Tết bắt đầu từ... chợ

04/02/2016 09:19 GMT+7

Chợ tết Sài Gòn xưa rực rỡ sắc màu, tràn ngập hàng hóa và hoa quả, thức ăn. Gần như chợ Bến Thành và khu Nguyễn Huệ, Lê Lợi là bộ mặt của chợ tết Sài Gòn.

Chợ tết Sài Gòn xưa rực rỡ sắc màu, tràn ngập hàng hóa và hoa quả, thức ăn. Gần như chợ Bến Thành và khu Nguyễn Huệ, Lê Lợi là bộ mặt của chợ tết Sài Gòn.

Bán hàng tết trước chợ Bến Thành - Ảnh: T.LBán hàng tết trước chợ Bến Thành - Ảnh: T.L
Năm 1940, Jeanne LT đã viết trong báo xuân Dân Chúng như sau: “Gần tết chung quanh chợ Bến Thành các gian hàng lần lượt mọc như mọi năm.
Thành phố Sài Gòn bị tắt đèn vì cuộc phòng không thụ động. Nhưng công chúng ở Sài Gòn không sợ tối trời, không đếm xỉa gì đến máy bay Xiêm, vẫn rủ nhau đi chợ tết như thường...
Chợ tết năm nay không có gì lạ. Chỉ thấy bánh mứt, bông giấy, các thứ rượu và rất nhiều đồ tây của người ta đặt mà không lấy rồi tiệm may chờ tết đem ra bán…
Chợ tết năm nay có một điều đặc biệt nữa là từ bánh mứt đến hàng lục, giày nón, vải bô, thứ gì cũng tăng giá xấp hai, xấp ba năm trước cả. Xu năm xu một vẫn thiếu, lại thêm một điều trở ngại nữa. Ai cũng than đồ năm nay mắc quá”.
Và chợ tết Bến Thành của năm 1944 trong một bài viết trên báo xuân Sài Gòn của ông Nguyễn Đức Nhuận:
“Mặc dầu chiến tranh bước qua năm thứ 5, mặc dầu sự sống ngày càng khó khăn thêm vì những sự thiếu thốn, chợ tết Sài Gòn năm 1944 vẫn cứ tưng bừng náo nhiệt, chẳng kém gì mọi năm. Người ta vẫn ăn chơi, vẫn mua sắm, mỗi năm công chúng vẫn dập dìu đi quanh bồn binh chợ Sài Gòn, lượn qua, lượn lại những gian hàng cất bằng tre và lá, thắp đèn sáng...”.
Tạp chí Bách Khoa, một tạp chí thiên về nghị luận văn hóa, thế mà vẫn có bài phóng sự của Vũ Thanh Ly: “Năm nào cũng vậy, tết bắt đầu từ chợ Bến Thành, khi những nhà "mại dô" chuyên nghiệp và những ông hàng bánh kẹo được họp chợ công khai trên vỉa hè đường Lê Lợi và quanh bốn bức tường chợ Bến Thành...”.
Báo xuân Trắng Đen năm 1970 có làm một phóng sự ảnh với những chú thích: “Rừng hoa Nguyễn Huệ, với những chiếc lưng nõn nường của các em gái Sài Gòn khoe da đú đởn. Bên cạnh một em gái khác cười duyên bên hoa thược dược rộn ràng trong từng ngọn gió đông”.
“Mặc dù lấy dâu hiệu là hình anh Bảy Chà đen đúa nhưng chàng Chà Và vẫn là tay hảo ngọt trứ danh. Năm nào đi ngang qua gian hàng anh cũng thấy những đóa hoa biết nói mời đón khách hàng…”.
“Ai muốn mua vải mới cứ về khu hàng vải Tạ Thu Thâu một con đường ngắn ngủn bên hông chợ Sài Gòn…”
Những người đi chợ tết là những ai? Ngoài những nam thanh nữ tú lấy chuyện bát phố Sài Gòn như là một cái thú “lêu bêu cả ngày không mua một thứ, không sắm một vật mà chỉ để ngắm cho đã và chen cho thỏa” là những người dân lao động, công, tư chức làm việc ăn lương.
“Người giàu có thì lo sắm tết sao cho hơn người. Nào là kén chọn từng cành mai, chậu quất cho thật lớn, thật đắt tiền, để trang hoàng nhà cửa cho rực rỡ, nào là sắm sửa quần áo, giày dép cho thật sang trọng để chưng diện với thiên hạ. Tuy nhiên, không phải là cứ có tiền là cái gì cũng được hài lòng cả. Nhiều khi mua lầm, hoặc bị phỗng tay trên, hoặc không kén chọn được thứ vừa ý, tất cả đều có thể đem đến cho họ những cái khó chịu trong dịp sắm tết. Dầu sao, những cái khó chịu này cũng không thể đem sánh được với những cái khó chịu của kẻ ít tiền trong lúc năm hết tết đến” (Đoàn Bích - Thời Nay số 10).
Và cũng không thiếu những gương mặt mà dưới ngòi bút phóng sự của Tú Gầy trên tạp chí Thời Nay năm 1960 có nhận xét châm biếm: “Người đủ hạng chen nhau từng vai, lấn nhau từng bước. Nầy đây, một cặp vợ chồng, thân hình phốp pháp, gương mặt bóng như tráng mỡ, từ trên chiếc xe hơi lộng lẫy, tối tân bước xuống, lách vào đám đông để khi ra ôm đầy “chất” xuân trong lòng rồi lại lên xe rồ máy, biến vào giữa rừng người hỗn độn của đô thành”.
“Ở một nơi khác, một ông già gầy guộc, ốm yếu, quần áo rách rưới đang lê bước trong cái dập dìu của chợ tết, chìa chiếc mũ (cũng tang thương như thân hình ông) về phía trước, vừa đi vừa hát bài “con cá” để sắm tết bằng cách kêu gọi lòng từ thiện của thiên hạ. Dân móc túi cũng gia tăng hoạt động trong những ngày đầy những con mồi”.
Tú Gầy viết: “Tôi đang ra sức chen lấn thì một thanh niên ăn mặc tầm thường với chiếc mũ phớt lụp xụp che gần hết trán và mắt, ghé vào tai tôi nói: “Cậu mua viết máy không? Viết gì? Paker 61, một cặp mới nguyên. Vào tiệm mua thì phải hơn 2.000 nhưng ở đây xin cậu 1.000 đồng”. Biết là gặp một tay “chạy” chuyên nghiệp…”.
Vũ Thanh Ly cũng nêu một hình ảnh xót xa: “Hai mẹ con bà ta lủi thủi đi giữa đám đông. Bọc quần áo cắp dưới nách, chiếc giỏ đứt quai đeo bên người. Đứa nhỏ một tay ôm quần, một tay nắm áo mẹ. Họ đi từ phía tòa án, lạc lõng giữa đám người mua bán để rồi quay lại tòa án, sau khi đã dạo qua một lượt “chợ tết”. Được biết chồng bà ta dính líu đến vụ trộm trâu, bò gì đó. Hai mẹ con dắt nhau từ dưới tỉnh lên, không có nổi trăm bạc vào thăm chồng”.
Bán dưa hấu dịp tết trước chợ Cầu Ông Lãnh
“Hàng hóa càng mắc, người ta lại càng mua”
“Hình như sự sống tuy mắc mỏ song đồng tiền dễ kiếm. Hoặc người ta vui được ngày nào hãy cứ vui. Nên hàng hóa càng mắc, người ta lại càng mua. Một thước vải ba, bốn cắc bây giờ bán tới chín, mười đồng...” (Báo Sài Gòn).
Trở lại với Jeanne LT vào chợ tết Bến Thành năm 1940: “Hàng bánh mứt chị em ngồi ngáp dài dài... Người ta có đi ngang qua đó nhưng chỉ là khách du, chỉ ngó rồi đi không màng trả giá mắc rẻ thế nào. Bạn biết tại sao không đường đã đắt còn cộng thêm những vật liệu làm mứt đặc biệt khiến cho một ký mứt thấu ngàn. Một gia đình lao động làm sao đủ can đảm cầm bánh mứt để hỏi thăm giá cả (Trắng Đen, phóng sự ảnh năm 1967).
Tuần san Phòng Thương Mãi Sài Gòn (số 441) có nhận định: "Đối với thương gia, chợ tết là những ngọn roi thần quật vào con ngựa “thị trường” phi nước đại tống đi bao hàng hóa sản xuất trong một năm. Từ rằm tháng bảy âm lịch, Tết Trung thu kế đến là lễ Giáng sinh và kết thúc bằng cái Tết Nguyên đán nên thương mãi hoạt động cực kỳ sôi nổi. Điều đó đã thành quy luật.
So sánh bảng giá cả thực phẩm chợ tết năm 1965 so với chợ tết năm 1966 chúng ta mới hình dung được chiều lên của vật giá. Năm 1965 thịt heo tăng giá 100 đồng/kg dân chúng đã kêu thanh thì năm 1966 đã vọt đến 200. Không kể các món xa xỉ mà công chức cấp trên cũng dè xẻn không dám xài. Chính các món cần thiết như thịt cá, gà vịt, rau cải cũng hết sức rất mắc. Vì vậy, công chức cấp dưới khi mượn được nửa tháng lương kể như không thể nào mua sắm tết nổi”.
Và tác giả Đoàn Bích trên báo Thời Nay số 10 (năm 1973) đã cám cảnh: “Tết đến sau lưng/Con trẻ thì mừng, cha mẹ thì lo”… Cái “lo” sắm tết chính là nỗi khó chịu đầu tiên của chúng ta vậy.
Một anh bạn tư chức của tôi mỗi tháng lãnh 4 ngàn, vào dịp tết anh được vay thêm một tháng lương nữa, tất cả là 8 ngàn đồng. Vậy mà anh phải than khổ vì anh có tới 9 đứa con lớn, nhỏ, mà mỗi đứa đều đòi một bộ quần áo mới, giày mới, mũ mới. Lại còn ông bà thân sinh ra anh, một bà chị, ba đứa cháu, và tất nhiên cả vợ anh nữa, cũng phải mỗi người may một bộ mặc tết kẻo thiên hạ chê cười. Rút cuộc, vì ba ngày tết anh bạn tôi đã nợ nhiều lại phải nợ thêm!”.
Xe thổ mộ trước chợ Bến Thành
Xe ngựa cũng tăng giá
Không phải đến tận bây giờ ta mới bị nạn xe taxi ép giá mà chuyện này đã là “truyền thống”, ngay cả xe... ngựa (thổ mộ) cũng tăng giá mặc dù ngựa cũng đâu có ăn thêm cỏ.
“Nhơn dịp ra chợ tết thấy rõ cái nạn thổ mộ và xích lô. Xe thổ mộ chặt bắt lõng người ta, đường đi không đáng hai cắc, chúng đòi ăn tới tám cắc, xe xích lô ỷ đông người đi, chỉ lựa khách sang với gái giang hồ mới chịu đi còn những người khác kêu chúng ngoảnh mặt làm ngơ...” (Báo Sài Gòn xuân).
Đó là chuyện năm 1944, còn năm 1966 Tuần san Phòng Thương Mãi Sài Gòn than:
“Xích lô mỗi cuốc 7 đồng xin 10 đồng. Taxi tăng giá 50%. Chợ tết năm Bính Ngọ 1966 taxi chạy theo đồng hồ cứ mỗi cuốc trước 10 đ thì ngả giá 30 đ. Nếu khách đi một mình thì tài xế giao trước dọc đường cho rước thêm nếu khách không bằng lòng thì bỏ chạy luôn không thèm chở.
Vé xe đò lục tỉnh bán chợ đen 100% mà phải mua trước một ngày. Xe ở tỉnh giá tăng 50%”.
Đó là những cái chuyện “lặt vặt, phiền phức” như phương ngôn ta thường nói:
“Chạy giỗ cha không bằng lo ba ngày tết”, tuy nhiên xuân và tết cũng mang đến cho ta cái rạo rực nao nao của sự đoàn tụ gia đình, của sự trở về ấm áp còn mọi thứ để... sang năm tính.
Nhưng thôi, ít nhiều cũng ăn tết. (Jeanne LT)
Giá cả sinh hoạt tại Sài Gòn năm 1966: 35 đồng = 1 USD.
Vàng: 9.800 đồng/lượng. Một trứng vịt 4 đồng, một lít dầu lửa 8 đồng. Một ký thịt nạc đùi heo 130 đồng.
Rộn ràng đi coi cải lương
NSND Lệ Thủy kể: “Hồi đó hát tết vui lắm, nhưng mà cực vô cùng. Ở Sài Gòn thì chúng tôi hát nhiều nhất ở rạp Hưng Đạo. Rạp này là rạp lớn, nên khán giả đông lắm. Thường thì hát 2 suất. Trưa từ 3 - 6 giờ. Tối từ 7 giờ 30 - 10 giờ 30. Khán giả ở các quận vùng ven cũng bao xe lam tới coi. Còn khán giả ở tỉnh có khi cũng lên coi nữa. Đoàn hát cũng xuống tới tỉnh hát, nhưng nhiều người thích đi Sài Gòn như đi du lịch vậy mà, và trong chuyến du lịch nhất định phải có coi cải lương. Họ nói coi cải lương trên Sài Gòn mới “đã”. Có người đứng chờ miết ở cửa sau của rạp để nhìn mặt đào kép khi vãn hát. Các rạp hát ở Sài Gòn ngày tết rộn ràng vô cùng, vì các đại bang đóng đô suốt, toàn ngôi sao nổi tiếng. Nhưng các đoàn lớn như Kim Chung thì có thêm mấy đoàn nữa để chia nhau đi tỉnh, đào kép cứ thế mà thay phiên nhau hát ở Sài Gòn và ở tỉnh”.
Nghệ sĩ Hồng Nga cho biết: “Sài Gòn hồi đó hầu như giải trí chỉ có phim, đại nhạc hội và cải lương. Mà cải lương vẫn là chính, dù cho có giai đoạn nó thăng trầm nhưng cuối cùng vẫn trở về với vị trí của nó. Tưng bừng lắm, chứ không im ắng như bây giờ. Vé bán hết từ nửa tháng trước. Ai vô trễ ngồi ghế súp, cũng chịu luôn. Mấy ngày tết khán giả nhất định phải coi được 2 - 3 tuồng cải lương mới thỏa lòng. Ông bầu nào cũng ráng kiếm tuồng ăn khách để hốt bạc mùa tết. Còn nghệ sĩ tụi tui thì được lãnh lương “đúp”, là cát sê gấp đôi ngày thường. Cho nên dĩ nhiên là thích hát tết. Nhưng cực lắm nghen. Ăn uống qua loa, ngủ nghê ít ỏi, mở mắt ra là thấy tới giờ làm mặt, chẳng kịp ăn gì đâu, có khi vài khoanh bánh tét cầm hơi cũng đủ. Miễn có khán giả là khoái nhất rồi”.
Hoàng Kim (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.