Năm bão lũ, nghĩ về ngôi nhà miền Trung

11/02/2021 07:00 GMT+7

Người Quảng Nam và rộng ra là người miền Trung, bên cạnh không gian truyền thống của ngôi nhà Việt đắp nền nhà thật cao, dự trữ mắm muối, thêm một ghe nan để phòng bị... ngày nay có nơi làm nhà phao để phòng nước lên… “Sống cái nhà, già cái mồ” là vì vậy!

 

Nhà việt trong ký ức

Cho đến năm 1975, nhà ở của người Việt tại miền Trung Việt Nam chỉ được nghiên cứu rất hạn hẹp. Các công trình nghiên cứu về nhà rường Quảng Nam của học giả Nguyễn Bạt Tụy (1961) hoặc của Giáo sư Nguyễn Khắc Tụng mới chỉ được xem như những phác thảo. “Phác thảo nghiên cứu nhà Việt Nam” của Pierre Gourou thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội (1936) tuy đầy đủ hơn nhưng dàn trải từ phía bắc vào miền Trung nên cũng mang tính khái quát…
Từ sau năm 1975 đến nay, nghiên cứu về kiến trúc ở Hội An của các tác giả thuộc Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), kiến trúc nhà cổ Huế của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm bảo tồn di tích Huế đã đi sâu nghiên cứu cả về kiến trúc đặc thù lẫn không gian sống. Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu khác về kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững của các kiến trúc sư Việt Nam từ nam chí bắc.
Riêng tại Quảng Nam, việc xây dựng nhà ở từ xưa không những kế thừa những phương thức xây dựng, kết cấu nhà phổ biến của người Việt, mà còn là nơi giao tiếp với các nền văn hóa Champa, Nhật Bản, Trung Hoa, phương Tây. Do các điều kiện thiên nhiên khác biệt nên ngôi nhà xứ Quảng từ xưa cũng có những nét đặc trưng theo mỗi vùng địa lý. Nhờ đó, những ngôi nhà tranh tre, nhà mái lá, nhà gỗ ở các làng quê, thậm chí nhà ống trong các khu phố cổ đến nay vẫn còn tồn tại được với thời gian.
Sau những trận lũ lụt từ tháng 9.2020, tôi đã có dịp đọc lại cuốn sách Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam (Trần Ánh, Nguyễn Thượng Hỷ - 2008). Đây là kết quả một công trình nghiên cứu khá toàn diện. Các loại hình kiến trúc nhà cổ, vật liệu, cấu kiện trong ngôi nhà rường, nhà tre, nhà mái lá, không gian sinh hoạt, thờ cúng… đã được các tác giả nghiên cứu khá công phu với các bản vẽ, hình ảnh dẫn chứng sinh động. Nhất là phương pháp dựng nhà và đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc tinh tế của các nghệ nhân thuộc 2 làng nghề mộc nổi tiếng là Kim Bồng (Hội An), Văn Hà (Phú Ninh) cùng những phong tục tập quán của người xưa trong việc xây dựng nhà ở... Các tác giả nêu bật được tâm hồn, trí tuệ nhân sinh quan của cả hai phía: người thợ xây dựng và người chủ sở hữu ngôi nhà cổ.
Trong khảo sát từ năm 1936, Pierre Gourou đã dành nhiều trang mô tả ngôi nhà Việt từ Quảng Trị, Quảng Nam đến Bình Định. Là một nhà địa lý học, ông quan tâm đến những khác biệt về địa hình lẫn khí hậu phía nam đèo Hải Vân. Khác biệt về các đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt bởi núi non, sông ngòi cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà ở. Nhưng ảnh hưởng của văn hóa Champa đã tác động ít nhiều đến kiến trúc và xây dựng nhà cửa. “Nhà ở Quảng Nam không khác mấy với nhà ở Quảng Trị… Mái nhà vẫn y nguyên và bình đồ nhà không thay đổi, nhưng cấu trúc thì đa dạng hơn. (…) Những ngôi nhà tồi tàn ở Miếu Bông thường có bộ khung toàn bằng tre. Nhà ở Bất Nhị giàu có hơn, có khung bằng gỗ, nhưng lại có những nét tùy tiện nào đó. Chính cái khác nhau đó đã tạo ra tính cách địa phương của vùng đất Quảng Nam với sự biến mất cả nhà rội điển hình”, ông viết.
Năm bão lũ, nghĩ về ngôi nhà miền Trung 1

Bò cũng được ở “nhà lầu” mùa lụt

Nhà ngói Quảng Nam có mái phẳng hơn và lợp móc, khít nhau khác với nhà ở Lý Hòa và Cửa Tùng (Quảng Bình, Quảng Trị), được bao bọc bởi các hàng rào tre thưa, tạo một không gian sống của từng làng ở Quảng Nam cũng là một đặc điểm. Nhưng Gourou có một nhận xét lý thú và đến nay (sau 2020) vẫn còn thấy, đó là nhà ở phía Quảng Ngãi, dọc sông Trà Bồng có nhiều ngôi nhà kiểu Quảng Nam xen lẫn với kiểu nhà Bình Định mà “khu đĩ” thường rộng hơn, do mái nhà chính luôn cao hơn và bố cục cũng không cân xứng.
Ở xứ nóng như Quảng Nam và miền Trung, ngôi nhà thường quay về hướng nam, gồm có bàn thờ tổ tiên và đôi khi có bàn thờ cúng thần. Đàn ông nằm trước bàn thờ tổ tiên, phía trái là nơi ở của phụ nữ kèm theo cái rương đựng của quý của gia đình và đồ dự trữ, nối liền với lối đi xuống bếp… “Trong quá trình Nam tiến, người Việt biết giữ thói quen xây dựng của mình. Ảnh hưởng ngự trị trong bình độ và trong kết cấu của ngôi nhà chính là sự thống nhất của dân tộc Việt Nam”, Pierre Gourou kết luận.

Tản mạn… nền nhà

Trên thực tế, khi tôi liên tưởng đến các ngôi nhà ông cố và ông nội tôi từng ở ngày xưa và nhiều ngôi nhà khác, một bố trí không gian đều như Gourou đã mô tả cách đây gần một thế kỷ. Cái nhà và không gian mà ngôi nhà ấy tồn tại (trong mảnh vườn) dường như ít thay đổi, trừ các khu dân cư “nhà ống” hiện nay. Trong ngôi vườn ấy vẫn là “trước cau sau chuối” như tục ngữ đã khẳng định, từ hiên nhà đi qua hàng cau là ra cái cổng ngõ để tiếp xúc với làng xóm và cộng đồng. Hàng rào tre tuy cách biệt mà thân gần tình lân lý.
Năm Canh Tý 2020 lũ lụt triền miên, nhớ đến ngôi nhà xứ Quảng và miền Trung, còn phải nhớ đến cái… nền nhà. Đặc điểm mưa lũ hàng năm ít được các nhà nghiên cứu lưu ý.
Miền Trung sông ngòi chằng chịt, nhưng thế đất nhìn chung có độ dốc cao nên đất cư trú ít và luôn thấp lụt. Người ta đã sống chung với lũ từ tập quán xây dựng cái nền nhà. Có khi làm được cái nền nhà, đúc cái móng nhà kiên cố từ năm này rồi đến năm sau mới dành dụm đủ tiền và vật liệu xây nhà, hoặc làm cái nhà tranh tre trên cái nền đó. Ở ven sông Hội An xưa, người dân làm nhà chồ cao để tránh lụt, còn trong phố buôn thì dựng nhà có gác. Gác vừa là kho hàng vừa để trú lụt. Nền nhà phải đắp cao, có khi cao hơn đất vườn chung quanh cả một thước Tây để lụt không vô nhà. Lụt cao quá thì mỗi nhà đã có sẵn một chiếc ghe nan, ghe nhôm treo sẵn ở hàng hiên hoặc nhà ngang, lấy xuống… Nhiều nơi thấp lụt người ta còn làm cả nhà 2 tầng cho trâu bò ở khu lũ tới như ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
Người miền Trung quê tôi sống chung với lũ từ xưa là vậy! Trong ngôi nhà có nền cao ấy, lúc nào cũng có vài hũ mắm cái, vài cái tĩn chứa mắm muối và cả giữ hạt giống cho vụ sau. Đã vậy, cái bếp cũng cao hơn, gọi là “chồ bếp”. Trên chồ bếp có chỗ để giữ củi, vừa hong khô vừa tránh ướt. Cho nên mưa lụt ngập vườn cả tuần lễ cũng không sao…
Gần đây, sau nhiều trận lũ, tôi vui mừng khi biết nhiều kiến trúc sư và nhiều nhà hảo tâm đã lập các quỹ xây dựng nhà mang tên “Làng hạnh phúc” giúp dân nghèo ở các vùng hay sạt lở vì lũ lụt ở vùng cao. Quỹ “Sống Foundation” đang xây dựng 2 làng ở Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam) từ tháng 6.2020 là một ví dụ. Họ theo trường phái “xây dựng cùng nhân dân”, khai thác vật liệu tại chỗ và nhân lực địa phương. Nhưng trên hết, các kiến trúc sư trẻ vẫn luôn quan tâm trước hết đến cái nền nhà cao hay gác lửng và sự kiên cố của khung nhà để tránh bão lũ…
Có lẽ, “sống cái nhà, già cái mồ” đã ăn sâu trong suy nghĩ và ứng xử của người dân quê tôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.