Thước nào để 'đo' người tài ?

04/01/2021 08:31 GMT+7

Thu hút, trọng dụng người tài là một đòi hỏi khách quan, một thực tiễn cấp bách. Song, thế nào là một người tài, nhất là trong khu vực công lại vẫn là câu hỏi còn để ngỏ...

Cuối năm 2019, khi luật Công chức, viên chức sửa đổi được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, một nội dung gây ra nhiều tranh cãi chính là đề xuất quy định thế nào là người tài trong hoạt động công vụ - tức người tài trong khu vực công.
Cuối cùng, trải qua 2 kỳ thảo luận, Quốc hội đành phải từ bỏ định nghĩa về người tài khi bấm nút thông qua luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó cho rằng khái niệm “người có tài năng” là rất rộng; tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Do đó, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong luật là khó khả thi.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có định nghĩa về người tài thì mới xác định đối tượng để thu hút, trọng dụng. Nghĩa là phải có cái thước đo cụ thể cho người tài. Không thể có người tài chung chung. Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ đang soạn thảo cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng khung tiêu chí về người tài, phát hiện người tài phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng khi tìm kiếm người tài, việc dễ nhất là dựa vào thành tích học tập, bằng cấp; nhưng nếu dựa vào bằng cấp để coi là người tài thì chưa đủ, vì bằng cấp mới chỉ phản ánh phần nào về mặt trí tuệ và khả năng học vấn. “Khi hệ thống đo lường thi cử và đảm bảo chất lượng của ta rất có vấn đề, thì bằng cấp không thật sự tin cậy lắm. Gọi là tiến sĩ nhưng chưa chắc là tiến sĩ”, ông Vinh lưu ý và cho rằng để đánh giá một người là tài, cần xem xét khả năng sáng tạo, cách giải quyết vấn đề có kết quả và mang lại ý nghĩa thiết thực.
PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), kể lại rằng trong cuộc làm việc của ông và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ông Tân rất băn khoăn về việc định nghĩa thế nào là người tài. “Tôi định nghĩa, người tài phải ở trong bối cảnh cụ thể. Người tài phải là ở trong bối cảnh đó tạo ra giá trị mới. Giá trị càng lớn thì càng tài”, ông Khương nói, đồng thời cho rằng môi trường và cơ hội cũng biến người ta thành người tài. “Môi trường triệt giảm thì rất khó. Cho nên độ sẵn sàng của nơi tiếp nhận người đó mới biến người ta thành người tài”, ông Khương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng ở từng lĩnh vực, từng giai đoạn sẽ có tiêu chí riêng, song việc các tiêu chí cần phải được định lượng cụ thể bằng kết quả công việc, học tập của những người đó. “Tất nhiên cũng không thể đòi hỏi quá vì đây là thu hút cán bộ trẻ. Những người trẻ thì ta không thể đòi hỏi quá ghê gớm được. Nhưng cần phải xem xét cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện của họ để thấy được tiềm năng nhân tài ở họ thông qua những kết quả công việc đã làm”, ông Dĩnh phân tích.
Theo dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, người tài được hiểu là có tài năng theo lĩnh vực; có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực và sức sáng tạo vượt trội được khẳng định qua kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao; có niềm tin, khát vọng nghề nghiệp, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tổ chức, xã hội tại thời điểm xác định và cả trong tương lai.
Người tài cũng đồng thời là bộ phận của đội ngũ trí thức, lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài phạm vi cơ quan nhà nước; là tài nguyên đặc biệt, yếu tố căn bản, gốc rễ để thay đổi diện mạo ngành, lĩnh vực, quốc gia, dân tộc.

Thực trạng thu hút người tài khu vực nhà nước, từ 2000 - 2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.