Tố tụng cần theo kịp yêu cầu cải cách tư pháp

27/09/2010 23:28 GMT+7

TS-LS Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có bài viết góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về lĩnh vực tố tụng hình sự.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, có thể khẳng định hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chính sách, pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự đã từng bước được định hình và hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng có được môi trường pháp lý thuận lợi nhằm thực hiện các chức năng của mình.

Tuy nhiên, trước yêu cầu bức thiết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, hoạt động tố tụng hình sự hiện nay đang bộc lộ những bất cập và khiếm khuyết nhất định.

Về hoạt động điều tra hình sự: Tuy thẩm quyền và địa hạt tiến hành tố tụng đã được pháp luật quy định rõ, nhưng vẫn còn hiện tượng chồng lấn về thẩm quyền điều tra. Nhiều vụ án hình sự được xác định là trọng điểm, có sự chỉ đạo tập trung, nhưng thời gian tiến hành điều tra kéo dài, không chỉ vi phạm thời hạn điều tra, mà còn có nguy cơ xâm phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp. Chất lượng điều tra trong một số vụ án còn yếu kém, hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần, chất lượng công tác giám định phục vụ cho công tác điều tra còn hạn chế. Việc tham gia tố tụng của luật sư từ giai đoạn điều tra gặp nhiều khó khăn, còn mang nặng tính hình thức; nhiều trường hợp vi phạm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can nhưng chậm được khắc phục.

Về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra: Ở nhiều địa phương, trong nhiều vụ án, vai trò của viện kiểm sát, các kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự còn rất bị động. Viện kiểm sát mới chủ yếu thực hiện việc phê chuẩn các quyết định tố tụng, làm rõ thêm một số yêu cầu điều tra bổ sung. Vẫn còn tình trạng khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp chưa cần thiết hoặc chưa đến mức phải tạm giam. Nhiều vụ án có dấu hiệu vi phạm về thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam. Cơ chế ủy quyền công tố đang phát sinh nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn cho việc tranh tụng tại phiên tòa.

Về hoạt động xét xử, trong một số trường hợp, tòa án chưa thật sự đóng được vai trò là trọng tài khách quan, nơi thể hiện bản chất dân chủ và khả năng tiếp cận với công lý. Nhiều vụ án bị tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, kéo dài thời hạn giải quyết, thời hạn tạm giam bị cáo. Kết quả tranh tụng tại một số phiên tòa chưa được coi là căn cứ để ra phán quyết.

Điều đáng lo ngại là trong một số vụ án hình sự, “cơ chế liên ngành”, thỉnh thị án vẫn tồn tại và chi phối trong suốt các giai đoạn tố tụng hình sự, dẫn đến việc hạn chế không chỉ sự tham gia tố tụng mang tính phản biện của đội ngũ luật sư, mà còn vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm trong hệ thống các cơ quan tư pháp và nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án.

Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển các mặt kinh tế - xã hội, có thể khẳng định chất lượng hoạt động tư pháp hiện nay có ảnh hưởng rất lớn đến vận khí của đất nước và lòng tin của người dân vào chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy tư pháp và sự vận hành của các cơ quan tiến hành tố tụng: Nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án. Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương, được Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của pháp luật, trong việc đánh giá và bố trí cán bộ tư pháp, chứ không làm thay hoặc can thiệp vào các hoạt động tố tụng cụ thể. Hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng cần được tổ chức theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng về chức năng, thẩm quyền và địa hạt tiến hành tố tụng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận công lý, tự chịu trách nhiệm độc lập và có khả năng chế ước lẫn nhau. Thể chế hóa nguyên tắc phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa như đã được nêu trong Nghị quyết 08 ngày 2.1.2002 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng ngang tầm với sự phát triển của xã hội và yêu cầu của cải cách tư pháp. Cùng với việc củng cố, tăng cường hệ thống, bộ máy của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra, vấn đề đào tạo, nâng cao nhận thức, chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ các chức danh những người tiến hành tố tụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thành bại của chiến lược cải cách tư pháp. Cần đánh giá, vận dụng đúng đắn các quy định pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý kinh tế, đặc điểm của nền kinh tế thị trường, tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Thứ ba, bản chất tố tụng hình sự của Việt Nam được coi là dân chủ khi chức năng buộc tội có đối trọng của nó là chức năng bào chữa. Cùng với việc xác định trọng tâm của cải cách tư pháp là tòa án, hoàn thiện chế định thực hành quyền công tố, việc tạo điều kiện thuận lợi, ngang bằng và có tính độc lập cho việc tham gia một cách thực chất, mang tính phản biện của các tổ chức và đội ngũ luật sư trong các vụ án hình sự là một trong những chủ trương và biện pháp thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp.

P.T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.