Tập trung giải quyết bức xúc về nhà đất

11/04/2013 03:30 GMT+7

UBND TP.HCM đang nỗ lực giải quyết bức xúc của người dân trong vùng bị quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để cấp “sổ đỏ” cho dân.

PV Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Theo chủ trương mới của TP, người dân trong vùng quy hoạch sẽ được cấp phép xây, sửa nhà; nếu trong 5 năm quy hoạch đó không thực hiện, thì họ sẽ được đền bù vật kiến trúc xây, sửa mới. Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương này?

 

 

Đây là vấn đề mà người dân rất bức xúc bấy lâu nay nên bây giờ TP phải nhanh chóng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bà con 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín

Đây là vấn đề mà người dân rất bức xúc bấy lâu nay nên bây giờ TP phải nhanh chóng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bà con. Trong luật hiện nay, những khu vực chưa có quy hoạch và không phù hợp quy hoạch là không được cấp phép xây dựng. Điều này cũng có nghĩa là việc cấp phép xây dựng chỉ thực hiện đối với đất ở, phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, trong thực tiễn của TP.HCM thì có rất nhiều hộ dân xây nhà và đã ở ổn định trên đất nông nghiệp 20, 30 năm rồi. Theo quy định thì đất nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận là đất ở. Vì thế mà cũng không được cấp phép xây sửa gì hết. Đây là một vướng mắc lớn mà mình không thể không giải quyết cho người dân.

TP đang tập trung tháo gỡ vướng mắc này. Một mặt là kiến nghị với trung ương để giải quyết theo hướng: nhà đã ở ổn định lâu dài, tức là đã ở lâu nay rồi; không khiếu nại, tranh chấp; phù hợp quy hoạch sẽ được cấp. Riêng nội dung phù hợp quy hoạch có 2 ý cần phải nói rõ. 1/ Hiện tại là đất nông nghiệp nhưng dự kiến sẽ quy hoạch thành đất ở thì đương nhiên được cấp, cho dù chưa quy hoạch mình vẫn cấp trước vì trước sau gì cũng phải cấp. 2/ Trong trường hợp quy hoạch đất nông nghiệp đó thành đất công viên chẳng hạn (không trùng mục đích sử dụng), có nghĩa là nhà ở của dân đã ở ổn định lâu dài trên đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch, thì mình vẫn cấp giấy chứng nhận, cho phép sửa chữa, xây mới. Nếu trong 5 năm nhà nước thực hiện quy hoạch làm công viên thì sẽ không đền bù vật kiến trúc sửa chữa hoặc xây mới. Nhưng ngoài 5 năm mà nhà nước chưa làm thì lúc đó mình sẽ đền bù.

Đối với những dự án đã quy hoạch nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện, TP giải quyết như thế nào cho những hộ trong diện di dời, giải tỏa?

Ở đây có 2 trường hợp. 1/ Nếu phủ quy hoạch sau khi người dân đã có nhà ở hợp pháp thì mình vẫn cho xây dựng và đền bù nếu quy hoạch chậm triển khai. Nói chính sách mới là nó nằm ở điểm này vì không hạn chế quyền lợi người dân. 2/ Đối với những dự án mới chấp thuận địa điểm đầu tư thì về nguyên tắc là chưa có quyết định thu hồi đất nên quyền lợi của người dân vẫn được thụ hưởng bình thường, không bị ảnh hưởng gì. Nếu chủ đầu tư muốn làm thì phải thỏa thuận với người dân trong vùng dự án. Riêng những dự án đã có quyết định thu hồi đất thì không cấp phép xây dựng nữa để đảm bảo thực hiện quy hoạch và tránh gây thiệt hại cho người dân.

Tập trung giải quyết bức xúc về nhà đất 1

Tập trung giải quyết bức xúc về nhà đất 2 
Nhà xây sai thiết kế, nhà mẫu vẫn được cấp phép xây dựng và cấp sổ nếu phù hợp quy hoạch chung - Ảnh: Đình Phú - Diệp Đức Minh

TP sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đền bù cho dân khi chậm thực hiện quy hoạch và có kế hoạch gì nhằm đảm bảo các quy hoạch sẽ thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng phải đền bù?

Đây là chủ trương mới của TP và chúng tôi đã có tính toán làm sao thực hiện những chính sách đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng cho người dân. Song song đó, TP đang quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện nhanh các đồ án đã quy hoạch. Thời gian qua, TP thực hiện rất nhiều quy hoạch về tổng thể xây dựng, giao thông, cấp nước, thoát nước… Có nhiều dự án, công trình đã thực hiện và giải quyết tốt quyền lợi người dân bị ảnh hưởng nhưng hiện vẫn còn nhiều dự án, công trình đang trong giai đoạn triển khai; vì thế cũng còn nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng quyền lợi về nhà đất. Đây là vấn đề chúng tôi luôn quan tâm và trăn trở.

Khó khăn lớn nhất mà TP đối mặt trong việc thực hiện quy hoạch là nguồn vốn. Riêng về lĩnh vực giao thông, nếu thực hiện theo quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt, thì từ nay đến 2020 và 2025, theo ước tính mỗi 1 năm bình quân cần đến 4 tỉ USD. Như vậy, trong 10 năm tới cần phải có 40 tỉ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng thì mới khẳng định chắc chắn là mình thực hiện được quy hoạch. Thế nhưng trong điều kiện thực tiễn hiện nay, việc huy động chừng ấy tiền đâu dễ dàng. Ví như bây giờ TP đang thực hiện xây dựng 5 tuyến metro, kinh phí đầu tư 1 tuyến ít nhất 1,5 tỉ USD, chưa kể TP đang làm một loạt trục giao thông xuyên tâm, hướng tâm quy mô lớn, các đường vành đai... cũng cần đến nguồn vốn hàng chục ngàn tỉ đồng. Mặc dù TP luôn nỗ lực tập trung huy động mọi nguồn lực nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, rất khó có thể làm xong ngay trong nhiệm kỳ này. Mình phải hiểu được thực tế này để tìm hướng giải quyết phù hợp.

Kỷ luật cá nhân, đơn vị “hành” dân

Nếu như người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, được cấp phép xây dựng mà vẫn bị các quận huyện “hành” hoặc gây khó dễ thì TP sẽ xử lý ra sao? Người dân sẽ phản ánh lên cấp nào để được hỗ trợ giải quyết kịp thời?

TP đặc biệt lưu ý các quận huyện phải thực hiện nghiêm túc chủ trương mới này, phải xem xét từng trường hợp hộ gia đình cụ thể, kịp thời giải quyết để đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con. Đối với những trường hợp lợi dụng chủ trương này rồi cắt đất, chia lô, bán nền, đầu cơ thì phải xử lý, chấn chỉnh ngay vì cứ để phát sinh vô tội vạ rồi mình công nhận hết là chết.

TP cũng đã chỉ đạo các quận huyện sáp nhập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng Tài nguyên - Môi trường theo mô hình “một cửa - một dấu” để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Lãnh đạo các quận huyện phải công khai minh bạch thủ tục hành chính để người dân dễ dàng nắm bắt, hiểu rõ quy định; đồng thời cũng phải công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh nếu bị “hành” hoặc bị vòi vĩnh. Khi đã phản ánh ở cấp quận huyện rồi nhưng không được giải quyết, bà con có thể phản ảnh lên Sở Tài nguyên - Môi trường. Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP và chúng tôi sẽ chỉ đạo giải quyết, xem xét kỷ luật những cá nhân, đơn vị liên quan có sai phạm.

300.000 trường hợp cần giải quyết cấp bách

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ), TP đã có kế hoạch tổ chức triển khai. Theo đó, tổng số lượng cần cấp sổ trên toàn địa bàn TP lên đến hơn 300.000 trường hợp và đến 30.9.2013 sẽ cơ bản cấp xong những trường hợp đủ điều kiện.

Đối với 142 dự án phát triển nhà ở với khoảng gần 30.000 căn hộ, những trường hợp đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không xúc tiến làm sổ cho khách hàng, Sở TN-MT phải khẩn trương phối hợp các quận, huyện rà soát để “truy trách nhiệm” chủ đầu tư, đồng thời thực hiện nhanh việc cấp sổ cho dân; những trường hợp khách hàng chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính vẫn được cấp nhưng ghi rõ số tiền nợ trên sổ. Đối với những dự án nhà ở sai thiết kế, nhà mẫu nhưng phù hợp với quy hoạch chung thì vẫn được cấp sổ...

Ngoài ra, ông Tín chỉ đạo các sở ngành, quận huyện lập “danh sách đen” những chủ đầu tư dự án nhà ở chây ì trốn tránh trách nhiệm hoặc bỏ rơi khách hàng trong việc làm sổ. “Những chủ đầu tư dạng này thì sẽ không cho làm thêm các dự án nhà ở khác nữa”, ông Tín khẳng định.

Đình Phú (thực hiện)

>> Cần thêm “cửa” cho người nước ngoài mua nhà, đất
>> Giải quyết tình trạng chậm cấp giấy tờ nhà đất
>> Phối hợp nhiều giải pháp để tháo gỡ thị trường nhà đất
>> Nhà, đất giá “mềm” vẫn hút khách hàng
>> Thị trường nhà đất tiếp tục khó khăn vì tâm lý chờ hạ giá
>> Doanh nghiệp nhà đất kiệt quệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.