Thủ tướng: Bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng dặm biển khơi xa của Tổ quốc

24/03/2021 15:20 GMT+7

“Giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi tấc đất biên cương, mỗi dặm biển khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ Quốc".

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, sáng 23.3.
Theo Thủ tướng, với phương châm được đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, nhìn tổng thể cả nhiệm kỳ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt và sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm 2016 - 2020, tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.
Trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng xuống biển” để có thể hành động và điều hành phù hợp với thực tiễn.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã khai mạc sáng nay tại Hà Nội

Ảnh Gia Hân

Đột phá chiến lược để ổn định kinh tế vĩ mô

Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới 3 đột phá. Đột phá về vấn đề thể chế, xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đột phá về xây dựng nguồn nhân lực và đột phá về kết nối đồng bộ hạ tầng mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Điều hành các chính sách vĩ mô đồng bộ, chủ động, linh hoạt; phối hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỉ USD.
Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỉ USD năm 2015 lên 517 tỉ USD năm 2019 và đạt 545 tỉ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.

Cơ cấu lại nền kinh tế

"Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và để tiếp đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp gắn với vận hành hiệu quả các nguồn lực tín dụng, tài khóa, đầu tư công... đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế biển", Thủ tướng nói.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực về minh bạch, năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, những doanh nghiệp, dự án thua lỗ lớn, kéo dài được đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó nhiều dự án hoạt động trở lại, giảm lỗ, ổn định và tiến tới có lãi; đã có 3 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém phải xử lý.
Thủ tướng cho rằng, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia. Hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực. Thu hút 175 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn thực hiện đạt hơn 60%, trong nhiệm kỳ vừa qua.

Phát huy sức mạnh “nội sinh”

"Khi kinh tế càng phát triển thì chúng ta càng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và chính sự năng động sáng tạo của người dân, doanh nghiệp là nguồn nội lực bền vững cho phát triển, đó phải chăng là vòng xoay thăng tiến của thịnh vượng", Thủ tướng nói.
Chính phủ coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn, cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; với phương châm "4 tại chỗ" và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng tình ủng hộ. Kiên quyết không chủ quan, tập trung thực hiện phương châm “5K + vắc xin” trong phòng chống dịch Covid-19.
“Chúng ta không thể xuất khẩu đồ gỗ nếu sử dụng gỗ do chặt phá rừng, không thể bán thủy sản nếu là đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo...”, Thủ tướng nói và cho rằng bảo vệ môi trường là chuẩn mực toàn cầu và tại mỗi quốc gia.
Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu với phương châm “4 tại chỗ”, quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn…

Bảo vệ từng tấc đất biên cương

Nhấn mạnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Thủ tướng nói: “Bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi tấc đất biên cương, mỗi dặm biển khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo các lực lượng vũ trang trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quốc phòng, an ninh".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam tự hào đã được 192/193 quốc gia bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Ảnh Gia Hân

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đã được 192/193 quốc gia bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, là niềm tự hào của Việt Nam. Cùng với việc luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng thân thiết, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các cường quốc G-7, 17/20 thành viên G-20, nâng tầm vị thế đối ngoại đa phương, chúng ta đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC 2017, ASEAN 2020, AIPA 41; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2...; nhất là năm Chủ tịch ASEAN 2020 với nhiều phức tạp đối.

5 bài học kinh nghiệm

Thủ tướng đưa ra 5 bài học kinh nghiệm như việc quán triệt và chấp hành đường lối của Đảng và sự giám sát của Quốc hội, đồng thời phối hợp hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội làm cơ sở cho Chính phủ điều hành, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, việc sâu sát thực tiễn, bám sát các quy định của pháp luật, nhận diện đúng tình hình, đúng vấn đề, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, hài hoà các mục tiêu trọng tâm, trung và dài hạn.
“Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta”, Thủ tướng kết thúc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Vẫn còn tồn tại hạn chế

Thủ tướng cũng thẳng thắn tự “soi lại mình” và nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Tồn tại trong xây dựng luật, pháp lệnh; một số mục tiêu phát triển chưa đạt; quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các các khu, cụm công nghiệp, làng nghề còn chậm được xử lý...
Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma tuý. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cho rằng, dù nguyên nhân gì, nguyên nhân dịch bệnh, thiên tai hay nguyên nhân con người thì Chính phủ đều coi đó là thách thức phải dám nghĩ, chấp nhận, dấn thân vượt qua rủi ro để quyết làm, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.