Tôi làm 'người nhện'

01/01/2018 09:00 GMT+7

Hình ảnh những 'người nhện' đánh đu giữa không trung để cọ rửa, lau kính cho các tòa nhà chọc trời không còn xa lạ, nhất là khi những cao ốc vài chục tầng xuất hiện ngày càng nhiều.

Cầm tay chỉ việc
Đầu tháng 9.2017, tôi liên hệ Trương Nguyễn Duy Thiên (32 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM), thợ đu dây lau kính cao ốc chuyên nghiệp, ngỏ ý muốn học nghề và được đồng ý.
Sau đó, hễ rảnh là tôi tranh thủ “mua bao thuốc lá, mua thêm chai nước” làm… học phí, xin đến các tòa nhà Thiên đang làm để “tầm sư học đạo”.
“Muốn làm nghề này thì phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, bình tĩnh và tập trung. Nhất là phải có sức khỏe tốt, không bị xương khớp, huyết áp ổn định. Phải chịu được áp lực khi cheo leo ở độ cao cả trăm mét”, Thiên nói.
Làm nghề đu dây lau kính, phải học rất nhiều kỹ năng. Ảnh: Quan Phát
Ba ngày đầu, tôi trải nghiệm nghề bằng những công việc “chạy vòng ngoài”, phụ giúp trông coi đồ đạc, kéo dây, đưa dụng cụ. Tuần tiếp theo, Thiên “cầm tay chỉ việc” với phương pháp “1 kèm 1”. Anh hướng dẫn cách thắt những nút: neo thuyền, số 8, cổ chó, mỏ chim… để biết cách neo dây vào những vật kiên cố. Những sợi dây ấy bảo toàn tính mạng cho “người nhện”. Không biết cách thắt nút, neo dây sai, để dây tuột, chắc chắn dẫn đến tai nạn lao động.
Trước khi đu dây lau kính mặt ngoài, phải tập lau kính mặt trong
Đấy là chưa kể người làm nghề phải biết cách pha dung lượng hóa chất tẩy rửa kính sao cho hợp lý, tùy mức độ bẩn của kính. Việc sử dụng các thiết bị bảo hộ như: đai chống rơi, thiết bị hãm rơi, thiết bị trượt trên dây thừng, thiết bị leo ngược, dụng cụ hít kính… cũng không hề đơn giản.
Ngay cả việc lau sạch kính cũng khá phức tạp. Tôi phải tập cọ rửa, lau chùi mặt kính trong (phần kính bên trong nhà) vài ngày mới thuần thục những động tác: dùng dao cạy những vết bẩn bám chặt trên kính (thường là vữa, sơn), lấy bông chà thoa đều hóa chất lên kính, dùng cần gạt để gạt kính loại bỏ vết dơ, cách cầm khăn sạch lau kính.
Học cách thả dây, sau đó buông mình xuống theo sợi dây này
Để làm nghề này, người thợ phải tham gia khóa huấn luyện chứng chỉ an toàn lao động leo cao, bởi nếu không được đào tạo những kiến thức ấy sẽ dễ dẫn đến sự cố.
Sau 3 ngày tham gia khóa học do Công ty TNHH Huấn luyện an toàn khu vực phía nam tổ chức, tôi được học những kiến thức cơ bản về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động...
Trăm cân treo sợi dây thừng
Thấy tôi cầm chứng chỉ hoàn thành khóa huấn luyện, Thiên mới để tôi thử sức với nghề bằng cách cho đứng trên giàn giáo lau kính một căn hộ 4 tầng trên đường Trần Phú (Q.10, TP.HCM). Theo Thiên: “Phải đứng làm trên giàn giáo ở những nhà dạng tầm thấp để quen cảm giác”.
Một tuần “làm bạn” với giàn giáo, tôi vui mừng khi nghe Thiên nhận xét “chịu nhiệt” nổi với nghề, làm việc được trên không và hứa hẹn sẽ cho đu dây lau kính. “Chứ nhiều đứa theo anh vài ba ngày là một đi không trở lại, có đứa bỏ cuộc vì không chịu nổi nắng, cực nhọc vất vả, có đứa thì sợ độ cao”, Thiên nói.
Đầu tháng 11, tôi mừng rơn khi Thiên gọi: “Có việc rồi, em qua làm với anh!”. Công trình Thiên nhận là tòa nhà Léman Luxury Apartments (Q.3, TP.HCM) với 24 tầng cao và 1 tầng thượng.
“Nay cho em “lên thớt”!”, Thiên nói. “Lên thớt”, nghĩa là lên cái ghế ngồi. Gọi là ghế cho sang vậy thôi, nhưng thực ra đó là tấm ván được móc kỹ lưỡng trên dây thừng.
Tôi nhận lệnh làm... tầng 7, 8, 9. “Giỡn hoài anh, tầng 1, 2 thì được!”, tôi xua tay từ chối. Nhưng trong tích tắc tôi “OK”, bởi thấy tầng 1 lên tầng 6 là trung tâm thương mại Romea. Lau kính tầng 7, 8, 9 ở đây như tầng 1, 2, 3 ở các tòa nhà khác.
Tôi mang đai bảo hộ chống rơi cùng các thiết bị cần thiết của một “người nhện” lên người. Nhìn vào gương, tôi thấy mình không khác gì một… robot.
Cầm trên tay xô đựng nước, bỏ trong đó dụng cụ hít kính, cọ rửa, khăn lau, cần gạt nước, tôi nhoài người bước chân ra khỏi khung cửa sổ tầng 9. Nhìn sân thượng trung tâm thương mại Romea phía dưới cách chừng 15 m, tôi thấy gai gai người.
Quay đầu nhìn lại Thiên, tôi liên tục hỏi: “Mấy điểm neo dây chắc chắn không anh? Cái dây này nó đảm bảo không vậy anh? Chứ em 70 ký, cái xô nước với mấy dụng cụ vệ sinh cũng 30 ký nữa, cả trăm ký chứ chẳng đùa nha anh”. Thiên đáp như đinh đóng cột: “Sợi dây này có tải trọng 1,5 tấn nên em yên tâm!”.
Học thao tác với dụng cụ hít kính giúp chân bám vào
Đu vào dây. Rồi bước hai chân lọt xuống ghế. Ngồi yên vị, tôi bắt đầu công việc: thoa hóa chất lên kính, cầm cần gạt để lau sạch kính.
Rồi, xong! Mà không phải xong công việc! Tôi vừa làm rớt cái khăn và cần gạt xuống đất.
Sau 20 phút, cửa kính đầu tiên được tôi lau sạch. Nhưng khi chuẩn bị lau cửa kính tiếp theo thì đầu tự nhiên chếnh choáng, sây sẩm mặt mày. Chân bị chuột rút tê lại, cứng ngắc. Hai đầu gối bị đè vào tường, nhức vô cùng. Tôi chỉ biết vịn vào dây, chẳng thể nào tiếp tục công việc, cũng không biết làm sao tuột xuống.
“Chuyện này là bình thường, vì em chưa quen cảm giác đu dây. Khi quen rồi thì sẽ tự bám người vào dây để trượt từ tầng này xuống tầng khác. Nhớ là khi đu, chỉ nên nhìn sang ngang, không nên nhìn xuống để chống ngợp độ cao”, Thiên vừa an ủi vừa kéo dây lên giúp tôi thoát khỏi tình cảnh “trăm cân treo sợi dây thừng”.
Lúc cởi bỏ bộ đồ bảo hộ ra khỏi người, tôi thở dốc, đầu óc bưng bưng. Mồ hôi túa ra ướt nhẹp.
Nguyên ngày hôm đó, tôi bỏ ăn vì người mệt lả. Đúng là trần ai khổ ải! 
(còn tiếp)
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty vệ sinh công nghiệp TVS Hà Nội, những cao ốc, tòa nhà “cao chọc trời” ngày càng mọc nhiều hơn, phần lớn đều có hệ thống kính. Các tác động ngoại cảnh: mưa gió, khói, bụi bẩn sẽ làm hệ thống kính bị ảnh hưởng (mốc, mờ, đục, bị ăn mòn…) và mất dần vẻ đẹp ban đầu. Do đó, đội ngũ thợ đu dây lau kính là những người giúp mang lại vẻ đẹp sang trọng, hiện đại cho các tòa nhà, văn phòng, cao ốc. Chính vì thế nghề này rất được trọng dụng những năm gần đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.