>> Nguyễn Phúc

Nếu không phải là người Huế hoặc không quan sát kỹ, không phải ai cũng biết giữa chợ Đông Ba có một lầu may tồn tại từ năm 1976. Bởi ngõ lên lầu may nằm lẩn khuất ở gần bãi giữ xe của khu chợ đông đúc nhất xứ thần kinh này, chỉ vừa đủ một người đi, muốn lên phải bước lên những bậc cấp ẩm thấp và tối tăm. Nhưng điều bất ngờ sẽ đợi người khám phá ở những bậc thang cuối. Ở đó, có một công xưởng may mặc với sự tham gia lao động của hàng chục con người. Và chuyện buồn vui vẫn diễn ra hằng ngày giữa cuộc mưu sinh tất tả...

Công xưởng may trên lầu may chợ Đông Ba đã tồn tại 42 năm

Nhiều người vẫn còn nhớ, lúc mới thành lập, lầu may Đông Ba là một trong những nơi nhộn nhịp nhất khu chợ với sự tham gia của 80 nhà may. Ngày xưa, không dễ gì người thợ may có một chỗ ngồi trên lầu may này. Tay nghề cao là điều kiện đầu tiên.

Bà Huỳnh Thị Tằm (65 tuổi, thợ may ở lầu may chợ Đông Ba) kể rằng bà ra nơi này may vá từ lúc thiếu nữ, mà giờ đây đến con gái của bà cũng đã trưởng thành. “Tôi ra đây ngồi rồi học dần, chứ ban đầu đâu phải là thợ may, vì tôi không có thầy. Áo dài, quần tây… chi tôi cũng làm được hết nhờ mấy mươi năm vừa làm vừa học đó. Thời con nhỏ mới sinh, chừ con học đại học xong rồi. Tôi ngoài sáu mươi tuổi rồi vẫn còn đi may, sáng đi tối về, ngày kiếm trăm - trăm rưỡi chi đó để mà cho cháu. Nhưng cũng vui, về nhà trông đến sáng ra để… tiếp tục đi, ra đây có bạn bè. Nói tóm lại, nhờ giữa lầu may ni mà tôi cũng có cơm ăn áo mặc, có nhà có cửa có xe, nuôi con ăn học”, bà Tằm nói.

Thợ may chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi

Nhưng cũng theo thời gian, lầu may chợ Đông Ba hiện chỉ còn chừng 30 nhà may hoạt động. Những người thợ được chia ô nhỏ chừng vài mét vuông để đặt bàn may, vải vóc, quần áo… Phía trên đầu họ là những tấm bảng hiệu, đặt rất sơ sài nhưng đọc lên cũng rất dễ thương: hiệu may O Gái, hiệu may Bác Thế, hiệu may O Tằm... Để có ánh sáng phục vụ cho công việc, bàn may nào cũng sáng đèn neon. Các thợ may sử dụng máy thủ công, dùng chân để đạp và dùng tay để quay. Nên tiếng lạch cạch cứ gắn mãi với đời họ…

Thợ ở lầu may chợ Đông Ba làm đủ thứ việc liên quan đến may vá, nhưng thường thì họ chuyên về sửa hơn là may mới. Họ sửa đồ mới và cả đồ cũ. Những việc may cờ, may quần áo tang chế... họ cũng không chối từ.

Đứng ở lầu may, tôi nhận ra có 2 quy luật nghiệt ngã đang đeo bám chốn mưu sinh này: thời gian và kinh tế thị trường.

Cụ Nguyễn Văn Chúc, thợ may lớn tuổi nhất lầu may Đông Ba

Tôi giật mình nhận ra nhiều hiệu may trên lầu đóng cửa vì thợ may lần lượt về với đất. Họ chẳng có ai nối nghiệp vì mức thu nhập lẹt đẹt. Những người đang cố gắng cầm cự thì chấp nhận chỉ lấy công làm lãi. Bởi ngày nay, quần áo may sẵn đầy ra đó, giá lại rẻ, người dân chẳng có lý do gì để đến lầu may này sửa dăm ba mớ áo quần cũ sờn… Nếu có, công cán cho việc sửa chữa cũng chả đáng là bao.

Thợ ở lầu may Đông Ba phần nhiều là phụ nữ và người lớn tuổi. Người lớn tuổi nhất là một thợ may nam, đã bước qua tuổi 84, cụ Nguyễn Văn Chúc. Nhưng thợ lớn tuổi không có nghĩa họ làm việc ì ạch, bằng chứng là tiếng lạch cạch từ máy may vẫn vang lên đều đặn. “Quan trọng nhất là mắt vẫn còn xâu kim được, tai vẫn còn nghe được tiếng lạch cạch của máy may. Không có được 2 điều đó thì coi như xong, hết làm”, cụ Chúc dí dỏm.

Chỉ tiếc rằng, dù có cố gắng mấy thì vẫn tồn tại một sự thật không mấy vui: thu nhập của thợ may ở lầu may Đông Ba khá thấp, chỉ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào lượng khách. Và dù số lượng hiệu may ít dần, nhưng công việc ở lầu may cũng không vì thế mà… nhiều thêm lên. Bởi như đã nhắc, khách hàng giờ dễ dàng mua đồ may sẵn rẻ tiền hoặc vào những nhà may sang trọng trên phố, thay vì “trèo” lên lầu may chật chội ẩm thấp này. Vậy mới có chuyện “mở rộng” ngành nghề. Thợ may Nguyễn Thị Thơm (45 tuổi) phải nhận cả việc may viền cho chiếu, dù tiền công rẻ mạt. “May viền chiếu thời gian chưa đầy năm phút mỗi cái, chỉ được trả 2.000 đồng cho công lẫn vải. Mình còn phải tự đi mua vải viền. Cũng chỉ đủ sống. Nhưng làm đã gần 30 năm rồi, đành phải theo tới cùng chứ biết làm sao”, bà Thơm tâm sự.

Giữa những câu chuyện thoảng buồn về một thời vang bóng của lầu may Đông Ba đông đúc, giữa tiếng thở dài của bác thợ may già không biết còn bám trụ được với nghề thêm bao năm nữa…, thì sự xuất hiện của anh thợ trẻ 30 tuổi Lê Quang Tuấn, trẻ nhất lầu may, như thắp lên một tia hy vọng.

Chàng thợ may trẻ tuổi Lê Quang Tuấn, người kế nghiệp

Cha anh Tuấn cũng là một thợ may già ở lầu may Đông Ba. Khi ông già yếu và nghỉ, anh mới ngồi vào bàn may thế chỗ, kiếm thu nhập nuôi gia đình. Làm việc giữa những chú bác cô dì lớn tuổi, Tuấn tỏ ra hài lòng. “Tôi theo nghề của ông già cũng được chục năm và ngồi ở lầu may này được 2 năm. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Tôi sống hòa đồng với các “đồng nghiệp” lớn tuổi. Cũng không thấy bức bách gì cả. Thì có hề gì, miễn là có công việc để làm, để kiếm cơm”, anh Tuấn trải lòng.

Cách đấy chỉ một khung cửa sổ, phố xá chợ Đông Ba nườm nượp người mua kẻ bán. Vậy mà tưởng như, ở lầu may này, mỗi ngày chuyện buồn vui cứ thế trôi qua và tách biệt với bên ngoài. Ở đây, chỉ có tiếng máy may lạch cạch là thực sự thân thuộc, bởi nó đã vang lên suốt 42 năm qua, không ngơi nghỉ...

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Nguyễn Phúc

Báo Thanh Niên
03.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.