 16.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).

giam-satDự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND bổ sung nhiều quy định tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử - Ảnh: Trường Sơn

HĐND có quyền giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp

Trình bày tờ trình về dự luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Một trong số quy định đó là “giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc yêu cầu, kết luận, kiến nghị và nghị quyết về giám sát".

Dự thảo cũng quy định, căn cứ vào kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền quyết định bãi bỏ một phần, hoặc toàn bộ nghị quyết sai trái của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; giải tán hoặc theo đề nghị của Chính phủ quyết định giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.

Tương tự, căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND có quyền quyết định giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.

Công khai, minh bạch, tránh chồng chéo

Dự luật còn quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, HĐND, bằng việc bổ sung quy định nhằm xác định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát.

Theo đó, thời hạn gửi nội dung trả lời chất vấn là 20 ngày; thời hạn xem xét, thực hiện kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản có dấu hiệu trái với Hiến pháp, pháp luật là 30 ngày; thời hạn thông báo cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội là 7 ngày...

Dự luật cũng bổ sung các quy định cụ thể để tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, như quy định các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Trường hợp trả lời câu hỏi chất vấn bằng văn bản thì nội dung trả lời chất vấn không chỉ được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn mà còn được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khác; hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND được tổ chức công khai; quy định các cơ quan thông tin đại chúng có quyền tiếp cận, đưa tin về hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật...

Cũng theo dự luật, chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; trường hợp cần thiết, được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.