Thăm căn nhà số 250 phố Văn Minh, Quảng Châu

01/09/2005 22:09 GMT+7

Ngày 11/11/1924, Hồ Chí Minh lấy tên là Lý Thụy từ Moscow về Quảng Châu (Trung Quốc) với danh nghĩa là thư ký và phiên dịch cho Cố vấn chính trị Quốc tế Cộng sản Bolodin hoạt động bên cạnh Tôn Trung Sơn. Tại đây, Người đã liên lạc với lãnh đạo của Tâm Tâm xã của Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu và các nhà cách mạng trong nước.

Tháng 6/1925, Tâm Tâm xã được cải tổ và đổi tên thành Thanh niên cách mạng đồng chí hội đặt trụ sở tại 13/1 phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - nay là số 250. Tổ chức này là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay với cương lĩnh trước hết là đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh làm Chủ tịch hội kiêm công tác tuyên truyền và Hồ Tùng Mậu phụ trách công tác tổ chức.

Ai cũng biết trong thời kỳ này, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên - cơ quan tuyên truyền của Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã ra số đầu tiên. Ngày ấy được lấy làm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cho đến nay.

Văn Minh là một con phố cũ của Quảng Châu, rợp bóng cây xanh và rộng chỉ độ 15 mét. Ngôi nhà gạch 2 gian, 3 tầng ở số 250, tuy cũ nhưng nổi bật giữa các tiệm buôn bán nhờ được chăm sóc tốt. Có một lối nhỏ vào cầu thang rộng chưa đầy 1 mét. Đây là một cơ sở của Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc tại Quảng Châu. Phải đi rất cẩn thận lên tầng 2 - 3 bằng một cầu thang nhỏ bằng gỗ và rất dốc. Tầng 2 gồm phòng trưng bày các hình ảnh Bác Hồ hoạt động ở Quảng Đông từ trước khi có Đảng Cộng sản và những lần đến thăm Quảng Châu trước năm 1967. Gian bên là lớp học chính trị với những bàn ghế còn được giữ lại nguyên vẹn trong suốt 80 năm qua; trên cùng lớp học, vị trí thường được đặt bảng đen, ngày nay được thay bằng một bức tranh cỡ lớn tái hiện cảnh Hồ Chí Minh đang đứng lớp giảng bài, bên dưới là khoảng 15 học viên đang chăm chú học tập. Tầng 3, phòng họp và làm việc chiếm diện tích rộng hơn ở phía trước, đây cũng là nơi cho các thành viên đánh bóng bàn những lúc rảnh rỗi. Trên chiếc bàn cũ vẫn còn đó bộ cốc uống chè, chiếc giỏ tre đựng vật dụng, tấm bảng nhỏ ở góc tường đính một vài tờ báo đã cũ. Người hướng dẫn còn kể thêm, những số báo Thanh Niên ngày ấy được Bác Hồ và các cộng sự thực hiện ngay trên chiếc bàn và trong căn phòng thưng vách gỗ này! Phía kế sau là phòng ngủ cho các học viên vẫn còn nguyên những chiếc giường tầng và một vài vật dụng như gối, chiếu, một chiếc ghế mây đã sờn cũ. Gian còn lại của tầng này là phòng ngủ của Bác Hồ những ngày xa xứ, vẫn còn đó những vật dụng đơn sơ... Tất cả các phòng đều được thưng bằng gỗ ván. Gian bếp ở sau cùng tầng 3 không có mái che: Những móc treo vật dụng, chiếc ấm nấu nước đặt trên ba viên gạch, mấy chiếc thau bằng đồng trên một bục gỗ đã cũ dùng để rửa mặt vào những buổi sáng... Chị hướng dẫn người Trung Quốc nói: "Những ngày mưa gió ở chỗ này, muốn có cái ăn phải rất vất vả!".

Thời gian ở Quảng Đông và đi thăm di tích lịch sử này không dài, nhưng chúng tôi đã có dịp đến công viên lịch sử Hoàng Hoa Cương - nơi yên nghỉ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái và ngôi nhà 250 phố Văn Minh, nơi 80 năm trước tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên đã ra đời. Quả là một cơ hội hiếm hoi.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.