Tổng kiểm toán Nhà nước tiết lộ chiêu trốn thuế của SABECO, HABECO

03/10/2016 20:46 GMT+7

Khi bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu truy thu hàng trăm tỉ đồng thuế, SABECO và HABECO đã tìm mọi cách không tuân thủ.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết thông tin trên tại phiên họp chiều nay, 3.10, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán nhà nước.
Vì sao kiểm toán không phát hiện được tham nhũng?
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề sau nhiều năm đưa kiểm toán vào luật Phòng, chống tham nhũng, kết quả kiểm toán để phối hợp với công tác phòng chống tham nhũng rất hạn chế. Bà Nga dẫn báo cáo của Ủy ban Tư pháp về phòng chống tham nhũng cho thấy, qua kiểm toán năm 2016, chưa có vụ việc nào Kiểm toán phát hiện được tham nhũng và chuyển sang cơ quan điều tra.
“Cần đánh giá lại tại sao năm 2016 kiểm toán nhiều nhưng không chuyển được một vụ việc nào để khởi tố điều tra? Có phải kỷ luật tài chính quá tốt không trong khi Ủy ban Tài chính đánh giá không phải như thế? Kết quả xử lý kiểm toán có nương nhẹ không?”, bà Nga băn khoăn.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong nhiều năm qua, hạn chế của kiểm toán là kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Cùng chung nhận định, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng công tác kiểm toán rất vất vả, nhưng thu hồi hậu kiểm toán không đáng kể. “Từ 2015 - 2016 mới thu hồi được 9.000 tỉ trên tổng số 19.000 tỉ đồng, tương đương 47% là quá ít. Đây là vấn đề kỷ cương. Đơn vị sai phạm phải có trách nhiệm thu hồi, thậm chí tái kiểm toán”, ông Phúc bày tỏ quan điểm.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thừa nhận việc thực hiện kiến nghị kiểm toán “rất khó khăn”. Mỗi lần sau khi có kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị các Bí thư tỉnh ủy, các Bộ trưởng… chỉ đạo các cơ quan thực hiện kết luận kiểm toán ngay sau khi công bố kết quả kiểm toán, nhưng rất khó khăn.
“Chúng tôi đòi như đòi nợ, đôn đốc nhiều lần. Sau khi phát hiện các khoản thu, thuế làm rồi, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại, có những lần số truy thu rất lớn, yêu cầu nộp phải có sự phối hợp. Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi không thực hiện kiến nghị kiểm toán và Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính hành vi không thực hiện kiểm toán”, ông Phớc nói.
SABECO, HABECO đã làm gì để đối phó kiểm toán?
Dẫn chứng trường hợp kiểm toán Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO), ông Phớc cho biết đã yêu cầu SABECO nộp lại 408 tỉ đồng trốn thuế thông qua đại lý, nhưng SABECO không tuân thủ. “Sau khi có kết luận kiểm toán, SABECO tổ chức hội nghị mời các nhà khoa học, chuyên môn, quản lý, có cả các đồng chí trong Quốc hội tham gia, nói Kiểm toán Nhà nước làm không đúng…, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Sau đó báo chí chất vấn và chúng tôi đã giải thích, viện dẫn luật pháp, rốt cuộc SABECO đã phải nộp 408 tỉ”, ông Phớc cho biết.
Một trường hợp tương tự được ông Phớc dẫn ra tại cuộc họp là cách đây 1 tháng, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) thực hiện kết luận kiểm toán: nộp khoản tiền liên quan thuế tiêu thụ đặc biệt là 931 tỉ, nhưng công ty này cũng không chịu nộp.
“Họ cũng tổ chức hội thảo, nói Kiểm toán Nhà nước không đúng. Chúng tôi đã tổ chức đối thoại giải thích. Chúng tôi yêu cầu phải nộp, đôn đốc, lập biên bản nhiều lần thì vừa qua, họ nộp 2 lần, một lần 12 tỉ, lần sau 127 tỉ đồng. Ngay cả Bộ Công thương cũng có văn bản gửi Chính phủ yêu cầu không thực hiện kết luận kiểm toán”, ông Phớc nói.
Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết đã phải yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo HABECO đồng thời báo cáo Thủ tướng về việc này. “Chúng tôi cũng đã báo cáo Quốc hội, sang làm việc với Bộ trưởng Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, các đồng chí đều ủng hộ. Vừa qua, đã phải phát văn bản đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo HABECO phải nộp. Bộ Công thương nói trong lúc kiến nghị Thủ tướng cho ý kiến thì HABECO vẫn phải có kế hoạch nộp dần”, ông Phớc nói.
Về việc chuyển cơ quan điều tra, ông Phớc cho biết Kiểm toán Nhà nước đã chuyển một số vụ cho cơ quan điều tra, nhưng khi chuyển xong thì "nhiều khi cán bộ điều tra coi anh em kiểm toán như đối tượng điều tra, liên tục triệu tập, mời, nên anh em chán. Nếu không phục vụ chuyện đó, anh em làm được bao nhiêu việc khác”, ông Phớc nói.
Theo ông Phớc, khi Cục cảnh sát kinh tế - C46 (Bộ Công an) sang làm việc, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp đầy đủ, ví dụ các vấn đề về sai phạm. “Còn việc làm ra hay không là do cơ quan điều tra. Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo kế hoạch, chủ yếu theo đúng chuẩn mực kiểm toán, việc đi sâu, đối chiếu rất khó khăn”, ông Phớc nói.
Theo Tổng kiểm toán Nhà nước, sắp tới cơ quan này sẽ chuyển cho C46 một số hồ sơ liên quan đến Nhiệt điện Hà tĩnh và một vụ việc ở Móng Cái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.