Thủ tướng họp khẩn để đối phó với dịch Ebola

09/08/2014 17:48 GMT+7

(TNO) Ngày 9.8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế về phòng chống dịch Ebola.

>> Thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn dịch Ebola
>> Ngăn dịch Ebola lây vào Việt Nam qua đường hàng không
>> Đông Nam Á tăng cường phòng dịch Ebola
>> TP.HCM phòng chống dịch Ebola xâm nhập từ cửa khẩu

Báo cáo với Thủ tướng về diễn biến dịch Ebola, Bộ Y tế cho biết tại Mỹ đã ghi nhận 3 trường hợp công dân Mỹ làm việc và nhiễm bệnh tại Sierra Leone. Cho đến nay, tại châu Á và Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang rà soát về nhân lực, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh khi xảy ra. Trước mắt tiến hành xuất cấp và mua thêm các phương tiện phòng hộ cá nhân phục vụ công tác giám sát, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Ebola.

 Thủ tướng họp khẩn để đối phó với dịch Ebola
Thủ tướng chủ trì họp với Bộ Y tế về phòng chống dịch Ebola - Ảnh: Dương Ngọc

Để ứng phó với dịch, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng chống bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam với ba tình huống ứng phó chữa bệnh gửi các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố…

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 4 và đang liên hệ và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) để có các hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm. Trước mắt về trang thiết bị xét nghiệm tại 2 Phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM có các trang thiết bị có khả năng xét nghiệm bệnh.

Đề nghị xem xét rút cán bộ về nước

Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Đặc biệt Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan, tổ chức không cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch bệnh trong trường hợp không cần thiết; khuyến cáo người dân không đến vùng có dịch. Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước có dịch kịp thời thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, tình hình sức khỏe của công dân Việt Nam đang công tác, học tập, làm việc tại nước sở tại; Cung cấp cho Bộ Y tế các thông tin liên quan tới khách nhập cảnh đến từ vùng có dịch để phối hợp giám sát ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Bộ Y tế cho rằng, Bộ Ngoại giao xem xét việc rút các cán bộ đang làm việc tại 4 nước Tây Phi về nước. Phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh và trong trường hợp cần thiết tiến hành cách ly hành khách nhập cảnh từ 4 nước và hạn chế đi lại. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với các biện pháp triển khai phòng chống dịch của Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành chủ động phòng chống dịch, ngăn chặn không để dịch xâm nhập, cần phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập (nếu có) và có các biện pháp hiệu quả ngăn chặn dịch lây lan khi có ca bệnh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, thông báo kịp thời diễn biến, tính chất nguy hại của dịch bệnh để toàn dân biết, đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin về cơ chế, con đường lây lan dịch bệnh, các biện pháp phòng chống đến người dân; mỗi người dân cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, hiểu về dịch bệnh để chủ động phòng ngừa.

Thủ tướng chỉ đạo cần chú trọng công tác thông tin, truyên truyền về dịch bệnh, phải cập nhật kịp thời, song cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Chiều 9.8, Bộ Y tế đã banh hành phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Theo đó, thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn/buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Phát ban: Ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh. Triệu chứng xuất huyết; đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho máu, chảy máu chân răng; đái máu; chảy máu âm đạo. Bệnh nhân cần được điều trị hỗ trợ: hạ nhiệt, giảm đau, chống mất nước mất điện giải, cầm tiêu chảy; truyền máu, lọc máu, hỗ trợ ECMO trong các trường hợp có chỉ định…

Đặc biệt lưu ý: Phụ nữ mang thai, có nguy cơ sảy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Việc chỉ định dùng oxytocin và các can thiệp sau sinh cần tuân thủ đúng các hướng dẫn nhằm giúp bệnh nhân cầm máu. Phụ nữ cho con bú: vi rút Ebola có thể truyền qua sữa mẹ. Khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.